Nhiều cửa hàng ở phố cổ Hà Nội đồng loạt treo biển sang nhượng, cho thuê
Tốc độ lây lan nhanh hơn, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh Covid-19 tại cộng đồng Hà Nội: Một nhân viên điều hành xe buýt nghi nhiễm Covid-19 Hà Nội nâng mức nguy cơ lây nhiễm Covid-19 |
Covid-19 trở lại, nhiều cửa hàng ở phố Cổ Hà Nội đồng loạt treo biển sang nhượng, cho thuê |
Theo Bộ Xây dựng, trong quý 2/2020, phân khúc mặt bằng cho thuê tại Hà Nội đang gặp khó khăn. Theo đó, giá thuê nhà mặt phố, nhà riêng tiếp tục giảm tại nhiều quận huyện từ 2-7%. Thị trường mặt bằng bán lẻ là phân khúc bất động sản chịu ảnh hưởng rất lớn khi đại dịch bắt đầu.
Trong báo cáo quý I/2020, Bộ Xây dựng cho biết, do ảnh hưởng từ đại dịch, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều mặt bằng bị trả lại hoặc các bên có sự đàm phán, điều chỉnh giảm khoảng 10-30% so với giá thuê trước đây.
Sau khi kết thúc giãn cách xã hội vào đầu tháng 5, thị trường bán lẻ tại Hà Nội đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Trên các tuyến phố trung tâm, một số mặt bằng cho thuê đã có khách thuê trở lại. Thế nhưng, chỉ trong vòng 2 tuần, kể từ khi xuất hiện các ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng từ Đà Nẵng về, nhiều căn nhà phố mặt tiền nằm trên các tuyến đường thuộc khu vực trung tâm Hà Nội như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc... đã đồng loạt đóng cửa, treo biển sang nhượng.
Tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ước tính doanh thu du lịch nửa đầu năm 2020 giảm 65%; 390 doanh nghiệp và gần 1.200 hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động.
Tại quận Ba Đình, trước khi dịch bệnh xuất hiện, giá cho thuê, sang nhượng mặt bằng ở đây khá cao. Tham khảo các website môi giới, giá cho thuê mặt bằng kinh doanh khu vực quận Ba Đình là hơn 300.000 đồng/m2/tháng. Giá này chưa bao gồm “thuế Covid-19”. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn ra, dù được giảm tiền thuê, nhiều người thuê nhà vẫn không thể tiếp tục gánh các loại chi phí, chấp nhận mất tiền cọc và trả lại mặt bằng.
Một số tuyến phố khác thuộc các quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ liêm, Hoàng Mai... cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Nhiều cửa hàng trên các tuyến phố cổ như Hàng Gai, Hàng Bè, Hàng Bạc, Đinh Liệt… đóng cửa, sang nhượng cửa hàng vì bị ảnh hưởng từ dịch Covid- 19 |
Một chủ nhà trên phố Hàng Đào cho biết, trong 1 tháng nay, nhiều địa điểm được cho thuê, nhiều vị trí được rao bán. Có những địa điểm rao bán cả tháng trời vẫn chưa "chốt" được khách vì mức giá cộng thêm tâm lý dè chừng khi kinh tế khó khăn.
Ghi nhận tại phố Hàng Bông và Hàng Da, chưa tới trăm mét đã có 3-4 cửa hàng san sát nhau treo bảng cho thuê cửa hàng.
Một chủ cửa hàng cho thuê ở phố Hàng Bè cho hay, hiện anh đang treo biển cho thuê 2 mặt bằng. Một mặt bằng 40m2, mặt tiền 4m gồm 5 tầng với giá 180 triệu đồng/tháng. Một mặt bằng nhỏ khoảng 25m2, giá thuê 25 triệu đồng/tháng.
Hầu hết khách thuê mặt bằng tại khu vực Phố cổ Hà Nội đều liên quan tới kinh doanh dịch vụ du lịch, như đồ lưu niệm, thời trang, hoặc dịch vụ ăn uống...
Trước tình hình khó khăn, nhiều chủ nhà trên phố Hàng Ngang đã chấp nhận giảm giá thuê từ 30 - 50% cho tới hết năm 2020. Thậm chí, để hút khách, nhiều chủ cho thuê chấp nhận miễn giảm 3 tháng đầu, các tháng tiếp theo giảm 30% nếu như ký hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, họ vẫn không tìm được khách thuê.
Một tiểu thương trên phố Hàng Ngang cho biết: “Người đi thuê cửa hàng đều không trụ lại được sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên. Nhà còn trụ được là không phải thuê cửa hàng, tự kinh doanh tại nhà. Bây giờ mở cửa để giữ không khí thôi chứ cả ngày chẳng có khách, khách nước ngoài du lịch cũng không có”.
Nhiều cửa hàng trên phố Tạ Hiện thưa thớt khách do dịch Covid-19 |
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, nhóm nghiên cứu của ông đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với 15 ngành nghề chính, chiếm tới 80% GDP, thì cho thấy bất động sản là một trong 8 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất dưới tác động của Covid-19.
Theo khảo sát, tổng giá trị sang nhượng bất động sản đã giảm 0,4% so với cùng kỳ trong 7 tháng đầu năm trong khi giá cổ phiếu ngành giảm tới 16% so với đầu năm, là 1 trong 10 lĩnh vực có giá cổ phiếu giảm mạnh nhất. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh do Covid-19 tăng tới 98% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện cả nhà đầu tư và người dân đang dần thay đổi lối sống, tiêu dùng, khẩu vị rủi ro. Khi đại dịch xuất hiện, họ trở nên thận trọng hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tiền mặt được coi là “vua” nên việc xuống tiền họ sẽ trở nên đắn đo hơn.
Theo các chuyên gia CBRE Việt Nam, việc trả mặt bằng tại các trung tâm thương mại diễn ra không nhiều do khách thuê nhận được hỗ trợ về việc giảm hoặc miễn giá thuê trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc trả mặt bằng kinh doanh nhà phố diễn ra phổ biến hơn, chủ yếu là từ những đơn vị kinh doanh nhà phố nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực duy trì kinh doanh dài hạn.
Trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia bất động sản nhận định, chỉ khi nào dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát và hoạt động du lịch quốc tế được khai thông trở lại thì lúc đó, thị trường bất động sản cho thuê và thị trường bán lẻ mới có sức bật, hồi phục trở lại.