Ngộ độc rượu tập thể ở Thái Bình do nhóm Alcalorid gây ra
Cục An toàn thực phẩm cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin vụ ngộ độc rượu tự ngâm quả khô với 7 người mắc và nhập viện, trong đó có 2 trường hợp ngộ độc nặng phải chuyển lên điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Cục An toàn thực phẩm đã thành lập đoàn công tác do TS.BS Lâm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Giám sát Ngộ độc thực phẩm làm trường đoàn đi Thái Bình để đôn đốc, điều tra, giám sát việc xử lý tình huống đồng thời tổ chức tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, chiều ngày 27/10/2017, ông Vũ Tiến Hồi, thôn Vinh Hoa, xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã tổ chức bữa cơm ăn mừng nhà mới.
19 người tới dự bữa cơm, bữa ăn bắt đầu lúc 17 giờ 30, có 9 người uống rượu trong đó có 2 người uống rượu trắng và 7 người uống rượu ngâm quả khô. Sau khi uống từ 1-3 chén rượu (khoảng 10-15 phút tính từ lúc bắt đầu bữa ăn) những người uống đều có biểu hiện ngộ độc: Bứt rứt, mặt nóng bừng, lơ mơ, có lúc co giật, ảo giác, vật vã.
Các bệnh nhân được người nhà chuyển tới trạm y tế xã điều trị.
19 giờ ngày 27/10, nhận được thông tin, ngay lập tức cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Bình đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm y tế huyện Đông Hưng xử lý ngộ độc và điều tra, lấy mẫu rượu và mẫu thức ăn. 2 trường hợp có biểu hiện nặng được chuyển thẳng đến điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai; 5 trường hợp điều trị tại Khoa Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Hiện tại, 5 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình đã ổn định và được xuất viện lúc 10 giờ 30 ngày 28/10/2017, 2 bệnh nhân nặng đã được cấp cứu kịp thời tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai hiện 1 người đã ổn định sức khỏe được ra viện, 1 bệnh nhân vẫn còn biểu hiện tiêu cơ vân nhẹ, đã được chuyển về bệnh viện tỉnh điều trị.
Qua công tác điều tra, phân tích bữa ăn, người ăn và người mắc, đồng thời kết hợp với các biểu hiện lâm sàng của những người ngộ độc. Sau khi test nhanh Methanol trong rượu cho kết quả âm tính, nghi ngờ có thể do dược liệu độc lẫn trong dược liệu ngâm rượu.
Căn cứ vào báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Bình kết hợp với những biểu hiện lâm sàng đặc trưng, TS.BS. Lâm Quốc Hùng đã nhận định: Đây là loại ngộ độc do nhóm Alcaloid gây ra. Độc tính này tác động lên hệ thần kinh giao cảm làm tăng nhịp tim, vã mồ hôi, giãn đồng tử, khô môi, khô miệng, chảy nước mắt, lơ mơ. Nếu không được xử trí, điều trị kịp thời thì nguy cơ bị tử vong cao. Loại độc này có ở trong cà độc dược (cà gai).
Điều này cũng được khẳng định sau khi ông Vũ Tiến Hồi tỉnh lại và cho biết, trong gói quả khô dùng ngâm rượu ngoài táo mèo còn có chuối rừng và cà gai do ông đi làm ở Lạng Sơn mang về.
Từ thực trạng này, để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc rượu, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không nên lạm dụng rượu, cần hạn chế uống rượu, không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó, không nên tự ngâm rượu với các loại các cây, con, và bộ phận của động vật, côn trùng… để tránh bị ngộ độc.
Những trường hợp ngộ độc do uống rượu ngâm từ các loại cây cỏ tự nhiên khá hy hữu. Hầu hết ca ngộ độc rượu nhập viện là do uống rượu pha với cồn công nghiệp methanol hoặc pha cồn y tế.