Ngày và đêm nay Hà Nội sẽ có mưa to đến rất to
Cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai sáng nay (3/8)
Bài liên quan
Tối nay bão số 3 sẽ đi vào đất liền Quảng Ninh – Thái Bình
Cơn bão số 3: Hà Nội nguy cơ ngập úng cục bộ trên nhiều tuyến phố
Bão số 3, gió giật cấp 12 đang đến gần Quảng Ninh, Hải Phòng
EVN HANOI sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3
Tiếp tục triển khai công tác phòng chống thiên tai
Báo cáo nhanh tình hình mưa bão tại cuộc họp cập nhật thông tin về cơn bão số 3 tại Tổng Cục Phòng chống Thiên tai sáng nay (3/8), ông Hoàng Phúc Lâm (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Tối và đêm qua (2/8), bão số 3 đã đi vào khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Ninh và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 4 giờ ngày 3/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Tại trạm Móng Cái (Quảng Ninh) đã đo được gió mạnh 17m/s (cấp 7), gió giật mạnh 23 m/s (cấp 9), ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng đã có gió giật cấp 6-8. Ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa vừa đến mưa to, một số nơi mưa rất to như: Móng Cái 209mm, Quảng Hà (Quảng Ninh) 143mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 165mm,…
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam đồng bằng Bắc bộ.
Cảnh báo về gió mạnh và sóng lớn trên biển, ông Lâm cho biết: Trong ngày hôm nay, ở vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh.
Khu vực trên đất liền ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa có gió giật cấp 6-7.
Dự báo từ nay đến ngày 4/8, ở Bắc bộ và các tỉnh Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa 200-400mm/đợt). Riêng khu vực Hà Nội ngày và đêm nay (3/8) có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của tình hình mưa bão trong thời gian tới, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai nhấn mạnh: Hoàn lưu áp thấp nhiệt đới có thể gây mưa lớn và còn diễn biến phức tạp, đề nghị các Bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc nội dung Công điện số 09/CĐ-TWPCTT ngày 2/8/2019 của Ban Chỉ đạo, trong đó tập trung tăng cường lực lượng trực ban phòng chống bão, lũ; chủ động, sẵn sàng tổ chức các đoàn công tác xuống địa bàn để chỉ đạo ứng phó với mưa, lũ.
Đối với tuyến biển, các địa phương phải thường xuyên theo dõi diễn biến áp thấp nhiệt đới để quyết định bỏ lệnh cấm biển; khôi phục đời sống, sản xuất của nhân dân. Kiểm tra các công trình ven biển, phát hiện và khắc phục kịp thời các hư hỏng do bão gây ra.
Đối với đất liền, các địa phương phải chủ động vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Thường xuyên kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị. Bên cạnh đó, các địa phương cần nhanh chóng rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, cần khẩn trương tổ chức cắm biển cảnh báo; tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt.
Một số địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3
Theo báo cáo nhanh của các địa phương có ảnh hưởng từ cơn bão số 3, hiện tại một số địa phương đã có thiệt hại về người và tài sản. Cụ thể, báo cáo số 106/BC-PCTT&TKCN của tỉnh Thanh Hóa cho thấy, ngày 31/7 mưa lớn gây sạt lở đất làm 1 người chết tại thôn Sài Khảo, xã Mường lý, huyện Mường Lát. Ngày 1/8 lốc kèm theo mưa lớn đã gây thiệt hại tại hai huyện Quan Hóa và Quan Sơn làm 34 nhà bán kiên cố bị thiệt hại (18 nhà ở huyện Quan Hóa, 16 nhà ở huyện Quan Sơn); 5,3 ha diện tích lường, 1 điểm trường, bị thiệt hại tại huyện Quan Hóa.
Tại tỉnh Lâm Đồng, theo báo cáo số 320/BCN-PCTT ngày 2/8/2019 của BCH PCTT&TKCN huyện Đức Linh mưa lớn kèm theo gió, lốc xoáy mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến các xã Đa Kai, Sùng Nhơn, Mê Pu, Võ Xu, Vũ Hòa, Nam Chính, Đức Chính và thị trấn Đức Tài làm thiệt hại: 132 căn nhà (106 nhà ở chính; 26 nhà tạm; 15 ha lúa bị ngã đổ; 27 ha cây cao su, điều và cây công nghiệp bị gãy.
Tại tỉnh Tây Ninh, theo báo cáo nhanh số 91/BC-VPTT ngày 1/8/2019 của VPTT BCH tỉnh, ngày 29-30/7/2019 mưa kèm theo giông lốc trên địa bàn huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Hòa Thành làm 1 người bị thương, 1 căn nhà bị sập và 12 căn nhà bị tốc mái.
Tại tỉnh Cà Mau, theo báo cáo số 104/BC-VP ngày 2/8/2019, ngày 1/8/2019 trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, Năm Căn xảy ra 3 vụ sạt lở: Sạt lở ven sông Rạnh Gốc tại Tại khóm 4, Thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển với chiều dài 5m làm sập 1 căn nhà; Sạt lở ven rạch Thầy Đội, xã Tam Gang Tây dài 20m, ảnh hưởng 1 căn nhà; Sạt lở Ven sông Vàm Đầm, huyện Năm Căn chiều dài 44m, rộng 20m, thiệt hại 1 căn nhà 1 kho chứa vật liệu xây dựng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của nhân dân.