Nhiều cơ sở nước uống đóng chai vi phạm an toàn thực phẩm
(TTTĐ) Đoàn thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội tiến hành hậu kiểm các cơ sở nước uống đóng chai trên địa bàn.
Cụ thể, tại Công ty TNHH Trọng Thái (số 6, ngõ 318, phố Ngọc Trì, Thạch Bàn, Long Biên) - cơ sở từng 2 lần bị phạt vi phạm ATVSTP, qua kiểm tra đột xuất, cơ sở đã khắc phục những lỗi vi phạm trước đó. Tuy nhiên, khu vực sản xuất vẫn để lênh láng nước do hệ thống xử lý nước chưa hiệu quả... Được biết, trong dịp hè, quận Long Biên đã kiểm tra 26 lượt/23 cơ sở, đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 7 cơ sở, yêu cầu 4 cơ sở ngừng hoạt động.
Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, Hà Nội hiện có 455 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình và vẫn còn có đơn vị chưa đăng ký cấp phép, sản xuất không bảo đảm vệ sinh. Từ nay đến hết tháng 8, Chi cục tiếp tục đợt cao điểm tái kiểm tra tại các cơ sở vi phạm. Khi phát hiện cơ sở vi phạm sẽ xử lý nghiêm và công bố rộng rãi để người dân biết.
Quy trình sản xuất nước đóng bình để bảo đảm chất lượng phải qua các bước, cụ thể là: Nước thô được lọc qua than hoạt tính để khử mùi, sau đó trao đổi ion khử các loại khoáng, lọc ngược để khử các vi sinh vật. Và khi qua hệ thống đóng chai phải là môi trường vô trùng, có tia cực tím để chống vi sinh vật. Vì vậy, nếu làm đúng các quy trình trên thì nước đóng bình đến tay người tiêu dùng không thể có giá rẻ.
Tuy nhiên, tại các cơ sở được trang bị thô sơ, điều kiện kỹ thuật không bảo đảm, các loại nước giếng khoan khi đưa vào sản xuất không được xử lý kỹ sẽ dễ có vi khuẩn E.Coli gây tiêu chảy, viêm đường ruột... Đáng lo ngại hơn, những kim loại nặng như chì, thủy ngân rất độc hại nếu không được loại bỏ, khi sử dụng lâu ngày sẽ tích lũy trong cơ thể có khả năng gây bệnh cho người sử dụng.
Với thị trường nước đóng chai như hiện nay, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội lưu ý, người tiêu dùng chỉ lựa chọn sử dụng các sản phẩm đã được công bố hợp quy và phù hợp quy định ATTP, xem nhãn mác với đầy đủ các nội dung như tên sản phẩm; tên, địa chỉ cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng của sản phẩm; thành phần cấu tạo; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; ngày sản xuất, thời gian sử dụng, thời hạn bảo quản; hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng; xuất xứ của sản phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên mua ở các cửa hàng có uy tín hoặc siêu thị…, những nơi chấp hành đầy đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm an toàn.
Phương Thu