Nghiêm túc và phối hợp nhịp nhàng đưa thành phố về trạng thái bình thường mới
Chủ động “sống chung” với dịch bệnh an toàn
Theo Chỉ thị số 22/CT-UBND được Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành ngày 20/9, hàng loạt các nhiệm vụ cụ thể đã được đặt ra để bảo vệ an toàn cho người dân, phục hồi kinh tế sau 4 đợt giãn cách.
Trong đó, đáng lưu ý, việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố được tập trung vào 2 nội dung: Ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài và kiểm soát chặt chẽ việc nới lỏng bên trong.
Việc kiểm soát người ra vào tại địa bàn phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) được thực hiện nghiêm túc |
Theo đó, Hà Nội tiếp tục duy trì hoạt động 22 chốt tại các cửa ngõ ra, vào thành phố và 33 chốt tại các quận, huyện, thị xã giáp ranh các tỉnh lân cận để thực hiện kiểm soát người và phương tiện, đảm bảo không để dịch bệnh từ các tỉnh ngoài xâm nhập. Trong thành phố, Hà Nội yêu cầu tiếp tục duy trì chốt tự quản tại các khu dân cư, tổ dân phố; Kiểm soát chặt di biến động của người dân.
Cũng theo chỉ thị này, Hà Nội phân cấp cho các quận, huyện bám sát chỉ đạo của Trung ương, thành phố và tình hình thực tiễn của địa phương, linh hoạt điều chỉnh các biện pháp gắn với kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch.
Trong quá trình triển khai, các Sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn phục hồi sản xuất, kinh doanh dịch vụ đảm bảo thực hiện nghiêm 5K, “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn phòng dịch”; Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức hậu kiểm và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; Yêu cầu đóng cửa các cơ sở, tổ chức không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Để đưa ra các biện pháp trên, theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, thành phố đã tập trung đánh giá tình hình dịch tễ trên địa bàn, xác định nguy cơ; Đồng thời tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; Gặp gỡ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn; Trao đổi với các tỉnh, thành xung quanh để thống nhất đồng bộ các giải pháp bảo đảm tính chất liên vùng, liên kết, đồng thuận cũng như tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Trung ương.
Trên cơ sở đó, việc nới lỏng một số hoạt động từ 6h ngày 21/9 nhằm mục tiêu vừa duy trì hiệu quả phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân; Tiếp tục nâng cao năng lực y tế của thành phố một cách toàn diện để sẵn sàng ứng phó các tình huống dịch bệnh mới.
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, công tác phòng, chống dịch của Hà Nội phải đặt trong bối cảnh tình hình chung của các tỉnh, thành phố xung quanh và cả nước. Nguy cơ dịch bệnh vẫn còn ở trong thành phố và từ các nguồn xâm nhập bên ngoài, mục tiêu của Hà Nội là bảo đảm chung sống một cách chủ động, an toàn với Covid-19.
Hiện tại, Hà Nội chưa thể trở về trạng thái bình thường mới hoàn toàn, vì tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 2 mới đạt 12%. Trong khi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêu chí là hơn 70% dân số được tiêm mũi 1 và bằng hoặc hơn 20% dân số được tiêm mũi 2. Vì vậy, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố lần này vẫn nhất quán trên tinh thần không cầu toàn, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cần sự phối hợp nhịp nhàng từ người dân
Nhìn vào các biện pháp được đưa ra có thể thấy, yêu cầu an toàn được thành phố đặt lên hàng đầu. Trong đó, ưu tiên đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô; Cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động phải xây dựng phương án thích ứng an toàn phòng, chống dịch; Các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp chủ động phê duyệt kế hoạch, “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn phòng dịch”...
Dù vậy, trong ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg, nhiều tuyến đường đã tấp nập người qua lại, bắt đầu xuất hiện tình trạng ùn ứ. Tại một số địa bàn, tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh cũng bắt đầu thể hiện rõ trong những ngày qua, khi TP cho phép nới lỏng một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Có hàng quán treo biển chỉ bán mang về nhưng vẫn có người vô tư ngồi uống cà phê, trà đá; Nhiều người dân thoải mái đi lại, mua bán, tập thể dục…
Tình trạng này không khỏi dấy lên những lo ngại, nhất là ngay cả những “vùng xanh” tại Hà Nội trong những ngày qua vẫn xuất hiện ca bệnh mới không rõ nguồn lây. Đây chính là sự cảnh báo với mỗi địa bàn, người dân trong phòng, chống dịch.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc ở nhà suốt 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội khiến tâm lý người dân "muốn ra ngoài giải tỏa". Đặc biệt dịp Tết Trung thu, việc người dân đổ ra đường, nơi công cộng đông là điều có thể xảy ra.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát. Những ngày qua, số ca bệnh trong cộng đồng liên tục giảm, có ngày xuống 1 con số. Đây là tín hiệu mừng và việc Hà Nội mở một số hoạt động cơ sở kinh doanh, dịch vụ là "hoàn toàn đúng đắn", đảm bảo mục tiêu kép "vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa nâng cao công tác phòng chống dịch".
Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cũng phải hết sức thận trọng vì dịch bệnh một số tỉnh vẫn phức tạp, chưa thể khẳng định hết các ca trong cộng đồng. Người đi từ vùng dịch về khó quản được hết nên nguy cơ vẫn còn. "Chính vì vậy, chúng ta không nên chủ quan. Lúc này, người dân càng phải nâng cao cảnh giác nếu chủ quan lơ là thì dịch bệnh lại bùng lên. Lúc đó mọi nỗ lực lại phải làm từ đầu, lại giãn cách, phong tỏa…", ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh
Nới lỏng giãn cách là điều kiện cần thiết để chúng ta quay lại cuộc sống bình thường. Những giải pháp đã có, việc cần lúc này là sự phối hợp nhịp nhàng của người dân để trong 2 tuần thực hiện Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND TP, Hà Nội đạt kết quả tích cực nhất, ngăn chặn các ổ dịch phát sinh, đảm bảo được sức khỏe cho Nhân dân và từng bước phục hồi kinh tế.