Ngành giáo dục tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo tất cả học sinh đều có sách vở đến trường
Ngành Giáo dục Thủ đô đổi mới và nâng tầm chất lượng Bộ GD&ĐT chấn chỉnh công tác tuyển sinh ngành Giáo dục mầm non |
Trong thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh miền Trung do bão lũ diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Hàng chục giáo viên, học sinh thiệt mạng. Nhiều trường học ngập sâu. Thiết bị dạy học, sách vở bị cuốn trôi, mất mát và hư hỏng nặng. Sau bão, hầu hết các em học sinh ở vùng lũ đều bị thiếu sách giáo khoa và đồ dùng học tập.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam quyên góp ủng hộ ngành Giáo dục các tỉnh miền Trung |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Phải cần nhiều thời gian mới có thể khắc phục được những thiệt hại này. Nhưng ngay đây, học sinh cần sách vở để đến trường, cơ sở vật chất cần được khắc phục sớm để ổn định việc dạy và học”.
Bộ GD&ĐT đã cử các đoàn công tác về vùng lũ để trực tiếp chia sẻ, động viên thầy và trò. Toàn ngành đã có nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ, san sẻ khó khăn với ngành Giáo dục các tỉnh miền Trung. Tới đây, lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục về thăm, động viên học sinh, giáo viên và những gia đình có học sinh, giáo viên bị nạn ở các tỉnh còn lại.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT hỗ trợ bằng tiền mặt từ Quỹ phòng, chống lụt bão của Bộ cho học sinh, giáo viên bị tử vong, mất tích, bị thương, giáo viên có người thân bị nạn; đã thành lập Tổ vận động, tiếp nhận và phân phối hỗ trợ ngành Giáo dục các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Tuy nhiên khó khăn còn quá lớn. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020, Bộ GD&ĐT tổ chức quyên góp và kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ cùng ngành Giáo dục miền Trung vượt qua khó khăn.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trước mắt, các nguồn ủng hộ sẽ tập trung ưu tiên tặng sách, vở cho học sinh vùng lũ, cố gắng đảm bảo tất cả học sinh có sách, vở đến trường. Các nguồn ủng hộ cũng sẽ được sử dụng để khắc phục một phần khó khăn, thiếu thốn về bàn ghế, thiết bị, đồ dùng học tập.
Bộ trưởng cũng đề nghị lực lượng cán bộ, giáo viên toàn ngành thường xuyên quan tâm, hỗ trợ thường xuyên để đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh vùng lũ, học sinh vùng dân tộc, miền núi và học sinh khó khăn nói chung.
Ngay tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tại 63 điểm cầu đã tiếp tục quyên góp, ủng hộ học sinh, giáo viên các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ.
“Bộ GD&ĐT trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự chung tay, đóng góp nhiều hơn nữa, cùng ngành Giáo dục miền Trung vượt qua khó khăn cả trong giai đoạn trước mắt và lâu dài”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như UNICEF, Save the Children, Plan International,… và các tổ chức, đơn vị, cá nhân để kêu gọi hỗ trợ học sinh miền Trung bị ảnh hưởng bão, lũ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến ngành Giáo dục năm 2020 quyên góp ủng hộ thầy và trò miền Trung |
Các văn bản nêu rõ, nhiều ngày qua, hầu hết các cơ sở giáo dục từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đều bị ngập nước. Ngày 28/10/2020, cơn bão Molave lại tiếp tục đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên, mưa lớn sẽ diễn ra trên diện rộng từ Hà Tĩnh đến Phú Yên trong nhiều ngày tới.
Theo báo cáo của Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT, tổng hợp từ các địa phương, tính đến ngày 29/10, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 20.000 học sinh bị ảnh hưởng vì mưa bão, 2 học sinh bị đuối nước. Thiệt hại về cơ sở vật chất trường lớp học ước tính khoảng 26 tỷ đồng; 150 trường bị ngập, trong đó có 69 trường bị ngập sâu.
Thiệt hại sách vở, dụng cụ học tập thiết bị dạy học bị hư hỏng các cấp từ tiểu học đến THPT: SGK 2715 bộ, vở 92.424 quyển, bút 22.225 chiếc, cặp sách 3.759 chiếc, thiệt hại ước tính 3,1 tỷ đồng.
Hầu hết các trường trong toàn tỉnh Quảng Bình đều ảnh hưởng do đợt lũ lụt gây ra; 100% học sinh phải nghỉ học; 3 học sinh bị đuối nước. Theo ước tính ban đầu, toàn ngành Giáo dục Quảng Bình có hàng ngàn thiết bị dạy học, sách vở, đồ dùng học tập bị hư hỏng; 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập trong nước; tổng thiệt hại ban đầu ước tính trên 382,8 tỷ đồng.
Hiện nay các nhà hảo tâm đã quyên góp ủng hộ một phần dụng cụ, sách vở, số sách giáo khoa từ tiểu học đến THPT, còn thiếu khoảng 49.404 bộ, tương đương gần 20 tỷ đồng. 20 trường mầm non bị thiệt hại nặng về đồ chơi trẻ em.
Ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị có 05 người bị thiệt mạng, trong đó 1 học sinh bị đuối nước, 3 học sinh bị vùi lấp, 1 cán bộ quản lý. Ngoài ra có 2 giáo viên mầm non có chồng bị hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu dân.
Toàn tỉnh ước tính tổng thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng. Khoảng 200 trường với 309 điểm trường bị ngập/ngập sâu trong nước, 2109 phòng học bị ngập nước, 844 phòng học bị hư hại từ 30-70%, thiệt hại 14.000 bộ sách giáo khoa, 40.000 quyển vở, 9.389 cặp sách học sinh, ước tính thiệt hại khoảng 8,3 tỷ đồng.
Học sinh tỉnh Thừa Thiên – Huế phải nghỉ học. Thiệt hại tài sản ước tính 70,2 tỷ đồng. Nhiều trường bị sụt lún, hư hỏng cơ sở vật chất. Nhiều thiết bị dạy học bị hỏng. 26.051 học sinh bị ướt sách vở, đồ dùng học tập, thiệt hại ước tính 8,8 tỷ đồng.
Toàn bộ học sinh tỉnh Quảng Nam nghỉ học, 3 học sinh bị đuối nước, nhiều trường bị ngập, đổ tường, tốc mái, sạt lở đất; tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 36,5 tỷ đồng.
Nhiều cơ sở giáo dục thành phố Đà Nẵng bị ngập, đặc biệt sau cơn bão số 9. 50 phòng học và 1 nhà đa năng bị hư hỏng, nhiều cổng trường, tường rào bị đổ, nhà để xe bị tốc mái (chưa đánh giá tỷ lệ hư hỏng để ước tính thành tiền).
Ở tỉnh Bình Định, cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền, toàn bộ học sinh phải nghỉ học, nhiều trường học bị tốc mái. Thiệt hại về cơ sở vật chất khoảng 8,65 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ngãi, có 19 trường THPT bị tốc mái, sập đổ nhà để xe học sinh, đổ tường rào,... do bão số 9.