Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Ngậm ngùi ngóng Tết quê hương
Là con trai duy nhất của nhạc sĩ Hoàng Vân - người nổi tiếng với dòng nhạc Cách mạng và có trên 80 năm sống ở phố cổ Hà Nội - Lê Phi Phi được thừa hưởng tinh thần lãng mạn trong âm nhạc và sự độc lập trong sáng tạo của cha. Sớm xa gia đình để theo đuổi ước mơ tại Nhạc viện Tchaikovsky từ năm 1987, cũng từ đó đến nay, vị nhạc trưởng tài hoa thường “lỗi hẹn” với những dịp Tết cổ truyền.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi thành kính bên mâm cỗ Tết.
Trong thời khắc giao thời, đồng cảm với tâm trạng ngậm ngùi của nhạc trưởng Lê Phi Phi, vợ con anh luôn tạo một không khí yên lặng trong nhà vào khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Năm nào cũng thế, vừa xem tivi, Lê Phi Phi vừa nhấc điện thoại chúc Tết bố mẹ ở Hà Nội với niềm vương vấn khôn nguôi, thế là lại thêm một cái Tết xa nhà, xa quê hương… “Mấy năm gần đây, để tránh cảm giác ở xa nhớ về Hà Nội trong không khí Tết đến xuân về, tôi thường mời bạn bè đến nhà ăn Tết để không khí vui vẻ hơn nhưng vẫn không thể nào vơi được niềm mong mỏi được trở về mái ấm, ăn Tết cổ truyền như ngày xưa”, nhạc trưởng Lê Phi Phi nói.
Trong kí ức anh vẫn còn vẹn nguyên bao kỉ niệm của chàng trai 17 tuổi lần đầu tiên sang Nga du học. Sáu năm nhớ Tết quê hương giữa vùng băng tuyết lạnh giá, những hương vị của bánh chưng, âm thanh rộn ràng của pháo chỉ còn hiện lên khắc khoải, long lanh nơi đáy mắt.
Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky, Lê Phi Phi chuyển sang Macedonia sinh sống, tạo dựng sự nghiệp. Đến nay, khi anh trở thành nhạc trưởng chính của Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Macedonia cũng là lúc nhẩm tính được 20 cái Tết tha hương. Ở nơi ấy, vì không có cộng đồng người Việt nên mỗi dịp Tết đến, chỉ có hai gia đình (với vẻn vẹn hai người Việt) ăn Tết với nhau. Bánh chưng, mứt phải đặt mua từ các nước khác về nhưng riêng hai món măng bóng, miến gà thì bao giờ cũng tự tay Lê Phi Phi nấu.
Ngày mới qua Macedonia định cư, khi con trai chào đời, anh đã luôn tự nhủ làm sao phải cho cháu được lớn lên trong môi trường đậm nét văn hóa Việt. Lúc đó, Lê Phi Phi là người Việt duy nhất sống tại đất nước này, bằng tất cả mọi nỗ lực, qua đường tàu biển anh đã mang từ Việt Nam bộ bàn ghế, tủ chè khảm trai để trang trí cho phòng khách đúng chất Hà thành. Anh đã sắp xếp để có một góc trang trọng nhất dành để thắp hương trong những dịp đặc biệt. Để gia đình vợ hiểu, anh giải thích cho mọi người về ý nghĩa của Tết, ý nghĩa của những nén hương, về những truyền thống văn hóa của một gia đình khi đón Tết tại Việt Nam như thế nào.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi cùng vợ và con trai.
Bây giờ, mâm cỗ cúng đêm Giao thừa ở Macedonia của gia đình nhạc trưởng đã nồng đượm hơn nhờ tài nội trợ của vợ anh – nghệ sĩ violin Lidija Dobrevska – đã được chồng truyền cho cảm hứng, bí quyết nấu các món ăn dân tộc. Ngoài cỗ Tết, Lidija Dobrevska còn thành thạo cách nấu phở, làm nem, làm bún chả, chả cá và các món ăn xào, nấu khác như bao phụ nữ Việt. Con trai họ năm nay đã 17 tuổi cũng rất thích ăn cơm Việt, thích mắm Phú Quốc.
Đã mấy chục năm nay không được ăn Tết ở quê nhà nên khi trò chuyện mới thấy được cái kí ức về ngày Tết trong lòng nhạc trưởng Lê Phi Phi đặc sánh nỗi nhớ nhung, da diết. Anh kể: “Hồi bé, trước Tết bao giờ mẹ cũng đan cho mình một chiếc áo len mới diện Tết và bố mua cho một bộ quần áo mới, mà chỉ được mặc vào đêm Giao thừa, hồi hộp lắm, sung sướng lắm. Cứ sau 23 tháng chạp là tất cả các gia đình từ giàu có, đủ ăn hay nghèo khó đều bắt tay vào chuẩn bị đón Tết”.
Trong bầu kí ức ấy, gói bánh chưng là một nét đẹp đã tạc vào trí nhớ của anh với tài nghệ của mẹ, không cần khuôn nhưng gói trăm cái như nhau vuông thành sắc cạnh. Luộc bánh chưng trở thành ngày hội của tất cả bọn trẻ xóm 14 Hàng Thùng. Bánh chưng được luộc trong thùng phuy to đùng, ám khói từ nhiều năm trước.
Tâm sự với Lê Phi Phi mới hiểu rằng, anh không chỉ là một nhạc trưởng tài năng mà còn hết sức tận tụy với quê hương, gia đình, đời sống. “Với mình, Tổ quốc luôn ở trong tim”, anh nghẹn ngào. Mỗi lần về Việt Nam biểu diễn, Lê Phi Phi vẫn cháy hết mình với đam mê âm nhạc và sự thổn thức trong trái tim của “đứa con xa nhà”.
Tết Dương lịch năm ngoái anh đã về nước tham gia biểu diễn các chương trình với Nhà hát nhạc vũ kịch TP HCM và chương trình “Xuân quê hương” do Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hằng năm đón bà con xa xứ về quê ăn Tết.
Vì tình yêu đối với Việt Nam và niềm tự hào dân tộc của người con sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên hằng năm anh vẫn trở về Việt Nam để tham gia các buổi hòa nhạc lớn. Là một nghệ sĩ hoạt động lĩnh vực nghệ thuật bác học và chân chính, với anh, phần thưởng lớn nhất là sự cổ vũ của khán giả, không có gì có thể thay đổi được điều đó.