Ngày 30/4: 26 vụ tai nạn giao thông, 14 người vĩnh viễn không trở về nhà
Giao thông đông đúc tại Hà Nội
Bài liên quan
4 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra hơn 4.500 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.138 người
Thực hiện cách ly xã hội, tai nạn giao thông giảm nhưng xảy ra nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng
Tai nạn giao thông giảm mạnh trong 3 ngày cách ly xã hội
Hà Nội xảy ra 65 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt trong tháng 2
Về công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, ngày 30/4, lực lượng CSGT các địa phương đã phát hiện, kiểm tra, xử lý lập biên bản 3.518 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt với số tiền 4,211 tỷ đồng, tạm giữ 49 ô tô, 564 mô tô, xe gắn máy, tước 371 giấy phép lái xe.
Trên đường thủy, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy đã tổ chức hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, phát hiện lập biên bản 86 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt hành chính 139,35 triệu đồng.
Thông qua đường dây nóng, Ủy ban ATGT Quốc gia ngày 30/4 đã nhận được 18 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh về việc: Tăng giá vé, xe khách đi lòng vòng để đón thêm khách và tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường.
Sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý theo nội dung các thông tin được phản ánh.
Tại Hà Nội ngày đầu nghỉ lễ, các tuyến đường trọng điểm của TP như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, vành đai 3 trên cao, Giải Phóng, các tuyến đường xung quanh các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình đều rất đông phương tiện. Lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng nhanh, xuất hiện nhiều điểm ùn tắc cục bộ.
Trong khi đó ở các bến xe, lượng hành khách khá đông, hành khách phải chờ xe lâu hơn, xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, các cửa ngõ phía Nam của Hà Nội sáng 30/4/2020 do người dân đổ về quê nghỉ lễ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cuối giờ chiều ngày 29/4 hàng vạn công nhân làm việc tại Bình Dương về quê ở miền Tây nghỉ lễ khiến giao thông trên tuyến đường Huỳnh Văn Cừ từ thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đến cầu Phú Cường, giáp ranh huyện Củ Chi ùn tắc nghiêm trọng.
Đến 22 giờ, tình hình ùn tắc vẫn chưa hết, khiến các lực lượng chức năng của huyện Củ Chi phải vất vả phân luồng, giải tỏa.
Nhiều tuyến đường nội thành như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh và trên cầu Bình Triệu cũng xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài. Tại bến xe miền Đông, hàng nghìn người đổ về đón xe về quê nghỉ lễ khiến trong bến xe và nhiều tuyến đường xung quanh tắc nghẽn.
Giá vé xe khách ở bến xe miền Đông tăng cao so với dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý. Các nhà xe cho biết, nguyên nhân giá vé tăng cao là do lượng xe ít hơn (đến hết ngày 29/4) và các xe chỉ được chở không quá 50% sức chứa theo quy định về số lượng hành khách của Bộ Giao thông vận tải.
Sáng 30/4, người dân TP Hồ Chí Minh đi du lịch, hàng nghìn chiếc xe ô tô đổ về tuyến đường Long Thành - Dầu Giây làm ùn tắc kéo dài trên tuyến đường này. Phần lớn hành khách, người tham gia giao thông tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang, khai báo y tế...
Tại các bến xe, hành khách đều được yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi lên xe, nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho mình, lái xe và hành khách trên xe. Tuy nhiên, tình trạng chen lấn khiến công tác đảm bảo khoảng cách phòng dịch trong bến xe gần như không thể thực hiện được.