Nguy cơ mắc uốn ván nguy hiểm do vết thương hở
Nhiều bệnh nhân mắc uốn ván vì chủ quan với vết xước nhỏ Vật cứng rơi vào chân, bệnh nhân mắc uốn ván Tự cắt trĩ tại nhà, bệnh nhân mắc uốn ván Ghi nhận 24 ca mắc uốn ván, 3 ca tử vong |
Liên tiếp các trường hợp mắc uốn ván nguy hiểm
Trong thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã liên tiếp điều trị cho gần 10 trường hợp mắc bệnh uốn ván nặng
Đặc điểm chung của những bệnh nhân này là chưa tiêm phòng và đều bị các vết thương hở nhưng tự xử lý tại nhà không triệt để, dẫn đến nhiễm vi khuẩn uốn ván. Khi có biểu hiện cứng hàm, bệnh nhân mới nhập viện điều trị.
Bị vết thương hở ở tay, bệnh nhân chủ quan không tiêm phòng nên mắc uốn ván nặng |
Cụ thể, nam bệnh nhân, 66 tuổi, ở Hải Dương bị gai đâm vào chân, tự xử lý tại nhà, không tiêm phòng uốn ván. Khi có biểu hiện cứng hàm, khó nuốt, bệnh nhân mới nhập viện điều trị, sau đó tiến triển co cứng cơ toàn thân, suy hô hấp, phải đặt ống và thở máy.
Tương tự, trước vào viện, nam bệnh nhân 64 tuổi, ở Thái Bình (có bệnh nền tăng huyết áp và suy tim) bị vết thương ở cẳng tay phải do sinh hoạt. Sau 3 ngày, bệnh nhân bắt đầu cứng hàm, khó nuốt và tiến triển nặng. Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng co cứng toàn thân, cũng phải đặt ống thở máy và bị tụt huyết áp.
Trường hợp tiếp theo là nam bệnh nhân T, 44 tuổi, ở Thanh Hóa, bị đinh đâm vào chân 2 tuần trước khi vào viện, chủ quan không tiêm phòng uốn ván, tự vệ sinh tại nhà. Trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân biểu hiện cứng hàm, khó há miệng, khó ăn uống và co cứng cơ toàn thân, phải nhập viện điều trị và ăn qua ống thông.
Đáng chú ý, khoảng 8 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân H, 65 tuổi, ở Bắc Ninh (có tiền sử đái tháo đường và tăng huyết áp) bị mảnh gỗ đâm vào ngón tay phải và tự xử lý bằng nước và băng keo cá nhân, dẫn đến vết thương mưng mủ.
Bệnh nhân đi khám tại cơ sở y tế trong tình trạng khó há miệng, cứng hàm sau đó được giới thiệu lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vì nghi mắc uốn ván.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng uốn ván toàn thể rõ rệt với biểu hiện cứng hàm, miệng há 1cm, tăng trương lực cơ toàn thân mức độ nặng (co cứng cơ toàn thân), có khởi phát cơn co giật và chẹn ngực gây khó thở ( dấu hiệu của tổn thương cơ hô hấp).
Không chủ quan với các vết thương hở
Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng nề, có tỷ lệ tử vong cao do độc tốc mạnh của trực khuẩn uốn ván gây ra. Trực khuẩn này có tên gọi là Clostridium tetani. Khi bị nhiễm khuẩn, độc tố protein mạnh là tetanospasmin do trực khuẩn Clostridium tetani tiết ra sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, gây tổn thương não, hệ thần kinh trung ương, dãn đến cứng cơ và có thể gây tử vong nhanh.
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám cho bệnh nhân điều trị uốn ván. |
Trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, trong giai đoạn đầu của bệnh (giai đoạn cấp tính), tình trạng co giật, rối loạn trương lực cơ và rối loạn thần kinh thực vật rất nặng.
Sau một tháng điều trị tích cực, bệnh nhân dần ổn định, dừng hoàn toàn các loại thuốc an thần, giãn cơ, chấm dứt tình trạng co cứng và co giật cơ. Chức năng thận của bệnh nhân cũng đã trở về bình thường, bệnh nhân đã có thể tự thở, kiểm soát được các vấn đề nhiễm trùng và rối loạn chức năng kèm theo.
Bác sĩ Minh cảnh báo, người mắc bệnh uốn ván thường có biểu hiện ban đầu là cứng hàm và khó há miệng, sau đó lan xuống các cơ khiến bệnh nhân không thể đi lại được.
Trong trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến co giật cứng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp và nhanh chóng tử vong do ngực bị chẹn cứng, gãy xương, đứt cơ. Thời gian ủ bệnh uốn ván có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chú ý đến việc tiêm phòng uốn ván, đặc biệt khi bị các vết thương hở. Việc tự xử lý vết thương tại nhà có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp nghi ngờ mắc uốn ván, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Đối với người mắc uốn ván sau khi ra viện, bác sĩ Minh lưu ý, người bệnh cần tiêm nhắc lại vắc xin sau 1 tháng ra viện và nhắc lại sau mỗi năm hoặc 10 năm hoặc ngay sau khi có vết thương hở nhiễm bẩn mới.
Bác sĩ Nguyễn Đức Minh cho biết: Bệnh uốn ván có 3 giai đoạn là giai đoạn cấp tính, giai đoạn phục hồi và dự phòng sau phục hồi để tránh bệnh tái phát. Mức độ nặng nhẹ khi tái phát sẽ phụ thuộc vào cơ địa của bệnh nhân và tính chất nhiễm bẩn của vết thương.
Hầu như các bệnh nhân uốn ván đều gặp phải tình trạng yếu cơ do nằm lâu, dinh dưỡng kém, rối loạn hấp thu trong bệnh lý uốn ván và tình trạng teo co cứng các cơ. Những trường hợp này thời gian phục hồi cũng khá lâu. Chính vì vậy, người dân cần bổ sung dinh dưỡng tích cực bằng đường ăn, đường truyền và tập phục hồi…