Người đàn ông chĩa súng đe dọa tài xế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sẽ bị xử lý thế nào?
Liên quan hình ảnh, clip người đàn ông cầm súng đe dọa người đi đường, Công an tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc điều tra, xác định người đàn ông cầm súng là Nguyễn Văn Sướng, 52 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hàm Long, có địa chỉ tại số 15 đường Hai Bà Trưng, phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh. Chiều 5/9, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã triệu tập ông Sướng lên làm việc, đồng thời thu giữ khẩu súng ông này sử dụng để đe dọa người tham gia giao thông.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích vụ việc người đàn ông cầm súng đe dọa người tham gia giao thông ở Bắc Ninh |
Trao đổi với phóng viên báo TTTĐ xoay quanh hành vi chĩa súng đe dọa người khác, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Qua theo dõi sự việc trên tôi thấy hành vi của người đàn ông này khiến nhiều người hết sức bất ngờ. Là người đã có tuổi, lịch sự, đạo mạo nhưng lại thể hiện tính côn đồ, manh động, làm dư luận hết sức bức xúc. Chắc chắn cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh sẽ làm rõ nguyên nhân, hành vi, hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ khẩu súng mà ông này sử dụng là vũ khí quân dụng hay là công cụ hỗ trợ, loại súng bắn đạn cao su. Trong trường hợp là súng quân dụng thì người đàn ông này có thể bị khởi tố về tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Còn nếu là công cụ hỗ trợ, súng bắn đạn cao su thì cũng cần kiểm tra xem người này có được phép sử dụng loại vũ khí này không và có sự quản lý của Nhà nước hay không?
Công an tỉnh Bắc Ninh đã triệu tập ông Nguyễn Văn Sướng đến làm rõ hành vi rút súng đe doạ người tham gia giao thông |
Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12/11/2013 1. Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời, đầy đủ quy định về kiểm tra định kỳ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị; b) Vi phạm chế độ bảo quản các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; c) Cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm; d) Lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa không còn giá trị sử dụng. 2. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền; b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép. 3. Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: d) Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả; đ) Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; e) Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng; g) Không giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định… |
Nếu sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ thì người đàn ông này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12/11/2013 xử phạt vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm.
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, Khoản 1 Điều 61 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 thì người được giao công cụ hỗ trợ khi thực hiện nhiệm vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ trong các trường hợp sau: Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật.
“Ai cũng sẽ hiểu rằng nếu bắn súng vào người thì người bị bắn hoàn toàn có thể thiệt mạng. Bởi vậy hành vi dí súng vào người khác đe dọa là hành vi đe dọa giết người. Nếu người bị người khác dùng súng đe dọa uy hiếp khiến sợ hãi, nghĩ rằng việc bắn súng, giết người có thể trở thành sự thật thì người đe dọa uy hiếp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người theo quy định tại điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Như vậy, căn cứ vào điểm đ, khoản 3, Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì với hành vi sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức tiền phạt đối với hành vi này là từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng. Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là buộc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, căn cứ theo điểm a, khoản 8, Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP”, luật sư Cường nói.
Hình ảnh, clip người đàn ông điều khiển xe ô tô 7 chỗ biển Bắc Ninh rút súng đe dọa người tham gia giao thông đang khiến dư luận xôn xao, bức xúc |
Hành vi chĩa súng đe dọa người tham gia giao thông không những thể hiện tính chất côn đồ, manh động mà còn thể hiện văn hóa giao thông thấp kém. Chỉ vì không hài lòng về cách thức di chuyển của các phương tiện khác khi tham gia giao thông mà người đàn ông này sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để giải quyết tranh chấp. Là người lớn tuổi, có hiểu biết mà xử sự như vậy thì lại càng đáng trách và đáng phải xử lý bằng các chế tài của pháp luật.
"Trong vụ việc này cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cần xác minh làm rõ và xử lý nghiêm của hành vi của người đàn ông này. Sai phạm đến đâu phải xử lý đến đó để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời tuyên truyền, răn đe phòng ngừa chung để tránh những trường hợp tương tự xảy ra”, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.
Điều 133. Tội đe dọa giết người 1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Đối với 2 người trở lên; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; d) Đối với người dưới 16 tuổi; đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác. |