Nhà văn Di Li cho ra mắt bộ đôi sách tùy bút ẩm thực
Lễ ra mắt bộ đôi sách tùy bút ẩm thực của nhà văn Di Li
Bài liên quan
Nhà văn Di Li gửi “Nụ hôn thành Rome”
Nhà văn Di Li bất ngờ khi 11 đại sứ đến dự và mua sách ‘Nụ hôn thành Rome’
Nhà văn Di Li đinh ninh tác giả "7 năm bóng tối" là nam giới
Nhà văn Di Li: Tôi khác nhiều ở hai vai nhà văn và nhà giáo
Tọa đàm và ra mắt sách "Những ngôi sao Eger"
Lễ ra mắt bộ đôi sách này do Đại sứ quán Palestine và Công ty Cổ phần sách Thái Hà tổ chức tại khuôn viên nhà đại sứ Palestine (số 7 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội).
Diễn giả gồm có nhà văn Di Li, ngài Saadi Salama – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhà nước Palestine tại Việt Nam, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT ThaiHaBooks, họa sỹ Dũng Choai – người vẽ 107 tranh minh họa cho bộ sách. Bên cạnh đó cũng có sự tham dự của một số đại sứ, đại biện lâm thời và trưởng đoàn ngoại giao các nước tại Việt Nam.
Ẩm thực Palestine đã có bề dày lịch sử và tạo dấu ấn độc đáo không chỉ ở vùng Ả Rập mà còn trên khắp thế giới. Trong ngày văn hóa ẩm thực Palestine lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, ngài Saadi Salama, đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhà nước Palestine tại Việt Nam chia sẻ: “Mặc dù Việt Nam và Palestine là hai dân tộc có tình bằng hữu ngoại giao được gắn kết rất nhiều năm nhưng người Việt Nam chưa biết nhiều đến văn hóa Palestine và đặc biệt là ẩm thực Palestine.
Tôi rất trân trọng câu chuyện về ẩm thực Palestine đã xuất hiện trong cuốn sách "Nửa vòng Trái đất uống một ly trà" của nhà văn Di Li. Trong ngày giao lưu văn hóa này, tôi cũng đưa ra giới thiệu những món ăn Palestine điển hình đã được Di Li nhắc đến trong sách là Hummus, Moutabal, Tabouleh, Maqluba… để công chúng có thể thưởng thức. Đồng thời âm nhạc, hội họa và múa dân gian Palestine cũng sẽ được giới thiệu trong ngày lễ”.
Bìa cuốn sách "Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa" của nhà văn Di Li |
Bộ đôi tùy bút ẩm thực của Di Li bao gồm 107 câu chuyện về ẩm thực với tổng số 650 trang sách. Tùy bút ẩm thực là thể loại không nhiều người viết nhưng Di Li tự nhận mình là một người đam mê văn hóa ẩm thực. Chị cho rằng ẩm thực không chỉ là ăn uống mà còn là hồn cốt, là văn hóa của mỗi dân tộc.
Phong cách ẩm thực luôn gắn liền với thổ nhưỡng, địa lý, tôn giáo và tính cách dân tộc nên thông qua ẩm thực, người ta có thể đọc ra được nhiều mã số văn hóa và lịch sử của dân tộc ấy. Đây là bộ đôi tùy bút ẩm thực đầu tiên viết về những món ăn vòng quanh thế giới và Việt Nam.
Vẫn với phong cách hài hước quen thuộc, đôi khi chứa đựng cả sự da diết và nâng niu đối với hồi ức qua từng món ăn, “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” là 53 câu chuyện về những món ăn ở khắp các vùng miền. Ẩm thực Huế, TP HCM, Hội An, Quy Nhơn, Ban Mê Thuột, Pleiku, Châu Đốc, Phú Quốc, Đồng Tháp, Hải Phòng… hiện lên quen thuộc và lạ lẫm.
Tác giả cũng dành một tình yêu lớn cho ẩm thực Hà Nội với năm câu chuyện về phở mà chị gọi là “Mùi xứ sở”.
Bìa cuốn sách "Nửa vòng trái đất uống một ly trà" của nhà văn Di Li |
“Nửa vòng Trái đất uống một ly trà” trái lại là một cuộc phiêu lưu kỳ thú và kinh ngạc khác trong thế giới ẩm thực. Những sinh vật kỳ dị trong khay hải sản ở Busan, lịch sử 1200 năm không ăn thịt của người Nhật, những người cuồng ớt ở Tứ Xuyên, sở thích ăn côn trùng của người Campuchia, những bữa “ăn chùa” trên con đường theo dấu chân Phật, nhà ảo thuật kem ở Thổ Nhĩ Kỳ, phong cách ăn Ramadan ở Morocco, món sữa chua trộn hành sống ở Warszawa và cả những bàn ăn biếc xanh nên thơ bên bờ Địa Trung Hải…
54 câu chuyện ẩm thực đa dạng sắc màu văn hóa sẽ đưa độc giả tham dự những bữa tiệc kỳ lạ vòng quanh thế giới từ Á sang Âu, Phi. Đặc biệt, lần đầu tiên có một cuốn sách giới thiệu tương đối đầy đủ về văn hóa trà thế giới: Trà Ô Long Trung Hoa, trà đỏ Thổ Nhĩ Kỳ, trà sữa đất nung Ấn Độ, trà bạc hà Maroc, trà đen Sri Lanka, trà nhuộm màu Thái Lan, trà đạo Nhật Bản, trà bơ Tây Tạng.
Nhà thơ Văn Công Hùng nhận xét: “Di Li viết tinh tế, bài bản, sâu sắc, và hài hước nữa. Kể chuyện cứ như chơi. Cái món du ký ẩm thực ấy, nếu không hiểu biết sâu và rộng để mà liên tưởng, mà so sánh món này món kia, xứ này xứ kia, người này người kia... như kiểu vừa nêm gia vị cho hợp khẩu lại vừa trình bày món ăn cho bắt thị giác ấy, thì chỉ là tả lại món ăn theo một cách rất thô.
Nhưng Di Li đã biến nó thành những bữa tiệc tràn đầy ánh sáng và biểu cảm văn hóa, để trở thành một thiên đường lộng lẫy. Viết về cà ri Ấn Độ, thì có phải là cà ri nữa đâu, mà đã vượt lên khỏi cà ri, là văn hóa, vượt lên cả văn hóa, nó là những bí ẩn chưa giải mã mà con người luôn luôn thèm khát kiếm tìm.”
Còn nhà thơ Đỗ Trung Lai cho rằng: “Chỉ cần qua dăm trang sách, Di Li đưa người ta từ Việt sang Nhật, từ Osaka tới Kobe, từ ngoài mưa vào trong bếp, cho người ta biết lịch sử ăn thịt của người Nhật và khoa học hóa tuổi thọ của họ, hầu thỏa mãn trí tò mò của người đọc...
Cuối cùng, Di Li mới kể - tả về việc ăn thịt bằng mấy giác quan cùng với những kiến thức mờ ảo hư - thực kia, mà vẫn không quên... báo giá. Đọc về ẩm thực kiểu này còn thấy “ngon” hơn là đi ăn thật. Đúng là văn du ký của một người chuyên viết truyện trinh thám!”
Nhà văn Di Li chia sẻ về hai cuốn sách của mình được ra mắt lần này |
Nhạc sĩ Mai Lâm cũng chia sẻ: “Phụ nữ viết về ẩm thực cũng có nhưng chủ yếu là sách dạy nấu ăn. Viết về cái thú của sự ăn mà tới hàng trăm món, lại còn kỳ công tới mức bay cả ngàn cây số đến tận nơi để nếm cho bằng được thì tôi mới chỉ thấy có Di Li. Có lẽ cô là người phụ nữ thích ăn ngon nhất trong những nhà văn đương đại chăng?”
Nhà báo Huy Minh – chủ biên Lao động cuối tuần thì bình luận đầy hài hước: “Di Li giữ chuyên mục về ẩm thực trên tờ Lao động cuối tuần nên tôi có dịp đọc tất cả bản thảo các bài viết của cô. Một ngày, tôi đã không kìm được và nói với cô ấy rằng: Em đúng là có một cái dạ dày bằng vàng.
Dường như có bao nhiêu của ngon vật lạ trên thế gian này cô ấy cũng đều nếm cả, nếu chưa, sẽ quyết tâm nếm cho bằng được. Trong đầu cô ấy hình như chỉ nghĩ đến ăn ngon và nghĩ cách làm sao tả lại được cái ngon lành ấy cho bạn đọc.
Tôi trộm nghĩ, mai này cô ấy có rời xa chúng ta sang thế giới bên kia thì hãy vui lòng để lại đây cái dạ dày vàng để trưng bày trong bảo tàng cho con cháu đời sau thưởng lãm”.
Nhà văn Di Li kí tặng sách cho độc giả |
Là một đồng nghiệp thân thiết của Di Li, nhà văn Trần Thanh Hà cũng đồng quan điểm: “Mọi người thán phục Di Li viết nhiều. Tôi thì nói rằng, tôi thán phục Di Li vì năng lực sống của cô. Làm việc, giao thiệp và giải trí. Ở lĩnh vực nào Di Li cũng hết mình.
Nhiều người cũng sống ở Hà Nội. Nhưng chỗ nào có món ăn ngon, ăn theo khẩu vị nào, chỗ nào để shopping, chơi bowling, và Hà Nội có bao sàn khiêu vũ thì tôi không thấy mấy người am tường như Di Li.
Lớn lên ở khu phố Đại Cồ Việt rồi hồ Thiền Quang, những năm sau này chuyển đến khu Cầu Giấy, chưa từng sống ở một nơi nào khác ngoài Hà Nội, Di Li đã say mê khám phá thành phố quê hương, như một nỗi mê đắm, để thuộc hết mọi ngõ ngách nhỏ nhất, để nhận ra từng li ti nỗi xao xuyến chuyển mùa và ẩm thực thương nhớ của thành phố nơi cô sinh ra”.
Nhân sự kiện này, đại sứ quán Palestine cũng giới thiệu với độc giả cuốn sách “Palestine: Con đường hướng tới công lý, tự do và hòa bình” nhằm cung cấp những thông tin toàn diện, chính xác về vấn đề Palestine.
Ấn phầm dành cho các nhà nghiên cứu, phóng viên báo chí và những người quan tâm đến cuộc đấu tranh của nhân dân Palestine có thêm dữ liệu về tình hình Palestine để từ đó có cách tiếp cận, đánh giá chân thực hơn về cuộc xung đột cũng như khát vọng hòa bình của nhân dân Palestine.