Như một cách lắng trầm tích văn hóa
Người Hà Nội vẫn đọc sách báo để giải trí, nâng cao kiến thức cho mình
Bài liên quan
Để sen hồ Tây vẫn ngát hương trong lòng người Tràng An...
Bài 5: Khẳng định giá trị người Hà Nội trong giai đoạn mới
Bài 1: Học Bác yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Bài 5: Sống chừng mực để đẩy lùi bệnh dịch Covid-19
Người Hà Nội thiết tha với tâm nguyện non sông liền một dải
Bài 2: Đâu rồi nét thân thiện, mến khách đặc trưng của người Hà Nội?
Nhiều người sẽ cảm thấy buồn vì tờ báo giấy không thịnh hành như xưa. Có nghĩa rằng thói quen đọc báo hay háo hức chờ tờ báo ra buổi sáng để cập nhật những tin tức nóng hổi trước giờ làm việc không còn như xưa.
Thực tế thì báo điện tử phát triển mạnh cũng có làm báo giấy suy giảm, co hẹp lại nhưng lại tạo nên những cách tiếp cận thông tin mới cho độc giả. Kéo theo đó nó phân ra những đối tượng độc giả khác nhau.
Với những người thích đọc theo kiểu truyền thống, họ vẫn trông chờ từng tờ báo ra mỗi buổi sáng. Hình ảnh những sạp báo đủ màu sắc, kiểu chữ đặc trưng cho từng ấn phẩm tấp nập khách đến mua khắp các con phố không còn. Thay vào đó là chỉ một vài địa chỉ quen thuộc và hiếm hoi nhưng lại khắc sâu vào trí nhớ của những người mua báo giấy.
Đó là sạp báo ngay trước trụ sở báo Nhân Dân ở phố Hàng Trống hay sạp báo ở phố Phan Huy Chú, gần Thông tấn xã Việt Nam. Vào mỗi buổi sáng trước giờ làm vẫn có rất nhiều người Hà Nội đến mua những tờ báo mình yêu thích rồi mới quay trở về công sở.
Các cụ hưu trí thì có thể cầm tờ báo thong thả đi ra Hồ Gươm vừa hưởng gió thiên nhiên vừa đọc báo. Có khi các cụ còn bàn luận với nhau rất gay gắt, quyết liệt về những vấn đề thời sự trong nước và thế giới. Những hình ảnh này mang đến một nhịp sống chậm rãi hơn, cổ điển hơn của Hà Nội.
Với những người thích đọc theo kiểu truyền thống, họ vẫn trông chờ từng tờ báo ra mỗi buổi sáng |
Còn với giới trẻ hoặc những người thức thời, đã làm chủ công nghệ hay đơn giản chỉ là muốn gọn nhẹ thì đã có ngay chiếc điện thoại smartphone tích hợp nhiều chức năng, trong đó có dùng để lướt web, đọc báo. Nhanh, đó là ưu điểm của những trang báo điện tử. Hơn nữa, nó còn đáp ứng được nhu cầu nhìn, ngắm nhiều hình ảnh, tiếp cận thông tin từ hình ảnh chứ không phải chỉ là những con chữ nữa.
Báo điện tử cập nhật theo giờ, bởi vậy không cần phải chờ đợi sáng sớm, độc giả có thể đọc báo bất cứ lúc nào mình thích và sở hữu ngay những thông tin mới nhất. Báo điện tử cũng tiện cho độc giả tra cứu lại những bài báo, thông tin từ nhiều năm trước để kiểm tra, đối chiếu, so sánh.
Có lẽ vì thế mà bất cứ lúc nào, sáng sớm hay giữa trưa, nửa chiều hay buổi tối, ở các quán cà phê, bên vỉa hè, trong công viên… người ta đều có thể nhìn thấy độc giả theo dõi các trang báo điện tử. Cùng với mạng xã hội, việc đọc báo càng thuận tiện hơn bởi những vấn đề nóng hổi nhất đã được bạn bè dẫn link, bàn tán, cập nhật làm rõ thêm trên các status (trạng thái) mới.
Việc chia sẻ những link bài báo này của độc giả trên mạng xã hội giúp cho thông tin đến được với đông đảo bạn đọc hơn, theo đó uy tín của tờ báo cũng vươn xa hơn. Như vậy độc giả cũng sẽ có sự lựa chọn giữa các báo cùng đưa về một vấn đề để so sánh độ tin cậy, chính xác và hấp dẫn của từng tờ báo khác nhau.
Văn hóa đọc vẫn là dòng chảy bền bỉ
Hà Nội là thành phố có nền văn hiến lâu đời. Nằm trọn trong vùng văn hóa Á Đông, người Hà Nội vẫn chuộng lối thể hiện tính cách, tình cảm một cách đằm sâu chứ không phô trương. Có lẽ vì thế, ngay cả việc đọc sách chúng ta cũng không mang ra nơi công cộng. Đó là lý do tại sao người ta hay cảm thán, phàn nàn rằng không thấy người Hà Nội nói riêng hay người Việt Nam nói chung đọc sách ở bến tàu, nhà ga, nhà chờ xe bus, sân bay…
Người ta cũng hay so sánh những ấn phẩm sách xuất bản thời bao cấp giấy xấu, mực lem nhưng mỗi lần in đến chục nghìn bản. Còn bây giờ, giấy đẹp, mực rõ, sách nhẹ tênh, nhiều lắm chỉ đến vài nghìn bản cho mỗi đầu sách. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhất là khi chúng ta hiểu rõ được vấn đề.
Ảnh minh họa |
Ngày xưa số lượng đầu sách ít, ngành xuất bản chưa phát triển rầm rộ như bây giờ. Còn ngày nay, có những ấn phẩm được dịch, xuất bản gần như song song với bản gốc tại quê hương của tác giả. Nói như thế để thấy ngành xuất bản nước ta đã cập nhật, hòa vào dòng chảy chung của thế giới.
Bên cạnh đó, sách báo cũng bị cạnh tranh bởi các loại hình giải trí khác ra đời mới hàng giờ như vũ bão. Vậy nên độc giả càng có nhiều sự lựa chọn và đọc cái gì, xem cái gì chính là ở sở thích, tầng văn hóa của mỗi người.
Với phố sách cũ Đinh Lễ chưa bao giờ vắng bóng người cả ngày lễ, tối 30 Tết, chúng ta vẫn tin rằng Hà Nội là nơi người ta mua sách, đọc sách như nhu cầu ăn mặc ở, sống, làm việc, hít thở hàng ngày. Hàng loạt các nhà sách Tiến Thọ, Tân Việt, Cá Chép, Tiền Phong, Fahasa, Phương Nam… mở ra khắp thành phố, trong các trung tâm thương mại lớn cho thấy sách chưa bao giờ là mặt hàng ế ẩm. Bây giờ, chúng ta lại có hẳn một phố sách mới - Phố sách Hà Nội 19/12 ở địa điểm đẹp như mơ, là điểm hẹn hò lý tưởng cho người yêu sách của Hà Nội bất cứ ngày nào trong tuần.
Thậm chí, lên mạng tra, chúng ta sẽ ngay lập tức tìm ra top 18 quán cà phê sách nổi tiếng của Hà Nội. Có thể kể đến Tungbook café ở Trần Quang Diệu, Floral & Book Coffee - Hoa mười giờ ở Hàng Vôi, Book’n Coffee ở Trường Chinh, Đông Tây cà phê sách ở Trần Đăng Ninh, Nest by AIA coffee ở Vincom Bà Triệu, Coffee đọc sách Hà Nội - Le Petit Café ở Hạ Hồi…
Ảnh minh họa |
Người Hà Nội đã ưa những gì trầm tĩnh, lắng sâu, sách Hà Nội cũng vậy. Việc bồi đắp tri thức, nuôi dưỡng cảm xúc từ những trang sách không cứ phải ở những chốn ồn ào, trương ra để người khác nhìn thấy. Dù vẫn biết thi thoảng chúng ta có bắt gặp ai đó đọc sách ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, ở bên bờ hồ, trong nhà sách, nhưng nhiều nhất vẫn là sách nơi phòng ngủ.
Trong mỗi gia đình ở Hà Nội nhiều nhà vẫn có những giá sách và trẻ con Hà Nội vẫn được cha mẹ mua sách tặng vào dịp năm mới, hè hay bất cứ lúc nào trong năm vì các em đọc… tốn sách. Câu lạc bộ đọc sách cùng con do nhà văn Thụy Anh sáng lập thu hút rất nhiều tình nguyện viên, các em nhỏ và các bậc phụ huynh bởi nhiều hoạt động sáng tạo và bồi đắp tình yêu với sách.