Ngày thơ hướng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc
Bài liên quan
Ngày thơ 2019 mở những “đường bay” cho thơ trẻ
Đất Hà Thành thơm lừng mùa hoa bưởi
Khai mạc Lễ hội Bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng năm 2019
Hướng về biên giới, hải đảo
Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, trong những năm trước, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng Âm lịch. Tuy nhiên, năm nay, chương trình được tổ chức sớm hơn hai ngày (13/1 Âm lịch), hướng tới kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979-17/2/2019). Ngoài ra, việc tổ chức vào Chủ Nhật cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công chúng tham dự chương trình.
“Chủ đề ‘Sông núi trên vai’ còn thể hiện tinh thần hướng về mọi miền biên cương, hải đảo Tổ quốc, tình yêu quê hương, đất nước nói chung của những người cầm bút. Cảm thức thiêng liêng về miền biên viễn mang tới cho nhà thơ, nhà văn những suy ngẫm, cảm xúc lắng sâu để cho ra đời những sáng tác đặc biệt về đề tài này. Những tác phẩm viết về biên giới, hải đảo đã trở thành một nguồn mạch quan trọng của văn học Việt Nam,” ông Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho hay.
Theo đó, nhiều tác phẩm khẳng định chủ quyền lãnh thổ, ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần chiến đấu quả cảm, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc đã vang lên trong Ngày thơ Việt Nam 2019: “Nam quốc sơn hà,” “Thư mùa Đông,” “Viết từ đảo nhỏ”…
Cuộc đời, sự nghiệp của những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu được giới thiệu tại Ngày thơ Việt Nam 2019. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Triển lãm giới thiệu chân dung, sự nghiệp của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam có những sáng tác tiêu biểu về biên giới, hải đảo quê hương (Nguyễn Quang Thiều, Hữu Việt, Hoàng Cầm, Anh Ngọc…) cũng được tổ chức trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17.
Bên cạnh các tác giả Việt Nam và công chúng yêu thơ trong nước, Ngày thơ Việt Nam năm nay còn có sự tham dự của gần 200 đại biểu (là các nhà văn, nhà thơ, dịch giả) đến từ 46 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Sự góp mặt của các đại biểu nước ngoài cho thấy sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế với các nhà văn, nhà thơ nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc,” Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định.
Đây cũng là dịp để quảng bá văn học Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hội Nhà văn Việt Nam đã biên soạn ba ấn phẩm: “Khái quát 10 thế kỷ văn học Việt Nam,” “Sông núi trên vai” (tuyển tập thơ Việt Nam) và “Một loài chim trên sóng” (tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại).
Những ấn phẩm này được in song ngữ tiếng Việt-tiếng Anh để giới thiệu các thành tựu nổi bật, chân dung các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam với các đại biểu quốc tế tới tham dự Ngày thơ Việt Nam 2019.
“Mở đường bay” cho thơ trẻ
Thay vì diễn ra trên sân Thái Học như mọi năm, Sân thơ trẻ 2019 được tổ chức tại sân Thái Miếu của Văn Miếu-Quốc Tử Giám với nhiều hoạt động phong phú, tăng cường sự giao lưu, tương tác giữa tác giả và bạn đọc.
Chủ đề “Mở đường bay phía trước” của Sân thơ trẻ năm nay được lấy cảm hứng từ niềm tự hào trước ý chí, nghị lực, sức trẻ của các cầu thủ trong đội tuyển bóng đá quốc gia. Tại đây, công chúng yêu thơ được gặp lại nhiều tác giả với những cá tính sáng tạo khác biệt: Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Anh Vũ, Miên Di, Trần Nhật Minh, Nguyễn Minh Cường, Bùi Việt Phương…
Ngoài ra, Sân thơ trẻ năm nay có sự tham gia đọc thơ, giao lưu trực tiếp của 10 nhà thơ nước ngoài, tạo ra không khí tươi mới.
Công chúng trong và ngoài nước đến với Ngày thơ Việt Nam 2019 tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Những sáng tác được thể hiện tại Sân thơ trẻ thể hiện những góc nhìn đa chiều, phản ánh sinh động, súc tích mọi mặt của đời sống đương đại. Phần đọc thơ của các tác giả được dẫn dắt xuyên suốt bằng tiếng đàn guitar của nghệ sỹ Nguyễn Tuấn và tiếng piano của nghệ sỹ Trần Quang Sơn, để lại dư âm sâu lắng.
Trong dịp này, các hoạt động hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 - Xuân Kỷ Hợi cũng được tổ chức tại nhiều địa phương trong cả nước