Nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi không chủ quan trước bão Noru
Thông tin với đoàn công tác, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đang chủ động các phương án ứng phó trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền. Tỉnh cũng đã quán triệt các địa phương không được để xảy ra những sự cố, vấn đề do lỗi chủ quan.
Kinh nghiệm từ những cơn bão trước, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng vấn đề lo ngại nhất vẫn là sau khi cơn bão đi qua, ảnh hưởng của mưa lớn và hoàn lưu của bão nên không thể chủ quan. Một số người dân cho rằng bão đã kết thúc và về nhà, vẫn liều lĩnh đi qua các khu vực nguy hiểm dù đã đặt biển cảnh báo. Tỉnh Quảng Ngãi cương quyết sẽ không để xảy ra những trường hợp như vậy bằng việc chỉ đạo lực lượng dân quân chốt chặn ở những địa điểm này.
"Điều quan tâm nhất là bảo đảm tính mạng cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản. Quảng Ngãi đặc biệt chú trọng đến 5 huyện miền núi và huyện đảo Lý Sơn. Lý Sơn được xác định là vùng đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng của bão nên ngày hôm qua, lực lượng quân đội đã giúp cho bà con chằng chống nhà cửa và thực hiện các phương án ứng phó. Đến chiều nay, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo cho các tỉnh miền núi", bà Bùi Thị Quỳnh Vân cho hay.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra khu vực neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi |
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến sáng 26/9, toàn tỉnh có 511 tàu/5.319 lao động đang hoạt động trên các vùng biển.
Cụ thể, vùng biển khu vực vịnh Bắc Bộ 128 tàu/704 lao động; vùng biển bắc Biển Đông, Hoàng Sa 87 tàu/684 lao động; Vùng biển giữa Biển Đông, Trường Sa, DKI 213 tàu/3.252 lao động; Vùng biển nam Biển Đông: 72 tàu/619 lao động; Vùng biển tỉnh Quảng Ngãi 11 tàu/60 lao động.
Tất cả các tàu, thuyền trên đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của bão và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Đối với các tàu đang ở khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa (87 tàu/ 684 lao động), hiện đang di chuyển về bờ, di chuyển xuống phía nam để tránh bão.
Đối với 5.133 tàu cá đang neo đậu tại các khu neo đậu của tỉnh được Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai lực lượng hỗ trợ ngư dân neo cột tàu thuyền bảo đảm an toàn. Các lực lượng vũ trang gồm quân sự, công an sẵn sàng lực lượng, phương tiện để hỗ trợ chính quyền các địa phương và người dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.
Các lực lượng chức năng cần nhanh chóng triển khai lực lượng hỗ trợ ngư dân neo cột tàu thuyền bảo đảm an toàn |
Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại công trình hồ chứa Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Công trình có tổng dung tích 344 triệu mét khối nước.
Đến 9 giờ sáng nay, hồ chứa Phú Ninh đạt hơn 22 mét, trên mực nước dâng bình thường 32 mét, đạt tỷ lệ 10% dung tích hữu ích. Báo cáo với Bộ trưởng, Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã lên kế hoạch sơ tán 182 ngàn người trong trường hợp bão mạnh, hơn 400 ngàn người trong trường hợp siêu bão. Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 9 giờ ngày 27/9. Hiện cả tỉnh còn 87 tàu cá với hơn 2500 lao động trên biển.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao tinh thần chủ động của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi trong ứng phó với bão. Bộ trưởng cho biết đây là cơn bão lớn, ảnh hưởng rộng, mong muốn các tỉnh huy động các lực lượng xung kích, tình nguyện, chủ động mọi kịch bản để ứng phó với bão.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị người dân không được chủ quan. Đối với khu vực biển, các địa phương có thể chủ động được trong việc đối phó với tàu thuyền nhưng khu vực miền núi rất khó chủ động trong việc di dời, giảm thiểu rủi ro.
Bộ đội Biên phòng và lực lượng dân quân tự vệ triển khai lực lượng hỗ trợ ngư dân neo cột tàu thuyền bảo đảm an toàn |
“Ở các tỉnh miền Trung này ảnh hưởng khu vực miền núi là khó lường, không chủ động được. Có thể do bà con mình chủ quan nên năm nào cũng có thiệt hại. Nhưng bà con chủ quan cũng có một phần trách nhiệm của chúng ta. Ông bà mình nói “cẩn tắc vô áy náy” vì vậy, bà con tạm dừng sinh hoạt một thời điểm nào đó thì có thể ứng phó được với cơn bão này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Hiện, các địa phương ven biển của tỉnh tiếp tục kêu gọi các tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn, đồng thời tổ chức triển khai lực lượng gia cố, chằng chống trụ sở, cơ quan, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng chống, gia cố nhà ở; chặt tỉa cành cây, gia cố pano, áp phích, triển khai xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó bão số 4 và thông báo đến người dân để sẵn sàng triển khai di dời, sơ tán theo kịch bản được xây dựng.
Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu từ ngày 26/9 phải dừng thi công tất cả các công trình, nhất là công trình ven biển, ven sông có nguy cơ sạt lở cao để bảo đảm tính mạng và tài sản. Học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 27/9. Từ 12 giờ ngày 26/9 sẽ cấm biển trên toàn tỉnh để ứng phó bão.