Nghệ sĩ Ando Saeko: “Tác phẩm của tôi kết hợp giữa linh hồn người Nhật và di sản Sơn Ta Việt Nam”
Tác phẩm sơn mài mới hoàn thành của Ando Seako (Ảnh: NVCC)
Tác phẩm sơn mài Colorful Matter 50.5x50.5x3.8cm (Ảnh: NVCC) |
Hơn 24 năm gắn bó với Việt Nam và cũng từng đó thời gian Ando Saeko nghiên cứu về sơn mài Việt Nam nên kiến thức sơn mài của Ando Saeko ở mức uyên thâm đáng ngưỡng mộ. Ando Saeko không chỉ là nghệ sĩ nước ngoài đầu tiên được ghi danh vào một hiệp hội nghệ thuật uy tín của Việt Nam mà các tác phẩm đã được trưng bày tại các triển lãm trên toàn cầu, góp phần quan trọng vào việc đưa sơn mài Việt Nam ra thế giới.
Thời gian tiếp theo, Ando Saeko có tham vọng giúp người nông dân trồng cây sơn tại Phú Thọ có đầu ra và thu nhập tốt, góp phần giữ gìn di sản Sơn Ta quý giá của Việt Nam. Báo Tuổi trẻ Thủ đô có cuộc phỏng vấn nữ nghệ sĩ về vấn đề này.
PV: Chào Seako Ando, là người từng đi nhiều nước trên thế giới, tại sao chị chọn Việt Nam để thực hiện niềm đam mê của mình về tranh sơn mài?
Họa sĩ Seako Ando: Tôi chưa từng chọn Việt Nam để phát triển niềm đam mê của mình. Chỉ là trong rất nhiều các quốc gia mà tôi đã viếng thăm, Việt Nam là đất nước duy nhất tôi không muốn rời đi. Khi tôi du lịch đến Việt Nam, tôi đã khám phá ra nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Càng nghiên cứu và luyện tập về Sơn Mài, niềm đam mê của tôi ngày càng lớn và đã trở thành niềm đam mê suốt cuộc đời của mình.
PV: Chị có thể chia sẻ với các họa sĩ trẻ đang theo đuổi tranh sơn mài bí quyết mà chị cho là cần thiết đối với một họa sỹ trẻ.
Họa sĩ Seako Ando: Tình yêu, sự hòa hợp và luôn vui vẻ
PV: Được biết những bức tranh sơn mài của chị chỉ sử dụng chất liệu sơn ta, lí do gì khiến chị dành cho sơn ta của Việt Nam một tình yêu lớn như vậy?
Họa sĩ Seako Ando: Có nhiều họa sĩ sơn mài chỉ xem sơn ta là nguyên liệu phục vụ việc sáng tạo ra các ý tưởng của mình, điều này sẽ không phát huy hết tính chất của sơn ta.
Sơn Ta không chỉ là một nguyên liệu để bạn pha trộn với màu sắc để tạo nên tông màu bạn muốn thể hiện, hoặc sử dụng nó như keo để dán bạc lá, vàng lá, vỏ trứng lên bức tranh. Có rất nhiều đặc tính đặc biệt của sơn ta Việt Nam mà tôi tận dụng để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật có giá trị hơn, không dừng lại ở một bức tranh đầy màu sắc.
Tôi yêu độ bóng, khả năng kết dính, độ trong suốt và màu cánh dán tự nhiên với các sắc thái khác nhau, hiển nhiên là điểm mạnh vốn có của sơn ta. Và tất cả các đặc tính này sẽ rõ nét hơn sau một thời gian nhất định.
Sơn Ta giống như một loại rượu vang chất lượng với hương vị và mùi thơm tăng lên khi để lâu. Liệu các vật liệu khác có tạo nên sự kì diệu giống như vậy không? Khi bạn yêu những đặc tính này, chặng đường dài để trở thành một nghệ nhân sơn mài trở nên thú vị và vui vẻ hơn, thay vì là một gánh nặng.
Sơn Ta không phải lấy từ một tuýp giống sơn dầu. Mỗi lần tôi mua sơn ta giống như tôi sắp gặp gỡ một người bạn mới. Chúng đều có các đặc tính khác nhau: Tối/sáng; khô nhanh/khô chậm; đặc/loãng, bóng hoặc mờ đục… và trong điều kiện môi trường khác nhau, chúng tạo ra các phản ứng khác nhau.
PV: Có khi nào chị bị mất cảm hứng hay bí đề tài?
Họa sĩ Seako Ando: Tôi chưa bao giờ gặp một trong các vấn đề đó và điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Bởi vì cảm hứng sáng tác đến từ những thành công và thất bại mà tôi trải nghiệm trong công việc hàng ngày. Tất cả mọi điều tôi làm đều trở thành nguồn cảm hứng để lặp lại những thành công đã có, cải thiện hoặc tạo ra những kỹ thuật mới trong các tác phẩm kế tiếp. Và cuộc sống mỗi ngày mang lại niềm cảm hứng và năng lượng mới cho các tác phẩm sơn mài của tôi.
PV: Cách sử dụng màu sắc và chất liệu phức tạp, những bức tranh của chị tạo cho người xem ảo giác đa chiều và gợi sự ma mị, chị có thể chia sẻ về điều này?
Họa sĩ Seako Ando: Mặc dù mọi người luôn hiểu nhầm rằng nguyên nhân tác phẩm sơn mài của tôi khác biệt so với các nghệ sĩ khác ở Việt Nam là do tôi sử dụng kỹ thuật và vật liệu sơn mài Nhật.
Tôi chưa bao giờ học sơn mài ở Nhật Bản. Tất cả kỹ thuật sơn mài của tôi đều dựa trên những gì tôi đã học từ các bậc thầy sơn mài ở Việt Nam. Tôi đã học được bí quyết sử dụng sơn ta. Tôi đã học được tính logic và khoa học ẩn bên trong nó bằng cách nghiên cứu kỹ thuật sơn mài ở Việt Nam và nhiều nước Châu Á khác, đặc biệt là Nhật. Tìm hiểu về sơn mài tự nhiên của nhiều loại cây sơn ở các nước khác nhau giúp tôi hiểu hơn về sơn ta và kỹ thuật sử dụng nó. Kiến thức đó giúp tôi có thể kiểm soát và phát triển kỹ thuật mà tôi muốn tạo ra cho tác phẩm của mình.
Do đó, nguyên nhân tại sao tác phẩm của tôi tạo nên “ảo giác đa chiều và gợi sự ma mị” là vì tôi tận dụng tối đa đặc tính riêng biệt của sơn ta, cụ thể là độ trong suốt đặc trưng. Tôi tạo nên nhiều lớp màu và kết cấu khác nhau khi vẽ, sau quá trình mài, tạo ra một bức tranh làm cho người xem ngạc nhiên. Đây là kĩ năng mà tôi đã học được từ những nghệ sĩ ở Việt Nam. Vì vậy, bí mật đằng sau tranh sơn mài là sự kết hợp giữa linh hồn người Nhật và di sản sơn ta Việt Nam.
PV: Việc dấn thân vào sơn mài với chất liệu sơn ta là một việc nhọc nhằn, chị có gặp khó khăn gì trong quá trình theo đuổi bộ môn nghệ thuật này?
Họa sĩ Seako Ando: Nhiều người bắt đầu sơn mài phải đối mặt với một thử thách khó khăn, đó là dị ứng với sơn ta. Tôi chưa bao giờ bị dị ứng. Khi tôi bắt đầu, thầy của tôi bảo tôi lau sạch tay thật kỹ để tránh dị ứng. Tôi bị phát ban giữa các ngón tay trong nhiều ngày liền. Mọi người nghĩ tôi bị dị ứng, nhưng thực ra do tôi cọ tay quá mạnh. Tôi không gặp bất kỳ vấn đề nào với Sơn Ta, đó là lý do tại sao tôi nghĩ mình được sinh ra để trở thành nghệ sĩ sơn mài.
PV: Chị có thể chia sẻ những dự định sắp tới của mình?
Họa sĩ Seako Ando: Nhiều năm qua, tôi chỉ muốn ẩn mình trong xưởng để tạo nên các tác phẩm sơn mài. Tôi không quan tâm tôi có thể bán được tranh hay không.
Tôi thành lập SAEKO ANO & CO, một công ty sản xuất và bán các sản phẩm sơn mài ở Quảng Nam chỉ sử dụng sơn ta, điều mà không ai làm trong thời nay. Có rất nhiều công ty sản xuất các sản phẩm sơn mài nhưng không một công ty nào tin rằng họ có thể tạo ra lợi nhuận nếu chỉ sử dụng hoàn toàn sơn tự nhiên.
Tạo lập nền móng cho mô hình kinh doanh này, Lacquer Seeds mới được ra mắt tại Hội An trong thời gian gần đây. Lacquer Seeds là nơi các nghệ nhân trẻ làm ra tác phẩm sơn mài dưới sự hướng dẫn của tôi. Khi nhiều nhà sản xuất chuyển sang sơn công nghiệp với giá rẻ hơn, càng ít nghệ nhân có kỹ năng làm việc với sơn ta. Lacquer Seeds hỗ trợ các nghệ nhân trẻ trong suốt quá trình học nghề có thể làm chủ vật liệu truyền thống này.
Tác phẩm Nazar Boncugu, 25 x 25 cm (Ảnh: NVCC) |
PV: Có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình giữ gìn di sản Sơn Ta quý giá của Việt Nam?
Họa sĩ Seako Ando: Ở Nhật Bản, quê hương tôi, nghề thủ công có thể coi là “nghệ thuật” và rất được tôn trọng. Nhưng ở Việt Nam, những kinh nghiệm và kỹ năng đó được coi là “nghề thủ công” thường gọi là “thợ” hoặc “nghệ nhân”. Những người “thợ” hay “nghệ nhân” này không được tôn trọng và thành công như “họa sĩ” hay “nghệ sĩ”. Trước thực tế như vậy, tôi quyết định thay đổi hình ảnh về “nghệ nhân” tại Việt Nam.
Hơn 24 năm làm việc như chuyên gia về sơn mài tại Việt Nam, tôi thường đến tỉnh Phú Thọ và thấy sự thay đổi trong trồng và thu hoạch sơn ta về cả phương pháp trồng, thu hoạch sơn, chất lượng sơn và diện tích trồng cây sơn. Người nông dân luôn trong vòng luẩn quẩn và trong vài năm gần đây rất nhiều người đã bỏ cây sơn.
Người nông dân hỏi liệu tôi có thể giúp họ cải thiện chất lượng sơn thu hoạch để họ có thể xuất khẩu sang Nhật bản với giá cao hơn.
Tôi muốn nhiều người nhìn nhận lại giá trị của sơn ta và sử dụng sơn ta để sản xuất sơn mài nhiều hơn. Sản xuất sơn mài sử dụng sơn ta sẽ mang lại lợi nhuận cho nghệ sĩ và nghệ nhân. Người kinh doanh sản phẩm sơn mài cũng có thu nhập từ những việc gìn giữ văn hóa và giá trị nguyên bản của nghệ thuật sơn mài quý giá của Việt Nam. Tiếp đó, người nông dân trồng sơn có thu nhập ổn định từ việc trồng và thu hoạch sơn chất lượng tốt cung cấp cho thị trường trong nước.
Tôi biết rằng xưởng sản xuất và phòng tranh của mình không thể tiêu thụ hết sản lượng sơn ta của Phú Thọ để thay đổi cuộc sống của người nông dân nơi đây. Nhưng việc tôi đang cố gắng thực hiện bước khởi đầu của một “phong trào”.
Cách một người say đắm với sơn ta trở thành một nghệ sỹ thành công, xây dựng thương hiệu sơn ta của mình, và phát triển Lacquer Seeds thành công. Tôi có thể chứng minh rằng nghề sơn ta thủ công có vẻ lỗi thời và nhàm chán là một tài nguyên phi vật thể vô giá mà Việt Nam cần gìn giữ và phát triển.
Sơn mài đã trở thành loại hình nghệ thuật được thị trường nghệ thuật toàn cầu công nhận. Ngày nay ở Việt Nam, rất nhiều nghệ sĩ sáng tác tranh sơn mài. Điều này làm cho công chúng có cảm nhận nghệ thuật sơn mài đang thời hưng thịnh với một tương lai tươi sáng phía trước.
Tuy nhiên, khi quan tâm đến kỹ thuật sơn mài thì nghệ thuật sơn mài ngày nay khác xa với nghệ thuật sơn mài truyền thống. Theo thời gian, các kỹ thuật trân quý của sơn ta đang mất dần. Gần như 100% người sản xuất sản phẩm sơn mài sử dụng sơn công nghiệp.
Nhưng không nhà sản xuất hay nghệ sĩ nào nói rõ về chất liệu sơn họ sử dụng. Bởi vì suy nghĩ thông thường cho rằng sơn ta tự nhiên cao quý hơn nhiều so với sơn hóa học nên các nghệ sĩ thường e ngại khi nói rằng họ sử dụng sơn hóa học.
Hơn 24 năm gắn bó với Việt Nam và cũng từng đó thời gian Ando Saeko nghiên cứu về sơn mài Việt Nam |
Khi tôi xem các tác phẩm của các nghệ sĩ khác, tôi thường hỏi loại sơn họ sử dụng. Họ thường không thoải mái khi nói về chủ đề này và cố gắng thay đổi chủ đề câu chuyện.
Có thể họ không sử dụng sơn tự nhiên; Hoặc họ sử dụng sơn tự nhiên nhưng không muốn những người bạn mình, người sử dụng sơn công nghiệp, cảm thấy phiền lòng và thua kém hơn khi sử dụng sơn công nghiệp.
Khi tôi nói điều này, bạn có thể ngạc nhiên. Nhưng tôi nói rằng “chất liệu không phải là điều quan trọng nhất trong mỹ thuật”. Khi tôi hỏi “Bạn dùng sơn gì?”, đó thường là khi tôi thấy tác phẩm của họ quá đẹp và ấn tượng. Tôi chỉ đơn giản muốn biết họ sử dụng chất liệu sơn gì để sáng tác, và các kỹ thuật được dùng để có thể tạo ra các tác phẩm đẹp như vậy. Câu hỏi sử dụng sơn gì không phải để đánh giá họ.
Tuy nhiên, tôi thực sự quan tâm về tương lai của nghề thủ công sử dụng chất liệu sơn tự nhiên. Tôi mong rằng những bạn nghề sẽ cùng đồng hành với chúng tôi trên con đường này và tạo nên một sự chuyển dịch mạnh mẽ để thay đổi đổi cuộc sống của rất nhiều người.
Cảm ơn chị. Chúc dự án của chị thành công!