Nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tại Hà Nội
Nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc được tổ chức tại Hà Nội để chào mừng Quốc khánh và kỉ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bài liên quan
391 nghệ sĩ được trao danh hiệu Nhân dân, Ưu tú
Thúy Diễm thanh lịch trong vai cô nàng công sở
Tia Hải Châu, Lê Thiện Hiếu tung “Ai đưa em về” bản dance cực dễ thương
Những lý do khiến khán giả mong chờ series triệu view "Sạc pin trái tim" phát sóng trở lại
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Hồ Chí Minh sáng mãi tên Người" diễn ra vào ngày 30/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Chương trình được dàn dựng với quy mô lớn, bảo đảm tính trang trọng và tính nghệ thuật, chuyển tải cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những giá trị trường tồn của bản Di chúc mà Bác viết.
Chương 1 là những hoạt cảnh, ca khúc về những năm tháng Bác ra đi tìm đường cứu nước. Chương 2 thể hiện sự thương tiếc vô hạn của nhân dân khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.
Bên cạnh hoạt cảnh sân khấu, chương trình sẽ chiếu đoạn phim tư liệu về Bác Hồ và Di chúc của Bác. Chương 3 thể hiện những đổi thay, phát triển giàu đẹp của đất nước nhờ có Bác, có Đảng dẫn đường. Bên cạnh những hoạt cảnh, những thước phim tư liệu, chương trình quy tụ nhiều ca khúc hay về Đảng, Bác Hồ và đất nước như: "Từ Làng Sen" (Phạm Tuyên), "Bác Hồ một tình yêu bao la" (Thuận Yến), "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" (Trần Hoàn), "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" (Trần Kiết Tường), "Đất nước trọn niềm vui" (Hoàng Hà), "Bài ca Hồ Chí Minh" (Ewan Maccoll), "Người là niềm tin tất thắng" (Chu Minh)…
Tại các quận, huyện, thị xã, các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội thực hiện các chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân. Nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội tổ chức chương trình ca múa hát kết hợp với xiếc “Hà Nội trái tim rực sáng” tại trung tâm quận Hà Đông.
Chương trình gồm 3 phần là: "Hà Nội linh thiêng - hào hoa", "Hà Nội quật cường", "Khát vọng hòa bình - phát triển và hội nhập" gồm nhiều ca khúc về Hà Nội và những tiết mục xiếc được dàn dựng theo chủ đề. Nhà hát cải lương Hà Nội dàn dựng chương trình "Đất nước 74 năm mùa hoa" tại sân khấu ở khu vực Mỹ Đình, gồm nhiều ca khúc ngợi ca Tổ quốc, Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh như: "Rạng rỡ Việt Nam", "Bác Hồ ơi, muôn đời vẫn nhớ", "Bác Hồ tình yêu bao la", "Lời ca dâng Bác", "Việt Nam ơi"...
Nhà hát chèo Hà Nội sẽ tổ chức chương trình biểu diễn phục vụ bà con ở thị xã Sơn Tây. Chương trình gồm những bài hát cách mạng đi cùng năm tháng, ca ngợi quê hương, đất nước và niềm tự hào của người dân Việt Nam trong Ngày Quốc khánh.
Khu vực nhà Bát Giác thuộc không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm sẽ diễn ra hoạt động "Sắc màu văn hóa Tuyên Quang" vào cuối tuần này. Người dân Hà Nội và du khách sẽ thưởng thức các hoạt động văn hóa như: Trích đoạn các nghi lễ truyền thống, đám cưới, nghi lễ hát Then (dân tộc Tày); nghi lễ cấp sắc, đám cưới dân tộc Dao Đỏ; múa khai lộ, múa khai đèn, múa chim gâu dân tộc Cao Lan; trình diễn trang phục; trình diễn, giới thiệu quy trình, cách chế biến ẩm thực tiêu biểu...
Nhà hát Tuổi trẻ diễn "Tin ở hoa hồng" từ kịch bản của Lưu Quang Vũ tối 31/8. Vở "Cậu Vanya" là tác phẩm hợp tác giữa nghệ sĩ nhà hát với Nhà hát Không tường của Nhật Bản.
Show "Thế giới bong bóng" của huyền thoại Fan Yang. Huyền thoại bong bóng đưa nhiều tiết mục mới vào sân khấu cho thiếu nhi tại Times City. Dự kiến sân khấu cho thiếu nhi này sau này khi được hoàn thiện có nhiều hạng mục từ vui chơi giải trí, trải nghiệm tạo bong bóng cho đến khu vực dạy kỹ năng cho trẻ.
Chợ vùng cao “Về miền cao nguyên đá”, từ ngày 30/8 - 2/9 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Khoảng 300 đồng bào từ 15 dân tộc quy tụ về Làng tham gia hoạt động với chủ đề “Vui Tết độc lập”. Không gian chợ dân tộc Đông Bắc, cụ thể là chợ vùng cao Hà Giang từ mua bán, vui chơi dân ca dân vũ cho tới ẩm thực của các dân tộc như Mông, Dao, Thái, Lô Lô, Giáy, Tày. Trong số hoạt động văn hóa có hội “Vỗ mông” độc đáo của đồng bào Mông huyện Mèo Vạc, Hà Giang.
Hòa nhạc “Điều còn mãi” diễn ra dịp 2/9 hàng năm. Năm nay mở màn vào14h ngày 2/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trực tiếp trên VTV1. Chủ đề năm nay "Bay lên Việt Nam" tập trung vào tình yêu quê hương đất nước, phấn đấu xây dựng một Việt Nam hùng cường, hòa cùng không khí thời sự của đất nước cũng như khơi dậy tinh thần dân tộc vào ngày Quốc khánh. Điểm nhấn của phần khí nhạc là "Bài ca chung thủy" (Hoàng Dương) do nghệ sĩ violon Bùi Công Duy trình tấu cùng dàn nhạc. Kế đó là Biến tấu trên chủ đề "Lý ngựa ô" của Đỗ Kiên Cường và Rhapsody Việt Nam của Đỗ Hồng Quân.
Trong phần thanh nhạc dài tới 1 tiếng, có những bài hát mới toanh như "Nhà em ở lưng đồi" (Đức Trịnh). Tác phẩm "Bay lên Việt Nam" của nhạc sĩ Văn Ký cũng sẽ được dàn dựng lại công phu. Lần đầu tiên "Điều còn mãi" đưa một ca khúc rock vào trình diễn. Là người thể hiện "Tâm hồn của đá", Tùng Dương chia sẻ: “Tôi nghĩ bài của Trần Lập xứng đáng được tôn vinh đứng ngang hàng với các tác phẩm của các cây đại thụ của nền âm nhạc Việt. Những tác phẩm của anh cũng như Bức Tường đã trở nên quen thuộc với rất nhiều thế hệ sinh viên. Họ thực sự đã đi vào huyền thoại”.
Chùm ca khúc thiếu nhi "kinh điển" của nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ được dàn dựng công phu và mới lạ với sự thể hiện của hợp xướng Cung Thiếu nhi Hà Nội. Ngoài những gương mặt quen thuộc như Đăng Dương, Trọng Tấn, Tùng Dương, Lê Anh Dũng, Đào Tố Loan, chương trình năm nay còn có sự trở lại của Phạm Khánh Ngọc, Đào Mác cùng những giọng hát lần đầu tham gia: Phạm Thùy Dung, Trần Hồng Nhung, Dương Hoàng Yến.