Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030
Theo dự báo của các nhà nhân khẩu học, đến năm 2038, nhóm dân số trên 60 tuổi ở nước ta khoảng 21 triệu người, chiếm hơn 20% tổng dân số. Việt Nam sẽ chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già”, khiến nhiều khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần phải nhanh chóng được lấp đầy.
Theo Kết quả Điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, chỉ có 4,8% người cao tuổi có sức khỏe tốt và rất tốt, 65,4% là yếu và rất yếu. Trong đó, 26,1% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% người cao tuổi không đủ tiền chi trả cho việc điều trị dẫn đến không điều trị.
Giao lưu trực tuyến “Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030" |
Để cung cấp một bức tranh về thực trạng, các giải pháp cần thiết và kịp thời để chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, nhằm thích ứng với xã hội già hoá, góp phần nâng cao chất lượng sống và phát huy vai trò của người cao tuổi đối với gia đình, cộng đồng, xã hội, Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp cùng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030" trên chuyên trang điện tử Giadinh.net.vn.
Trong số những câu hỏi gửi về chương trình, nhiều khán giả đã hỏi về những chính sách an sinh xã hội dành cho người cao tuổi và bày tỏ sự quan tâm những chính sách ấy đã thực sự đi vào cuộc sống và nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi hay chưa?
Trả lời những thắc mắc trên, ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: "Hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến người cao tuổi. Trong đó, Luật Người cao tuổi có hiệu lực từ 2010 và trên 30 các văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong đó, có các văn bản quan trọng như Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020 và chuẩn bị ban hành Chương trình Quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn mới.
Nghị định 136 về bảo trợ xã hội, trong đó có nhiều quy định liên quan đến chế độ cho người cao tuổi; Năm 2015 ban hành quyết định 544 của Thủ tướng, lấy tháng 10 hàng năm là Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1533 phê duyệt đề án Nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Năm 2020 tiếp tục ra Quyết định 1336 để tiếp tục thực hiện đề án này đến năm 2025 vì hiệu quả mà nó mang lại.
Năm 2020, Thủ tướng có Quyết định 1579 phê duyệt đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030.
Các bộ, ngành cũng ra nhiều thông tư hướng dẫn về việc thực hiện Luật Người cao tuổi. Ở các địa phương, nhiều địa phương cũng có quy định chăm sóc người cao tuổi với mức cao hơn quy định chung của nhà nước…
Những quy định này đã thực sự đi vào cuộc sống để nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi Việt Nam".
Ảnh minh họa |
Nhiều độc giả cũng quan tâm đến Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030 có đề ra mục tiêu đến năm 2025, 70% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi và con số này tăng lên 85% vào năm 2030.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đánh giá "Trước hết, truyền thông nâng cao nhận thức rất quan trọng. Có nhận thức tốt, hành vi sẽ chuẩn mực và hiệu quả. Mục tiêu này nếu tập trung cao sẽ hoàn thành nhưng muốn thực hiện được phải có những biện pháp đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội và đặc biệt là các cơ quan truyền thông…".