Nguyên nhân gói hỗ trợ lãi suất 2% không "hấp dẫn" doanh nghiệp
Hơn 90 doanh nghiệp tham gia Hội chợ hàng tiêu dùng Hà Nội 2024 Nâng tầm tư duy và nội lực cho doanh nghiệp Kỳ vọng các doanh nghiệp nhỏ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024 |
Ngày 25/5, tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới kết quả thực hiện các chính sách chưa cao, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư, triển khai các dự án đầu tư quan trọng.
Nhiều hội nghị được tổ chức xuống tận các địa phương
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải trình làm rõ các ý kiến đại biểu nêu |
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, bối cảnh thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp khó lường, chưa từng có tiền lệ.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng và tham mưu trình Nghị định số 31.
"Chưa có một chương trình nào mà Ngân hàng Nhà nước dành nhiều thời gian và công sức để tổ chức triển khai như vậy. Nhiều hội nghị được tổ chức, yêu cầu đến từng chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai tại các địa phương" - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Lý giải kết quả thực hiện chính sách đạt thấp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngay từ đầu Nghị quyết 43/2022/QH15 đã xác định đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi - tức là có khả năng trả nợ vay, không phải là chính sách để giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn khó khăn.
Vốn cho vay của chương trình là vốn của các tổ chức tín dụng huy động của người dân. Chỉ có phần hỗ trợ lãi suất 2% là nguồn từ ngân sách Nhà nước. Do đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm khả năng thu hồi được nợ. Do đó việc giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc vào quyết định của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bày tỏ tâm đắc với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng trong bối cảnh phức tạp, chưa từng có tiền lệ thì các chính sách có thể chưa sát với thực tiễn nhưng điều quan trọng là qua đây chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì về cách thức hỗ trợ có doanh nghiệp và người dân.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh chính sách không phải vì được hỗ trợ lãi suất 2% mà doanh nghiệp mới đi vay, mà quyết định của doanh nghiệp vay để làm gì và có khả năng trả nợ hay không.
“Lãi suất chỉ là một trong số chi phí đầu vào, nên để hỗ trợ doanh nghiệp thì có thể cân nhắc giải pháp thuế, chính sách khác”, bà Nguyễn Thị Hồng nêu.
Thống đốc kết luận, với gói 40.000 tỷ đồng dành cho hỗ trợ lãi suất, tới cuối 2023 đã giải ngân được 3,05% và đã kết thúc chương trình. Chính phủ đã báo cáo, đề xuất Quốc hội không huy động thêm nguồn lực cho chương trình này. Trong trường hợp tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, thì có thể đưa vào chương trình khác, như chuyển sang chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các chương trình an sinh xã hội.
Nảy sinh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Theo Báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.
Tuy nhiên, bên cạnh một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra thì một hạn chế nữa là công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm. Danh mục dự án trình Quốc hội không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều so với dự kiến khi trình Quốc hội ban hành nghị quyết.
Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Chương trình. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022-2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm.
Lý giải việc này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian xây dựng và thực hiện chương trình là rất ngắn. Chương trình có quy mô lớn, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, tổ chức, đối tượng; trong khi thủ tục còn phức tạp, rườm rà; kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế. Việc phối hợp thực hiện một số dự án còn chưa tốt, nảy sinh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm ở một số cán bộ nên một số kết quả đạt được không như kỳ vọng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các Bộ, ngành đã hết sức tích cực, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, thành lập nhiều tổ công tác, đoàn công tác để đốc thúc triển khai. Tất cả các thành viên Chính phủ đều đã xuống nhiều địa phương để giải quyết những ách tắc, vướng mắc của từng dự án đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội. Thời gian tới sẽ tập trung đôn đốc, thúc đẩy các dự án chưa hoàn thành thủ tục thì nhanh chóng, khẩn trương hoàn thành.
Những dự án đã xong thủ tục và đang triển khai thực hiện thì tập trung đẩy nhanh tiến độ từ giải phóng mặt bằng cho đến tổ chức thi công, để sớm đưa công trình vào khai thác hiệu quả