Nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ lớn nhưng ít quy trình giải quyết công việc nội bộ
Thiếu quy trình nội bộ dẫn tới ảnh hưởng tới công việc chung
Giám sát của HĐND TP Hà Nội nêu rõ, trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, vẫn còn một số cơ chế, chính sách chưa ban hành hoặc còn chậm ban hành so với chỉ đạo cũng như kế hoạch chung.
Hằng năm, Sở Tư pháp đều có văn bản đôn đốc, yêu cầu các Sở, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, song giám đốc các Sở, ngành chưa chỉ đạo triển khai, bỏ sót, thậm chí không đăng ký ban hành, đặc biệt là định mức đơn giá.
Từ việc chậm trễ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã ảnh hưởng đến công tác cải cách tài chính công.
Đại biểu tham dự kỳ họp |
Hiện nay, TP mới chỉ ban hành được 24/248 nhóm định mức kinh tế kỹ thuật đạt 9,7%; mới ban hành được 27/226 đơn giá, bằng 11,95%, do vậy ảnh hưởng đến lộ trình nâng mức tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhiều ngành, lĩnh vực còn thiếu định mức kinh tế kỹ thuật như y tế thiếu 8, khoa học công nghệ thiếu 14. Nhiều ngành thiếu đơn giá như: Khoa học công nghệ thiếu 14, Thông tin và Truyền thông 13, LĐTB&XH 18, Văn hóa và Thể thao 72, Tài nguyên và Môi trường 7, NN&PTNT 13, Công thương 84…
Bên cạnh đó, từ khi HĐND TP ban hành Nghị quyết thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP tháng 9/2022, đến nay đã 10 tháng, TP mới ban hành Quyết định ủy quyền 531 thủ tục hành chính (TTHC), đạt tỷ lệ 86,06%.
Trong 531 quyết định uỷ quyền này, có 60 thủ tục chưa hướng dẫn quy trình thực hiện. Bên cạnh đó, còn 86 TTHC chưa ban hành Quyết định ủy quyền, tỷ lệ 13,93%.
Một vấn đề khác, là việc ban hành quy trình nội bộ của các cơ quan còn hạn chế, thậm chí chưa ban hành quy trình. Cụ thể, hiện nay, TP đã ban hành Quy trình nội bộ được 485 TTHC, đạt tỷ lệ 78,6%. Chưa ban hành Quy trình nội bộ 132 TTHC, chiếm tỷ lệ 21,4%.
Nhiều cơ quan, đơn vị có phạm vi chức năng, nhiệm vụ lớn song việc xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ còn rất ít như: Sở Tài nguyên và Môi trường mới ban hành 6 quy trình trên tổng số 95 nhiệm vụ quản lý nhà nước; Sở Kế hoạch và Đầu tư mới ban hành 10 quy trình trên tổng số hơn 50 nhiệm vụ được giao.
Thiếu quy trình nội bộ dẫn tới ảnh hưởng tới công việc chung. Ví dụ như việc thực hiện thủ tục đầu tư các dự án trên địa bàn TP còn quá chậm.
Hiện nay, còn 60 dự án đã được dự nguồn nhưng chưa trình phê duyệt chủ trương đầu tư; 135 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng đến nay chưa phê duyệt được dự án đầu tư; 14 dự án chuyển tiếp bị kéo dài thời gian triển khai, đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2023 nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án để tiếp tục thực hiện và giải ngân.
Bên cạnh đó, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần còn nhiều hạn chế. Theo chấm điểm chỉ số CCHC năm 2022 thì đối với lĩnh vực cải cách TTHC, TP được 12.24/13 điểm đạt 94.15%, bị giảm 5.76% và tụt 20 bậc so với năm 2021, xếp thứ 24/63 tỉnh, TP.
Đáng lưu ý đối với lĩnh vực kế hoạch, đầu tư thì tỷ lệ hồ sơ TTHC của cấp sở được giải quyết đúng hạn còn thấp, số lượng hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn còn cao. Đối với lĩnh vực tài nguyên - môi trường thì Chỉ số “Tiếp cận đất đai” của TP đạt 6,21 điểm, giảm 9 bậc, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành.
Chỉ số tiếp cận đất đai của TP liên tục giảm và đứng gần cuối bảng xếp hạng, là do thiếu dữ liệu về đất đai, quy hoạch, tính công khai minh bạch không cao nên doanh nghiệp và người dân rất khó tiếp cận.
Quang cảnh kỳ họp |
Kết quả công tác cải cách hành chính chưa bền vững
Ngoài ra, theo phân tích chỉ số CCHC TP năm 2021, đối với lĩnh vực “Hiện đại hóa hành chính” thì TP Hà Nội thấp hơn so với giá trị trung bình của cả nước, xếp thứ 10/11 các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 58/63 tỉnh, TP.
Năm 2022, lĩnh vực “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” TP được 10,3/13.5 điểm, đạt 76,8% giảm 5,79% so với năm 2021, xếp thứ 33/63 tỉnh, TP; Hà Nội cũng đứng thứ 4/5 TP trực thuộc Trung ương. Đây là lĩnh vực năm thứ 3 liên tiếp có điểm chỉ số thấp nhất trong 8 nội dung thành phần của chỉ số CCHC.
Một số hệ thống phần mềm như hệ thống phần mềm xử lý văn bản, phần mềm tại bộ phận 1 cửa hiện nay còn đang chưa được hoàn thiện, vẫn phát sinh nhiều lỗi trong quá trình vận hành.
Chỉ số CCHC PARINDEX tuy có sự cải thiện cả về chỉ số và xếp hạng nhưng vẫn còn 3/8 chỉ tiêu thành phần sụt giảm.Từ năm 2020 đến nay thì chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của TP luôn tụt hạng (năm 2020 xếp thứ 9/63; năm 2021 xếp thứ 10/63, năm 2022 tụt 10 bậc, xếp thứ 20/63).
Giám sát của HĐND TP khẳng định, với sự quyết liệt và khát khao đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, Hà Nội đã có bước tiến lớn về CCHC. Sự bứt phá của TP từ vị trí thứ 10 (năm 2021) lên vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC (PAR Index) năm 2022 là minh chứng rõ nét về điều này.
Tuy nhiên, có thể thấy, kết quả công tác cải CCHC còn chưa bền vững. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm; CCHC chưa đạt yêu cầu; cải cách chế độ công vụ còn nhiều bất cập; Cải cách tài chính công; Xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số còn chậm…
Những hạn chế này rất cần được nhận diện rõ, nỗ lực khắc phục với nhiều giải pháp hiệu quả, để CCHC thực sự đồng hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.