Người dân vùng quy hoạch khai thác vàng lo ngại ô nhiễm nguồn nước
Lo ngại việc khai thác khoáng sản vàng tại khu vực G60 Tổ Huy có thể gây ô nhiễm đến nguồn nước sông Thu Bồn và các khu vực xung quanh (Ảnh: V.Q) |
Ngày 13/11, liên quan đến việc UBND huyện Hiệp Đức đề xuất danh mục dự án Đầu tư khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực G60 Tổ Huy (xã Hiệp Hoà) để đấu giá quyền khai thác khoáng sản, theo tìm hiểu của phóng viên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam.
Đề xuất chưa phê duyệt danh mục dự án
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo báo cáo từ UBND xã Hiệp Hoà về kết quả lấy ý kiến Nhân dân, bên cạnh những ý kiến thống nhất vẫn còn nhiều ý kiến không thống nhất dự án Đầu tư khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực G60 Tổ Huy.
Cụ thể, ý kiến không thống nhất chủ yếu là do lo ngại về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, hư hỏng đường, ảnh hưởng đến trồng trọt, chăn nuôi, đất sản xuất và sức khỏe, đời sống của Nhân dân.
Trong khi đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 2359 năm 2023 về việc ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, TP tổ chức thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì khu vực khoáng sản đưa vào đấu giá phải được Nhân dân trong vùng dự án đồng thuận.
Vùng quy hoạch khoáng sản vàng gốc tại khu vực G60 Tổ Huy có diện tích hơn 11ha (Ảnh: V.Q) |
Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin, theo quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010, khi Giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn, đơn vị được cấp giấy phép phải thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai.
Trong khi đó, khu vực UBND huyện Hiệp Đức đề nghị có phần diện tích khu vực UBND tỉnh cho phép Công ty CP Miền Trung khai thác, chế biến vàng gốc tại Quyết định số 1469 năm 2006. Giấy phép khai thác đã hết hạn từ tháng 6/2009 nhưng Công ty CP Miền Trung chưa thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường.
Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh xem xét chưa phê duyệt danh mục dự án Đầu tư khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực G60 Tổ Huy.
Khu vực quy hoạch khoáng sản vàng gốc tại khu vực G60 Tổ Huy thuộc thôn Trà Linh Đông, cách trung tâm xã Hiệp Hoà khoảng 5km và nằm gần đường dây điện 500kV (Ảnh: V.Q) |
Sở này cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chỉ đạo UBND huyện Hiệp Đức yêu cầu Công ty CP Miền Trung thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường mỏ vàng G60 mà UBND tỉnh đã cho phép khai thác tại Quyết định số 1469 năm 2006.
Theo Sở này, trường hợp Công ty CP Miền Trung không chấp hành, thực hiện việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường hoặc đã giải thể, phá sản,… thì thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 503 năm 2023 về việc thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường của các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Trường hợp UBND huyện Hiệp Đức vẫn muốn đấu giá, cấp phép đối với khu vực đã đề nghị thì tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức cuộc họp để giải thích, làm rõ các vấn đề Nhân dân băn khoăn, nếu Nhân dân đồng thuận.
Đa số người dân đồng thuận nhưng vẫn lo ngại
Vào ngày 15/4 vừa qua, UBND xã Hiệp Hoà đã có báo cáo về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân của thôn Trà Linh Đông nằm trong vùng quy hoạch khoáng sản vàng gốc tại khu vực G60 Tổ Huy bằng hình thức lấy phiếu.
Kết quả cho thấy có 63% hộ dân đã thống nhất với chủ trương. Riêng 37% hộ dân không thống nhất phần lớn đều đưa ra lý do ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến trâu, bò uống và ảnh hưởng đến đất sản xuất, đời sống của Nhân dân.
Vào ngày 23/5 vừa qua, UBND xã Hiệp Thuận cũng đã có báo cáo về việc lấy ý kiến Nhân dân nằm trong vùng quy hoạch khoáng sản vàng gốc tại khu vực G60 Tổ Huy.
Kết quả cũng cho thấy 55% số phiếu thống nhất chủ trương. Riêng 45% số phiếu không thống nhất cho rằng Nhân dân trong vùng không được hưởng lợi gì từ dự án, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm hư hỏng đường sá, mất an ninh trật tự.
Đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn đến môi trường trong chăn nuôi, trồng trọt và ô nhiễm môi trường khi lưu thông vận chuyển. Xe vận chuyển qua lại thường xuyên sẽ gây mất an toàn giao thông.
Trụ sở Đảng uỷ - UBND - HĐND - UBMTTQVN xã Hiệp Hoà (Ảnh: V.Q) |
Theo Sở Giao thông Vận tải, khu vực khai thác khoáng sản nằm trong vùng có địa hình đồi núi, vào mùa mưa bão dễ gây sạt lở, ảnh hưởng đến người, tài sản và kết cấu hạ tầng.
Bên cạnh đó, việc khai thác khoáng sản vàng có thể gây ô nhiễm đến nguồn nước sông Thu Bồn và các khu vực xung quanh. Do vậy, trong bước đánh giá tác động môi trường cần nghiên cứu thận trọng để có các giải pháp phù hợp, hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường.
Trao đổi với phóng viên, UBND xã Hiệp Hoà cho biết vùng quy hoạch khoáng sản vàng gốc tại khu vực G60 Tổ Huy có diện tích khoảng hơn 11ha. Khu vực này thuộc thôn Trà Linh Đông, cách trung tâm xã Hiệp Hoà khoảng 5km và nằm gần đường dây điện 500kV.
Khu vực này trước đây được Công ty CP Miền Trung vào khai thác khoáng sản vàng từ năm 2006 và rời đi sau thời gian ngắn khai thác.
Hiện trạng khu vực quy hoạch khoáng sản vàng gốc hiện nay là đồi núi do UBND xã Hiệp Hoà quản lý. Khu vực này đang được các hộ dân địa phương trồng cây keo khai thác hơn 10 năm.
Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo “Đánh giá khoáng sản vàng gốc khu G60 Tổ Huy, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam” thuộc đề án thành phần “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản kim loại vùng Trung Trung Bộ” tại Quyết định số 3978/QĐ-BTNMT ngày 30/12/2022 với tài nguyên vàng gốc còn lại cấp 333 là 116,8kg Au và được phê duyệt kết quả khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ tại Quyết định số 1816/QĐ-BTNMT ngày 4/7/2023. Theo Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam (giai đoạn 2011 - 2020) ban hành kèm theo Quyết định số 120 năm 2017 của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam (giai đoạn 2011-2020), khu vực đề nghị có 14,41ha được quy hoạch đất rừng sản xuất và 0,35ha nằm ngoài 3 loại rừng. Còn theo Bản đồ quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 ban hành kèm theo Quyết định số 72 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, khu vực đề nghị nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp. |