Nghi hóa thạch cúc đá 200 triệu năm xuất hiện tại Gia Lai
Bài liên quan
Phát hiện thêm 6 ca dương tính bạch hầu, Gia Lai xin cấp 100.000 mũi vắc xin
Gia Lai: Phát hiện hơn 8 tấn mỡ bò và tóp mỡ không nguồn gốc, bốc mùi hôi thối
Xây dựng tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên
Tiền đạo Anh Đức gia nhập Hoàng Anh Gia Lai ở tuổi 34
Triển khai tiêm vắc xin phòng dịch bạch hầu khu vực Tây Nguyên năm 2020
Hóa thạch cúc đá
Nhiều tháng qua, đoàn khảo sát gồm một số cán bộ chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai và Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Pa và các ngành chức năng đã tiến hành khảo sát, nắm thông tin về những hiện vật lạ nằm trên bến sông buôn Tơnia (xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai).
Theo ông Phúc, khu vực Nam Tây Nguyên trước đây từng là biển, sinh vật ấy mới sống, đến lúc biển rút đi nó mới chết. Trong quá trình vận động của trái đất, sinh vật này bị nén xuống sâu, hóa đá. Đó là một loài ốc thân mềm nhưng vỏ cứng, sống ở thềm lục địa. Tuổi của những hóa thạch này có thể dao động ở mức 150-200 triệu năm.
Theo quan sát thực địa của các nhà khoa học, nhiều khả năng, các hiện vật này xuất lộ do bờ sông Ba phía xã Chư Gu bị lở, khiến chúng bị nước cuốn trôi hoặc bào mòn.
Tuổi của những hóa thạch này có thể dao động ở mức 150-200 triệu năm cách ngày nay |
Tại bến sông buôn TơNia, đoàn đã phát hiện có khoảng 30 dấu tích của những hiện vật lạ. Một số hiện vật đã bị nước cuốn trôi, trơ lại trên nền đất, tạo nên những hố lõm tròn. Một số khác bị mưa gió, sóng nước bào mòn, chỉ còn phần đáy, cong vòm như đáy chảo nhỏ. Tuy nhiên, đa số vật thể loại này vẫn còn chìm trong đất, chỉ lộ thiên phần vật chất cứng nhất, bề mặt đo được có đường kính 20-30 cm. Mật độ hiện vật khá dày, có nơi nằm cạnh nhau, nhưng không theo một trật tự nhất định. Theo quan sát thực địa, nhiều khả năng, các hiện vật này xuất lộ là do những năm qua, bờ sông Ba bị lở, khiến chúng bị nước cuốn trôi hoặc bào mòn. Ngay sau đó, đoàn đã tiến hành đào một hiện vật và gửi thông tin đến các chuyên gia về địa chất, khảo cổ học trong nước.
Theo các nhà khoa học, các hiện vật này cho thấy tuổi của đất đá đã được hình thành từ khi nào và góp phần quan trọng vào việc khẳng định trạng thái địa chất của Tây Nguyên hàng triệu năm trước. Cùng với đó, trường hợp trầm tích biển ở buôn Tơnia gợi mở nhiều vấn đề khoa học cần tiếp tục được nghiên cứu về thềm cổ sông Ba, trong mối liên hệ với các địa phương lân cận, nơi dòng chảy này đi qua. Với mật độ hiện hữu, đây là một trường hợp khá điển hình về trầm tích biển trên đất Tây Nguyên. Việc bảo tồn nguyên trạng khu vực hóa thạch buôn Tơnia ngoài ý nghĩa nghiên cứu khoa học, giáo dục mà còn có lợi cho phát triển du lịch của địa phương.
Các hóa thạch cúc đá được tìm thấy tại Gia Lai có đường kính khoảng từ 20 - 30cm |
Tây Nguyên trước đây có thể có biển
Thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, theo nhận định ban đầu thì đây chính là những hóa thạch cúc đá - tên một nhóm các loài sinh vật biển thân mềm đã bị tuyệt diệt. Tuổi của những hóa thạch này có thể dao động ở mức 150-200 triệu năm. Theo đó, việc phát hiện này tiếp tục củng cố thêm nhận định đã có từ trước rằng Tây Nguyên từng là biển.
Ngay sau đó, UBND huyện Krông Pa (Gia Lai) đã có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện tiến hành tuyên truyền đến bà con biết về loài cúc đá nói trên. Qua đó, giải thích cho bà con hiểu loại hóa thạch cúc đá này không có giá trị về mặt kinh tế mà chỉ có giá trị về mặt di sản vật chất, phục vụ nghiên cứu khảo cổ. Chính vì vậy, nghiêm cấm hành vi đào bới, hủy hoại di sản địa chất này.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng hồ sơ Công viên địa chất ở Đăk Nông, ông Phúc phát hiện có rất nhiều hóa thạch cúc đá tương tự với các vật vừa mới tìm thấy ở sông Ba, Gia Lai. “Cuối năm nay tôi sẽ vào làm rõ thêm, liệu có đúng hóa thạch cúc đá không. Nó tồn tại tại chỗ hay do quá trình nước lũ đưa đến", tiến sĩ Phúc nói.
Tại bến sông buôn TơNia, đoàn đã phát hiện có khoảng 30 dấu tích của những hiện vật lạ |
Bà Trần Thị Mỹ Hiền - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Krông Pa cho biết: “Khi nghe kết quả khảo sát giữa sở VHTTDL tỉnh và phòng VHTT, tôi rất mừng vì nếu đúng như vậy thì đây sẽ là một điểm di sản rất quý để làm du lịch cho địa phương sau này. Trước mắt UBND huyện đã chỉ đạo bảo vệ và tuyên truyền đến nhân dân biết các hóa thạch cúc đá không có giá trị kinh tế và nghiêm cấm hành vi đào bới phá vỡ nguyên trạng cấu trúc hóa thạch trên”.
Trước đó, nhiều người dân đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Chư Gu và các xã lân cận nhân định những hiện vật này giống như ghè, ché được chôn với người mất nên không ai dám đào bới. Tại buổi đoàn đi kiểm tra, người dân trong làng cũng chỉ dám đứng xem mà không dám đào lên.