Nguy hiểm rình rập từ các cửa hàng gas trong khu dân cư
Một cửa hàng gas trong khu dân cư tại quận Hai Bà Trưng
Bài liên quan
Nguy hiểm chực chờ từ những "bình gas di động"
Sập toà nhà 3 tầng trong vụ nổ khí gas tại Ba Lan
Thanh Hóa: Trái “bom lửa” nằm giữa khu dân cư đông đúc
Nơm nớp nỗi lo gas nổ
9 giờ 30 phút, sáng 29/11, hàng chục hộ dân sinh sống tại phố Bùi Ngọc Dương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hoảng hốt khi nghe tiếng nổ lớn phát ra từ cửa hàng ga trong ngõ 8. Trong lúc bốc xếp bình gas từ xe ô tô, do bất cẩn nhân viên cửa hàng đã đánh rơi một bình gas xuống đất làm khí gas rò rỉ, bắt lửa từ cửa hàng ăn sáng gần đó và phát nổ. Ngọn lửa sau đó đã bùng lên, bao trùm xe tải chở gas, hai xe máy dựng gần đó và lan ra các căn nhà xung quanh.
Con ngõ chỉ đủ diện tích cho một xe cứu hỏa đi vào và phải dừng cách đám cháy khoảng 200m để cảnh sát dòng dây dẫn nước vào hiện trường, nên sau một tiếng, ngọn lửa mới được khống chế. Lúc này 5 ngôi nhà xung quanh cửa hàng gas đã bị sức nổ làm biến dạng mặt tiền, nhiều đồ đạc bị cháy rụi; may mắn vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Đây không phải là vụ cháy nổ cửa hàng ga gây ảnh hưởng nghiêm trọng, hơn 1 năm trước một vụ cháy do nổ ga tại số nhà 33 (tổ 14, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội) gần khu vực chân cầu Vĩnh Tuy đã khiến 1 người tử vong. Ngôi nhà bị cháy là một cửa hàng kinh doanh gas không có giấy phép. Mặc dù trước đó đã bị xử phạt và yêu cầu tháo dỡ biển kinh doanh nhưng chủ nhà vẫn lén lút hoạt động.
Nhìn lại việc kinh doanh gas hiện nay trên nhiều tuyến phố không khỏi giật mình. Theo quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), cửa hàng kinh doanh gas phải có tổng diện tích mặt bằng tối thiểu là 25 m2, diện tích phòng bày bán tối thiểu là 12m2, không chứa trên 1.000 kg gas, có lối thoát nạn, đầy đủ các phương tiện về PCCC. Người kinh doanh mặt hàng này phải được cấp chứng chỉ tập huấn về PCCC…
Tuy nhiên, đa số cửa hàng gas ở Hà Nội không đáp ứng được yêu cầu này. Dạo một vòng trên các tuyến phố đông dân cư hiện nay như Trương Định, Nguyễn Trãi, Hạ Đình,... không khó để bắt gặp những cửa hàng gas nằm chen chúc trong những không gian chật chội. Phần lớn các cửa hàng đều không có trang thiết bị PCCC, nhiều cửa hàng trông khá cũ kỹ, ngổn ngang các bình gas. Theo chia sẻ của các nhân viên, do luôn phải di chuyển mỗi khi bị tăng giá thuê hoặc bị hàng xóm phản ứng, nên các cửa hàng này phải tối giản và tận dụng hết mức để giảm chi phí...
Hiện trường vụ cháy cửa hàng gas trên phố Bùi Ngọc Dương |
Rõ ràng với việc buông lỏng các quy định về điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ như hiện nay, nhiều cửa hàng gas chẳng khác nào những “quả bom” nổ chậm. Nếu xảy ra hỏa hoạn, xe cứu hỏa không thể vào dập lửa được sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Điều đáng nói, nhiều cơ sở kinh doanh gas tìm mọi cách để móc túi người tiêu dùng. Ngoài việc “chôm chỉa” vỏ bình, thực trạng cắt tai, sang chiết gas trái phép diễn ra rất phổ biến. Tình trạng này khiến hiểm họa cháy nổ càng cao.
Từ khi xảy ra đám cháy ở ngõ 8 Bùi Ngọc Dương, chị Minh, một người dân ở khu vực con phố luôn thấp thỏm lo lắng. "Ngõ nhà mình cạnh phố Bùi Ngọc Dương và cũng có 1 cửa hàng gas, dăm bữa lại có một xe tải to đỗ hết lối đi để bốc dỡ bình. Bà con trong ngõ luôn lo lắng khi đi qua, kinh hãi lo cháy nổ nhưng lực bất tòng tâm vì không thể chuyển nhà" – chị Minh chia sẻ.
Sống tại phố Trương Định, anh Trần Văn Long cũng chung cảnh bất an: “ Các cơ quan chức năng siết lại việc các cửa hàng buôn bán gas. Phải tách riêng cửa hàng buôn bán gas theo từng khu vực, kiểu như cây xăng vậy, chứ hiện nay rất nhiều điểm đổi gas nằm sâu trong ngõ, rất đông dân cư, khi cháy nổ thì hậu quả khôn lường”.
Nhiều bất cập trong xử lý vi phạm
Do tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao nên gas là một trong những mặt hàng kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Hiện nay, hoạt động kinh doanh gas được quy định bởi Nghị định số 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.
Nhưng riêng về điều kiện làm đại lý kinh doanh gas, Nghị định mới chỉ đưa ra những yếu tố cần có như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có đăng ký kinh doanh gas; cửa hàng, trạm nạp gas được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC, giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định của pháp luật... Còn những tiêu chí quan trọng khác như: diện tích mặt bằng, nhà xưởng, địa điểm kinh doanh, tiêu chuẩn về khoảng cách kinh doanh gas trong khu dân cư… thì không được quy định cụ thể.
Sự thiếu chặt chẽ này đã được nhiều người tận dụng để hoạt động kinh doanh gas mất an toàn giữa khu dân cư.
Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ TP Hà Nội, trong 40 nghìn cơ sở có nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn thành phố, có hơn 550 cửa hàng kinh doanh khí đốt hóa lỏng. Vì vậy, ngoài việc nâng cao ý thức cho chủ cơ sở kinh doanh, buôn bán mặt hàng gas, khí hóa lỏng trong khu dân cư, cần có những biện pháp từ cơ quan chức năng để hạn chế mức thấp nhất rủi ro cháy, nổ có thể xảy ra.
Bởi hiện nay, theo quy định kiểm tra thông thường của lực lượng cảnh sát PCCC phải thông báo trước 3 ngày và chỉ được phép kiểm tra đột xuất nếu cửa hàng có dấu hiệu vi phạm. Như vậy, chủ cơ sở hoàn toàn có đủ thời gian thể đảm bảo việc tồn chứa hàng đúng trữ lượng; nhân viên chưa được cấp chứng chỉ PCCC có thể tạm thời cho nghỉ việc; khó bắt quả tang việc sang chiết trái phép...
Cũng do không được phép ra quyết định đình chỉ, rút giấy phép hoạt động nên việc xử phạt vi phạm hành chính vẫn thiếu “sức nặng”, không tạo được sức răn đe đối với những cơ sở thiếu sót về an toàn PCCC.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải bổ sung quy chuẩn rõ ràng về khoảng cách an toàn đối với các cửa hàng kinh doanh gas gần khu dân cư. Đồng thời, để phòng ngừa “hiểm họa”, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở, quản lý thị trường, công an.
Người dân cũng cần phối hợp để phản ánh hành vi vi phạm về an toàn PCCC đến cơ quan chức năng, nhất là hành vi tồn trữ, sang chiết gas trái phép, tránh xảy ra những vụ cháy nổ đáng tiếc.
Trên hết, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức trong việc mua và sử dụng gas tại gia đình. Người dân chỉ nên mua gas tại những cửa hàng gas có uy tín, đầy đủ giấy phép kinh doanh, điều kiện về PCCC, sử dụng những hãng gas có thương hiệu và kiên quyết nói không với các loại gas kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường.