Nhóm bạn trẻ với giải pháp giảm thiểu đốt rơm rạ
Ba nữ sinh trường Đại học Kinh tế là tác giả của đề tài nghiên cứu “Giảm thiểu đốt rơm rạ khu ngoại thành Hà Nội”
Bài liên quan
Xưởng thực hành đào tạo kỹ thuật ô tô của "ét vê" Cơ khí - Đại học Thủy lợi
Sinh viên được tài trợ kinh phí khởi nghiệp
Trường Đại học Mở Hà Nội vinh danh gần 300 sinh viên
Nhóm sinh viên đó có 3 bạn trẻ, gồm: Vũ Linh Chi, Trần Thu Xuân và Phạm Thị Phương cùng học tại trường Đại học Kinh tế. Các bạn đã giành được giải Nhì nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia, giải Nhất Đại học Kinh tế, dù đây là lần đầu tiên nghiên cứu về vấn đề môi trường.
Vũ Linh Chi, đại diện nhóm cho biết, khi họ bắt tay vào nghiên cứu đề tài “Giảm thiểu đốt rơm rạ khu ngoại thành Hà Nội” đã gặp rất nhiều khó khăn. Cả ba thành viên đều chưa từng tham gia nghiên cứu khoa học. Thực hiện đề tài là bài nghiên cứu phải sử dụng 2 mô hình định lượng, trong khi các đề tài khác chỉ dùng một mô hình. Chính vì vậy, để có thể cho ra kết quả cuối cùng và phân tích, nhóm phải đi khảo sát thực địa tới 3 lần. Trong khi, các thành viên đều là sinh viên năm thứ 3, với lịch học chuyên ngành dày đặc. Bên cạnh đó, địa điểm khảo sát ở ngoại thành nên việc đi lại cũng hề không thuận lợi.
Các cô gái chia sẻ, học khoa Kinh tế phát triển, chuyên ngành Kinh tế môi trường nên họ đều vô cùng thích thú những đề tài về môi trường. Với mong muốn có thể giúp không khí của Thủ đô ngày càng cải thiện hơn, đã thúc đẩy nhóm lựa chọn đề tài “Giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ ở ngoại thành Hà Nội”.
Họ nhận thấy, khi tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ mùa gây ô nhiễm không khí nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của người dân, thậm chí còn gây ách tắc, tai nạn giao thông bởi lượng khói lớn… Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra do lai xe không quan sát được đường đi do khói từ việc đốt rơm, rạ. Trong khi đó, nếu chúng ta biết cách tận dụng rơm rạ có thể đem lại lợi nhuận khổng lồ cho người nông dân, giúp cải thiện đời sống của họ.
Vì vậy, ba cô gái trẻ đều đưa ra nhận định, để có thể khắc phục được tình trạng này, điểm mấu chốt đều nằm ở người nông dân. Thay vì nghĩ ra rất nhiều các biện pháp một cách mông lung hay áp dụng các kiến thức tiên tiến ở nước ngoài mà không hề phù hợp với thực tiễn địa phương thì cần đặt ra những câu hỏi: Nguyên nhân do đâu người dân đốt rơm rạ? Liệu họ có ý thức được rằng điều đó có nguy hại cho môi trường và sức khoẻ mình không?… Từ đó mới có thể đề ra một lộ trình giảm thiểu việc đốt rơm rạ phù hợp cho người dân tại địa phương.
Sau khi tiến hành khảo sát lấy ý kiến của bà con sinh sống tại huyện Đan Phượng (Thành phố Hà Nội), nhóm nghiên cứu đề xuất ra một vài biện pháp phù hợp với địa phương bằng các kỹ thuật xử lý rơm rạ bằng enzym; sử dụng chế phẩm sinh học Trichodema; sử lý rơm rạ thành Ethanol thay thế cho xăng, dầu. Bên cạnh đó, bà con có thể trồng nấm; xử lý thành phân bón cho đất và cây trồng bằng chế phẩm sinh học; bán cho các doanh nghiệp thu gom rơm rạ; áp dụng sản xuất sạch hơn...
Đặc biệt, chính quyền địa phương cần có những phương thức truyền thông cho người dân cũng như khuyến khích đầu tư, hỗ trợ vốn và kết hợp các chính sách quản lý cho các dự án sử dụng rơm rạ vào sản xuất. Chỉ có sự vào cuộc tích cực của địa phương mới có thể giúp người dân hiểu rõ và tích cực tham gia công việc ý nghĩa này.
Vũ Linh Chi chia sẻ: “Hiện nay, chính quyền ở nhiều địa phương đã có chính sách nghiêm cấm người dân đốt rơm rạ. Tuy nhiên hiện tượng “đốt chui” vẫn luôn còn hiện hữu. Người dân vì chỉ nghĩ đến cái tiện trước mắt mà không quan tâm tới môi trường sống sẽ bị hủy hoại bởi những hành động như vậy. Vì vậy, để Hà Nội trờ thành một thành phố không khói rơm trong tương lai, điều cần làm là phổ biến các phương pháp gần gũi, dễ thực hiện mà đem lại lợi nhuận cao cho người dân để không những mang lại lợi ích cho môi trường mà giúp người dân có thêm thu nhập.
Các phương pháp như dùng chế phẩm vi sinh khiến rơm thành phân bón, trồng nấm… còn khá mới mẻ và chưa được biết tới nhưng đều nhận được ý kiến đồng tình nếu các biện pháp đó được áp dụng tại địa phương. Chính vì vậy, chúng tôi càng mong muốn công trình này không chỉ nằm trên giấy. Nếu được áp dụng trong thực tế, chúng tôi tin rằng nó sẽ tạo ra những hiệu quả thiết thực”.
Họ không chỉ mong muốn đó đơn thuần là một đề tài nghiên cứu khoa học mà nó còn được ứng dụng thực tiễn. Đại diện nhóm bày tỏ: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu chuyên sâu hơn để thu hút các nhà đầu tư đưa công trình vào thực tiễn đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Điều này sẽ mang lại những lợi ích lớn về nhiều mặt cho doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội. Bó cũng sẽ góp phần lan tỏa những việc làm tốt chó môi trường, đóng góp tích cực vào công cuộc đối phó với cấn đề biến đổi khí hậu mà Việt Nam và cộng đồng thế giới đang tích cực thực hiện”.
* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019