Người dân cần cẩn trọng khi gửi tiền ủng hộ trên mạng xã hội
Nghi vấn trục lợi từ việc kêu gọi ủng hộ
Hai ngày qua, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện những lời kêu gọi quyên góp hỗ trợ các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini. Sức mạnh, sự lan toả của cộng đồng mạng đã thu về số tiền lớn để hỗ trợ các nạn nhân. Tuy nhiên, lợi dụng lòng tốt của người dân, trên một số trang Facebook giả mạo kêu gọi ủng hộ, gây bức xúc cho người nhà nạn nhân.
Theo đó, chị M.A, người nhà của 7 nạn nhân vụ cháy chung cư mini, đã rất bất ngờ khi cô giáo của con gọi điện xác nhận, gia đình có đang kêu gọi từ thiện hay không. Chị M.A cho biết: Cô giáo của con chị vừa nhận được thông tin có một tài khoản tự nhận là cô giáo, biết hoàn cảnh của gia đình nên đã kêu gọi giúp đỡ, ủng hộ.
"Sau khi liên lạc với tài khoản Facebook kêu gọi ủng hộ này thì họ không hề biết thông tin gì về con tôi. Hiện gia đình cũng chưa đăng bất kỳ thông tin và kêu gọi nhờ mọi người giúp đỡ. Tôi nghi vấn đây là chiêu trò câu views, câu like, trục lợi từ thiện" - chị M.A cho biết.
Sau gần 2 ngày xảy ra vụ cháy chung cư, có tài khoản trên mạng xã hội đã quyên góp được hơn 4 tỷ đồng |
Trong chiều 14/9, một Page có 1,4 triệu người theo dõi trên Facebook cũng đăng thông tin: "Đến 17h06, đã quyên góp được số tiền là: 3 TỶ 870 TRIỆU VNĐ và xin dừng nhận quyên góp vì số tiền AD cũng nghĩ là đủ để giúp một phần gì đó cho các nạn nhân...". AD (người quản trị) Page cũng liên tiếp đăng tải các thông tin về việc đã làm việc với Công an thành phố Hà Nội và phía ngân hàng để ngừng nhận chuyển khoản. Ban Quản trị Page cũng khẳng định sẽ chuyển trực tiếp số tiền này tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Khương Đình, đồng thời "sao kê" đầy đủ dòng tiền...
Ban Quản trị Page cũng cho biết về việc có một số ý kiến trái chiều và khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và lương tâm... khi kêu gọi hỗ trợ.
Tuy nhiên, bên cạnh những bình luận ủng hộ và cảm ơn Page đã có hành động hỗ trợ các nạn nhân và gia đình, đã có những bình luận đặt nghi vấn trước việc Page xóa, ẩn hay chặn bình luận liên quan đến sự việc này.
Trước những thông tin liên quan đến sự việc nêu trên, đại diện người nhà nạn nhân khuyến cáo những người có tấm lòng hảo tâm có ý định giúp đỡ các gia đình nạn nhân cần tìm hiểu kỹ thông tin để giúp đỡ đúng người, đúng địa chỉ, cần cảnh giác để tránh bị mắc lừa đồng thời mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ những kẻ cố tình giả mạo để lừa đảo, trục lợi.
Tránh để lòng tốt bị lợi dụng
Ngay sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) khiến 56 người tử vong, nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng ra kêu gọi cộng đồng quyên góp, từ thiện nhằm giúp đỡ gia đình các nạn nhân. Hoạt động quyên góp tự phát này diễn ra chủ yếu trên mạng xã hội. Chỉ sau 2 ngày đăng tải thông tin, có tài khoản mạng xã hội thu về trên 4 tỷ đồng tiền ủng hộ từ người dân.
Dưới góc nhìn pháp lý, hoạt động kêu gọi thiện nguyện "tự phát" này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sự minh bạch tài chính. Trước vấn đề này, TS. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ: Trước đây hoạt động từ thiện, kêu gọi quyên góp ủng hộ từ thiện được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị định số 64/2008/NĐ-CP. Trong đó Nghị định của Chính phủ không cho phép cá nhân tự đứng ra kêu gọi quyên góp, tiếp nhận, phân phối hàng, quà từ thiện, nên đã gây tranh cãi trong xã hội.
Sự việc một vài nghệ sĩ đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện cho đồng bào miền Trung và những tranh cãi trên mạng xã hội, dẫn đến khiếu kiện, tố cáo xảy ra với nhiều người, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân cũng như tạo ra những hoài nghi trong xã hội thời gian qua. Chính vì vậy, Chính phủ đã sửa đổi Nghị định 64/2008/NĐ-CP Nghị định số 93/2021/NĐ-CP.
Việc chung tay quyên góp, gửi tấm lòng hảo tâm tới các nạn nhân và gia đình trong giai đoạn khó khăn khăn này là vô cùng trân quý |
Nghị định mới quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, thủ tục, trách nhiệm của người đứng ra kêu gọi quyên góp, tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện, tạo ra một thủ tục, quy trình công khai, minh bạch đối với hoạt động từ thiện để hạn chế những hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trục lợi từ hoạt động từ thiện. Đảm bảo những người đứng ra kêu gọi quyên góp ủng hộ từ thiện yên tâm hơn, tránh bị người khác nghi ngờ về lòng tốt của mình.
Với hoạt động thiện nguyện sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, các tổ chức, cá nhân cần phải tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ, để đảm bảo hoạt động từ thiện được diễn ra một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, giảm bớt những nghi ngờ, tiêu cực, những vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động từ thiện.
Cụ thể, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; Hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tại khoản 1 Điều 2: Ngoài các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được kêu gọi từ thiện, thì cá nhân có đủ năng lực hành vi được quyền tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; Hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Việc cá nhân tham gia vận đông, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp từ thiện được quy định cụ thể tại Mục 2, từ Điều 17 đến Điều 19 của Nghị định này, cụ thể như sau: Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này.
UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; Có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Việc chung tay quyên góp, gửi tấm lòng hảo tâm tới các nạn nhân và gia đình trong giai đoạn khó khăn khăn này là vô cùng trân quý. Hơn ai hết, cộng đồng mạng, các nhà hảo tâm luôn mong muốn tấm lòng của mình được gửi tới đúng địa chỉ, đúng người cần hỗ trợ. Tuy nhiên, người dân cần cẩn trọng khi gửi tiền ủng hộ trên mạng xã hội, tránh để lòng tốt bị lợi dụng.
Để tiếp nhận sự ủng hộ, chia sẻ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đối với các nạn nhân bị thiệt hại được thuận tiện, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố thông báo số tài khoản ủng hộ tiếp nhận như sau: 1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố. Tên tài khoản: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội (Quỹ Cứu trợ), số tài khoản: 3761.0.9057260.91049 tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. 2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Thanh Xuân Tên tài khoản: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Thanh Xuân. Số tài khoản: 3761.0.9051158.91999 tại: Kho bạc Nhà nước Thanh Xuân. 3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Số tài khoản: 128000119657 tại: Ngân hàng Vietinbank. Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ các nạn nhân trong vụ hoả hoạn tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Mọi sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phương án hỗ trợ sẽ được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng bảo đảm công bằng, công khai, đúng mục đích, đúng đối tượng. |