Người bị sốt xuất huyết cần phải kiêng gì?
Tránh những quan niệm kiêng cữ sai lầm
Về quan niệm kiêng tắm gội, TS. BS Vũ Minh Điền - Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, những người mắc sốt xuất huyết thường rất mệt mỏi nên có tâm lý không tắm để tránh bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, khi bị sốt, sức đề kháng sẽ giảm, việc không vệ sinh đúng cách có thể dẫn tới bội nhiễm, nguy cơ sốc, suy đa phủ tạng.
Theo chuyên gia Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân sốt có thể tắm nhanh hoặc lau người ở phòng kín, tránh gió lùa. Mọi người nên tắm dưới vòi hoa sen trong thời gian ngắn, không nên ngâm mình trong bồn tắm quá lâu.
Chăm sóc người mắc sốt xuất huyết |
Một số bệnh nhân còn chọn cách lau người sơ qua bằng nước ấm, đặc biệt là với nhiều trẻ nhỏ sức khỏe yếu, bố mẹ cũng không dám tắm cho con, sợ con bị ốm hoặc sốt nặng hơn.
Tuy nhiên, nếu sốt xuất huyết thế nhẹ, bệnh nhân có thể tắm bình thường nhưng lưu ý không tắm và ngâm người trong nước quá lâu, nên tắm với nước có độ ấm vừa phải, tuyệt đối không tắm với nước lạnh.
Còn nếu gội đầu, đặc biệt với nữ bệnh nhân có mái tóc dài, dày thì nên sấy khô, tránh để tóc ẩm quá lâu khiến cơ thể bị lạnh.
Các chuyên gia đặc biệt lưu ý với trường hợp sốt xuất huyết giảm tiểu cầu, bạn cần tránh kỳ, cọ người mạnh vì sẽ gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ cực kỳ nguy hiểm. Những triệu chứng như tăng tính thấm của thành mạch, giảm tiểu cầu thường xuất hiện trong giai đoạn giữa (khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 7) của bệnh và gây ra xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau: Ở dưới da màu đỏ hoặc gây bầm tím; Bệnh nhân cũng có thể bị chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng; Xuất huyết dưới da thường xuất hiện ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng và đùi.
Chính vì thế trong thời gian này bệnh nhân nên hạn chế việc tắm gội bởi sẽ làm cho các thành mạch máu giãn ra, khiến cho tình trạng xuất huyết trầm trọng hơn, tốt nhất bạn nên dùng khăn ấm lau người.
Nếu trong trường hợp vì lý do nào đó bệnh nhân cần phải tắm thì nên cho bệnh nhân tắm bằng nước ấm, tuyệt đối không dùng nước lạnh. Việc dùng nước lạnh sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao. Như vậy có thể nói, tùy theo trường hợp bệnh nặng hay nhẹ của bệnh nhân, và phụ thuộc vào giai đoạn bệnh để quyết định bệnh nhân có nên tắm hay không.
Chế độ ăn uống nâng cao sức đề kháng
Ngoài các phương pháp điều trị theo phác đồ của bác sĩ, kế hoạch ăn uống cho bệnh sốt xuất huyết đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và lành mạnh.
ThS. BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách điều hành Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E khuyên người bệnh nên ăn uống đầy đủ, cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, ưu tiên các thực phẩm giúp tăng tiểu cầu. Chế độ dinh dưỡng đúng với người bệnh sốt xuất huyết rất quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch, làm giảm nguy cơ bị bệnh nặng, giúp người bệnh sớm hồi phục.
Trong khi đó, trứng là nguồn cung cấp protein chất lượng cao và dễ tiêu hóa cùng các vitamin và khoáng chất thiết yếu. Cơ thể cần được cung cấp đầy đủ protein để hỗ trợ phản ứng miễn dịch và trứng rất tốt do rất giàu protein và các chất dinh dưỡng thiết yếu để tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại virus và vi khuẩn.
Trứng rất giàu protein tốt cho người bệnh sốt xuất huyết |
Do đó, trứng cũng là một món ăn dễ hấp thụ đối với người mắc sốt xuất huyết. Người bệnh có thể ăn trứng luộc, súp trứng, cháo trứng… Tuy nhiên, không ăn trứng sống hoặc hòa tan trứng sống với canh hoặc cháo nóng để phòng ngừa ngộ độc do nhiễm khuẩn. Ăn trứng sống hoặc chưa nấu chín có thể bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Loại vi khuẩn này được tìm thấy nhiều trên vỏ trứng và cả bên trong trứng.
Đối với người lớn tuổi mắc bệnh tim mạch, không ăn quá 2 quả trứng mỗi ngày. Với người bị tăng huyết áp hoặc cholesterol máu cao vẫn có thể ăn trứng tuy nhiên không ăn quá 1 quả 1 lần và 1 tuần không nên ăn quá 2 lần.
Một số người bệnh sốt xuất huyết lo sợ tiêu chảy nên kiêng khem quá mức, chỉ ăn cháo thịt heo nạc chứ không dám ăn các món giàu đạm như thịt bò, thịt gà vì sợ lâu khỏi bệnh. Trên thực tế, thịt gà có những lợi ích về sức khỏe đã được ghi nhận là một thực phẩm thay thế rất tốt cho các loại thịt đỏ.
Người bệnh nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa như các món luộc, rau xanh, chuối, táo, súp, cháo và trà thảo mộc. Thức ăn như cháo gà, súp gà là một lựa chọn tốt vì chất xơ và giá trị dinh dưỡng cao của cháo giúp bổ sung dinh dưỡng để người bệnh có đủ sức mạnh để chống lại bệnh tật.
Ngoải ra, nên uống nhiều chất lỏng để lấy lại chất điện giải và ngăn ngừa mất nước. Ví dụ: nước trái cây tươi, nước dừa, dung dịch bù nước qua đường uống (ORS) hoặc các loại trà thảo mộc có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết.
Trái cây giàu vitamin C giúp cải thiện hệ miễn dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết |
Đồng thời, tiêu thụ thực phẩm có vitamin C đóng vai trò như một phương pháp chữa bệnh tự nhiên đối với bệnh sốt xuất huyết vì nó thúc đẩy các kháng thể để chữa bệnh và phục hồi nhanh hơn, chẳng hạn như đu đủ và nước cam.
Tuy nhiên, một số loại thức phẩm mà người bị sốt xuất huyết nên tránh ăn như đồ cay, thực phẩm có chất béo bão hòa, thực phẩm chế biến, đồ uống có đường và có gas, tuyệt đối tránh rau sống.
Ngoài ra, nên tránh ăn thực phẩm chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn vặt, đồ ăn nhiều dầu mỡ và cay, dưa chua… Nhiều người bệnh sốt xuất huyết gặp các vấn đề về dạ dày, nếu ăn thức ăn nhiều dầu mỡ và cay sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng của dạ dày. Người bệnh không nên uống trà, cà phê, ca cao, rượu bia và đồ uống có chứa caffein khác.