Nguy cơ bùng dịch từ các F0 điều trị tại nhà, không khai báo y tế
Tránh tâm lý chủ quan "ai rồi cũng thành F0"
Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội liên tục tăng cao, ngày 1/3 đã ghi nhận hơn 13.000 ca F0 trong đó đa phần là các F0 điều trị tại nhà.
Nhằm chủ động tầm soát dịch bệnh, phát hiện sớm F0, nhiều người dân đã tự xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại nhà. Song, thực tế hiện nay, một số người dân sau khi tự test nhanh tại nhà cho kết quả dương tính lại không khai báo với cơ sở y tế mà tự mua thuốc điều trị. Điều này gây ra nhiều hệ lụy cho chính bản thân người bệnh và cộng đồng.
Số lượng F0 quá đông trong khi lực lượng cán bộ tại các trạm y tế mỏng, nhiều nơi đã xảy ra hiện tượng quá tải. Sợ bị căng dây cách ly ảnh hưởng đến người xung quanh, sợ thủ tục rườm rà.... một số F0 điều trị tại nhà "ngại" khai báo y tế với các trạm y tế phường, xã
Chị Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Do đang thuê trọ nên khi tự test nhanh tại nhà và phát hiện mắc COVID-19, tôi rất sợ nếu khai báo y tế, lực lượng chức năng sẽ đến khu trọ để căng dây, cách ly... ảnh hưởng đến người sống cùng dãy nhà trọ. Do đó, tôi đành tự cách ly trong phòng và điều trị trong 10 ngày cho đến khi âm tính".
Các F0 đến xếp hàng và khai báo y tế tại trạm y tế xã, phường |
Trong đó, nhiều F0 có ý thức khai báo y tế lại gặp khó khăn do mỗi phường áp dụng cách khai báo một kiểu, một số nơi áp dụng rất máy móc khi yêu cầu F0 phải đến tận nơi, xếp hàng, có người đi nhiều lần mới có thể nhận được giấy yêu cầu cách ly cũng như giấy chứng nhận khỏi bệnh.
Người bệnh và người nhà xếp hàng, chen lấn cả trăm người một lúc dễ gây lây nhiễm chéo ngay tại trạm y tế… Thậm chí nhiều F0 từ khi khai báo thành công cho đến lúc âm tính trở lại, không được một cán bộ y tế nào hỏi han, tư vấn, cấp thuốc.
Theo quy định của Bộ Y tế, trạm y tế là nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận các F0 cũng như xác nhận F0 khỏi bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, trạm y tế cấp phường chỉ có số lượng nhân viên rất ít mà các ca mắc F0 lại liên tục tăng nhanh.
Do đó, tình trạng quá tải trong khâu cấp xác nhận F0 là khó tránh khỏi, bởi ở nhiều phường hiện nay số F0 lên đến 150-200 ca mỗi ngày. Từ đó dẫn đến các tuyến y tế quá tải, các phường đã có sự chậm trễ, chưa tiếp nhận kịp thời bệnh nhân khi họ thông báo nhiễm bệnh.
Không khai báo y tế, nhiều F0 không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ dẫn đến tâm lý coi thường sức khoẻ của mình và những người xung quanh, tự ý không tuân thủ quy định cách ly hoặc vẫn làm việc bình thường, ra ngoài tiếp xúc với mọi người.
Chị Thu Huyền (Thượng Thanh, Quận Long Biên) cho biết "Do quá tại F0, trạm y tế cũng khó có thể quản lý chặt chẽ như trước nên nhiều F0 không khai báo y tế. Người có ý thức thì dù không nhận được yêu cầu cách ly hay dán thông báo, căng dây như trước thì cũng sẽ tự ở nhà cách ly. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người thiếu ý thức với suy nghĩ "ai rồi cũng thành F0" nên tự ý rời khỏi nhà, đi chợ hàng ngày hoặc đi làm bình thường. Họ vô tình lây bệnh cho rất nhiều người trong đó có người bệnh nền, người cao tuổi...."
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ ở Hà Nội đang chiếm khoảng 97%.
Tuy nhiên, hàng ngày, Hà Nội vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong vì COVID-19, nên người dân không nên có tâm lý nghĩ rằng "ai rồi cũng thành F0". Khi số ca COVID-19 tăng cao sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, rồi tỷ lệ tử vong cũng từ đó nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.
"Tâm lý ai rồi cũng trở thành F0 rất nguy hiểm. Chúng ta thử đặt tình huống dù thanh niên trẻ khỏe đến đâu cũng có tỷ lệ nhất định mắc bệnh diễn tiến nặng. Đó còn chưa kể đến trường hợp nếu chúng ta mắc bệnh rồi về lây cho người già, người mắc bệnh nền hay trẻ em, phụ nữ mang thai lại càng nguy hiểm hơn. Đây đều là đối tượng chưa tiêm vaccine, nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong. Do đó, người dân cần loại bỏ tâm lý ai rồi cũng mắc COVID-19", ông Phu nhấn mạnh.
Hiện một số bộ phận người dân có tâm lý đã tiêm nhiều vắc xin bệnh sẽ nhẹ, rồi buông xuôi, thả lỏng. Theo ông Phu, đây là suy nghĩ sai lầm, cần phải thay đổi. Vắc xin chỉ giúp giảm nguy cơ lây lan và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng chứ không hoàn toàn chống lại được SARS-CoV-2.
F0 không khai báo y tế sẽ mất quyền lợi hưởng BHYT
Đáng lo ngại, nhiều F0 đang điều trị tại nhà hiện nay không khai báo với cơ quan y tế địa phương mà không biết rằng đang phải đối diện mức phạt và mất đi các quyền lợi kèm theo.
F0 điều trị tại nhà không khai báo thì sẽ không được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Đồng nghĩa với việc sẽ không nhận được tiền trợ cấp ốm đau.
Do đó, đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, việc khai báo y tế vô cùng quan trọng. Vì khi khai báo mắc COVID-19 với y tế xã, phường, người bệnh mới có cơ sở để được cấp Giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho F0.
Người dân có thể khai báo qua ứng dụng phòng chống dịch bệnh PC-COVID |
Ngoài khai báo với y tế xã, phường, người dân cũng có thể sử dụng tính năng khai báo y tế qua ứng dụng PC-COVID hoặc khai báo trên website http://tokhaiyte.vn.
F0 điều trị tại nhà không khai báo là còn phải đối mặt với nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, theo điểm a, khoản 3, Điều 7, Nghị định 117/2020, người nào có hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác măc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Trong khi đó, theo Quyết định 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế, dịch bệnh COVID-19 đã được liệt kê là một trong những bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Do đó, F0 điều trị tại nhà cần phải khai báo để không ảnh hưởng đến bản thân và cộng đồng.