Những nữ chiến sĩ áo trắng thầm lặng nơi "tâm dịch"
Chạy đua từng giây từng phút "truy vết" các F1, F2
Trong những ngày vừa qua, dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh mẽ tại Đà Nẵng cũng như hàng loạt tỉnh thành khác. Việc truy vết, khoanh vùng cũng như tiến hành cách ly đối với những trường hợp liên quan đến ca bệnh là F1, F2 vô cùng quan trọng.
Đặc biệt, công tác xét nghiệm để xác định trường hợp dương tính sớm là một trong những mắt xích quan trọng, hạn chế việc lây lan ra cộng đồng cũng như giúp cơ quan chức năng sớm có các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19.
Phó đội trưởng Đội xét nghiệm, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Phó trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) được điều động vào Đà Nẵng |
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tăng cường chi viện nhân lực, hỗ trợ liên tục cho Đà Nẵng về điều trị, xét nghiệm, dự phòng... khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng |
Là Phó đội trưởng Đội xét nghiệm, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Phó Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) được điều động vào Đà Nẵng. PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nói: “Chưa bao giờ thực hiện nhiều mẫu xét nghiệm như thế, cường độ làm việc của các thành viên luôn quá tải”.
Đội xét nghiệm hoạt động tại Đà Nẵng gồm 3 nhóm chính gồm: Nhóm 1, triển khai truy vết về kháng thể, truy vết những trường hợp từng nhiễm Covid-19 hay chưa bằng phương pháp huyết thanh học (phương pháp Elisa). Tìm trong cộng đồng đã tồn tại những kháng thể hay chưa tức những người này đã từng nhiễm.
Nhóm huyết thanh học (Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương) trực tiếp thực hiện. Sau đó, nhóm triển khai phòng thí nghiệm huyết thanh học tại CDC Đà Nẵng. Số lượng mẫu thu thập khoảng 7.000, hiện nhóm đã xét nghiệm 5.000 mẫu, dự kiến có thể thu thập từ 10.000 - 20.000 mẫu.
Nhóm 2: Nhóm Viện Pasteur Hồ Chí Minh, nhóm xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai, Phòng xét nghiệm chẩn đoán sinh học phân tử và chuyển giao kỹ thuật cho BV Phổi Đà Nẵng.
Nhóm 3: Nhóm thực hiện trực tiếp tại CDC Đà Nẵng tiến hành xét nghiệm sinh học phân tử để xác định những ca đang nhiễm Covid-19, từ đó có biện pháp cách ly, điều trị kịp thời; Có sự tham gia trực tiếp của Viện Pasteur Nha Trang.
Các nhân viên xét nghiệm làm việc xuyên đêm ở CDC Đà Nẵng |
PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng chia sẻ: “Đội đặc nhiệm tại CDC Đà Nẵng phải làm việc liên tục trong suốt những ngày qua bởi số lượng mẫu gửi đến tăng lên từng ngày. Trước đó, mỗi ngày xét nghiệm từ 500 - 700 mẫu nhưng nhờ sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật, hệ thống máy móc tự động nên hiện tại đã thực hiện khoảng 8.000 - 10.000 mẫu/ngày”.
Làm việc đến quên cả giờ giấc
Phó Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, trước đây tại Đà Nẵng có 4 đơn vị có khả năng xét nghiệm, trong đó CDC Đà Nẵng là đơn vị phụ trách chính. Bệnh viện Đà Nẵng cũng triển khai xét nghiệm, năng lực khoảng 300 - 500 mẫu/ngày. Tuy nhiên, nhờ có sự tăng cường, chi viện nhân lực từ khắp cả nước thì tính đến nay đã xét nghiệm được khoảng 15.000 - 17.000 mẫu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng.
PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng cho biết, do lượng mẫu chuyển về lớn nên các đơn vị đã mở ra 2 khu vực để thiết lập máy móc. Chính vì vậy, việc kiểm soát chất lượng mẫu khá tốt, phân thành những khu vực chuyên biệt. Nhân sự trong đội xét nghiệm đôi lúc cũng áp lực nhưng với tinh thần chung tay cùng người dân Đà Nẵng và cả nước chống dịch nên các bác sĩ làm việc xuyên ngày đêm.
Trong mấy ngày tăng cường vào Đà Nẵng vừa qua, các chuyên gia đầu ngành đã phối hợp với nhau nhịp nhàng, hiệu quả, đơn cử như: Khoa kiểm soát bệnh hỗ trợ khâu đầu vào như nhận mẫu, phân loại mẫu rồi chuyển lên phòng thí nghiệm… “Có nhiều nhân viên làm việc đến 12h đêm mới tạm thời kết thúc công việc trong ngày nhưng sáng sớm hôm sau vẫn có mặt để thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, giờ nghỉ trưa hiếm hoi thì các nhân viên ngồi mỗi người một góc, cầm trên tay hộp cơm tranh thủ ăn lấy sức”, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng chia sẻ.
Các mẫu xét nghiệm được ghi chú rõ ràng tại CDC Đà Nẵng |
Cuối cùng, nói về bản thân, Phó Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Đây là yêu cầu của Bộ Y tế và bản thân tôi đã trải qua rất nhiều vụ dịch từ SARS (năm 2003), H5N1 (năm 2004), H1N1 (năm 2009), gần đây là ổ dịch Covid-19 tại Hà Nội từ tháng 2 đến tháng 5. Với những kinh nghiệm như vậy, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ”.