Những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống đại dịch Covid 19
Bác sỹ BV Bạch Mai đu cáng ép tim cứu sống sản phụ 2 lần ngừng tim |
Chống dịch Covid-19 như chống giặc ở Việt Nam bắt đầu bằng hai ca Covid-19 đầu tiên được phát hiện ngày 23 tháng 1 năm 2020 (ngày 29 tết) tại bệnh viện Chợ Rẫy. Họ là hai cha con người Vũ Hán, Trung Quốc. Chỉ một tuần sau đó, ngày 30 tháng 1 năm 2020, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona được thành lập do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban chỉ đạo. Một ngày sau, ngày 31/01/2020, WHO tuyên bố Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) về dịch virus corona chủng mới từ Vũ Hán Trung Quốc. Đã 4 tháng trôi qua, tính đến 6h sáng ngày 27/5, toàn thế giới đã có 5.678.242 người nhiễm virus Covid 19 ở 215 quốc gia vùng lãnh thổ, trong đó có 351.638 người chết.
Nhân loại đã từng đi qua đại dịch chết chóc nhất là Cái chết Đen từng cướp đi mạng sống của 100 triệu người vào thế kỷ 14, khiến 75 triệu người tử vong. Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 lan ra khắp châu Âu làm chết gần 50 triệu người. Một trong những căn bệnh mới nhất thời hiện đại là HIV/AIDS xuất hiện năm 1981 rồi lan truyền toàn cầu, và đã cướp đi sinh mạng của hơn 32 triệu người. Thế rồi các đại dịch: SARS, cúm H1N1, Ebola và virus Covid 19 bây giờ, số ca nhiễm tiếp tục tăng, số người chết vẫn không ngừng.
Trong số đó, có bao nhiêu bác sĩ, nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo và chết? Không ai thống kê được. Chỉ biết rằng, nếu như họ không chọn nghề y, rất có thể họ sẽ an toàn với một nghề khác, rất có thể họ còn sống và tiếp tục truyền giống nòi, và đóng góp sức lực trí tuệ cho cộng đồng, nhân loại.
Người xưa nói: “Sinh nghề tử nghiệp”. Con người sinh sống bằng nghề gì, thì chết cũng chính bằng nghề đó. Trong cuộc chiến phòng chống virus corona chủng mới thì “sinh nghề tử nghiệp” càng khốc liệt, nghiệt ngã và xót xa. Trên phạm vi toàn cầu, đã có hàng chục vạn thầy thuốc bị lây nhiễm virus corona chủng mới Vũ Hán từ bệnh nhân.
Theo Hội đồng Y tá quốc tế (ICN) toàn thế giới đã có hơn 90.000 nhân viên y tế bị lây nhiễm Covid-19. Ít nhất đã có 260 y tá bị chết. Đó là số liệu thống kê chưa đầy đủ của ICN, người ta ước lượng con số chính thức thế có thể gấp đôi. Bởi còn rất nhiều quốc gia chưa báo cáo. Nếu con số thống kê từ WHO sẽ đầy đủ hơn, dĩ nhiên số nhân viên y tế lây nhiễm, và bị chết cũng sẽ nhiều hơn, bức tranh tính mạng người làm nghề y trong cuộc chiến virus Covid cũng sẽ u ám hơn. Điều đó, càng hé lộ, càng khẳng định cuộc chiến chống dịch Covid-19 khốc liệt, hậu quả không lường, và các nhân viên y tế chính là những người bị virus corona chủng mới “đốn ngã” đầu tiên.
Ở Việt Nam, các bác sĩ nhân viên y tế cũng phải chịu sức ép, mức độ khốc liệt trước sự tấn công của virus Covid 19 cũng chẳng kém các đồng nghiệp ở nước Ý, Tây Ban Nha, Pháp và nước Mỹ. Họ là người lính xung kích, ra tuyến đầu chống giặc virus Covid-19. Theo các nhà chuyên môn: Người theo chuyên ngành truyền nhiễm đã phải xác định không loại trừ bị mắc bệnh nghề nghiệp. Nhân viên y tế làm các công việc vất vả, khẩn trương, đầy áp lực để cứu sống bệnh nhân, nhưng cũng phải biết tự bảo vệ mình để chống lây nhiễm chéo. Không một bác sĩ, nhân viên y tế chuyên nghề truyền nhiễm nào dám khẳng định trong suốt cuộc đời hành nghề mà không bị lây nhiễm từ nghề.
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương là một trong cơ sở chủ công trong tuyến đầu điều trị bệnh nhân COVID-19. Theo tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện: “Trong 3 tháng tiếp nhận điều trị 145 bệnh nhân, trong đó có 5 người rất nặng phải thở máy. Có người ngừng tim 3 lần đã cấp cứu thành công”. Công việc quá tải. Áp lực căng thẳng. Tâm lý nặng nề. Bác sĩ, nhân viên y tế lo. Người nhà cũng lo.
Trong quá trình cấp cứu, điều trị đã có hai bác sĩ ở Khoa Cấp cứu bị lây nhiễm Covid-19 thì đủ biết tâm trạng, nỗi lo lắng, và mức độ căng thẳng ở nơi tuyến đầu chống dịch. Song, không vì thế mà họ chùn bước, nản lòng, bỏ trận địa. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Giang - Phó trưởng khoa virus - ký sinh trùng không giấu diếm nỗi lòng, bộc bạch: “Mấy tháng chống dịch vừa qua, tôi có cảm giác không phân biệt được hôm nay là thứ mấy, ngày mấy; bởi vì toàn bộ thời gian lúc nào cũng ở trong bệnh viện, lúc nào cũng làm việc”. Các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, người trực thay nhau đi ăn cơm.
Có lúc diễn ra tình thế vừa ăn cơm vừa nhìn camera. Khi bệnh nhân diễn biến xấu là hò nhau bỏ cơm chạy về xử lý cùng anh em trực. Đặc biệt là suốt thời gian điều trị bệnh nhân 19 (là bác gái bệnh nhân 17), đang tiến triển tốt, thực hiện cai ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) thì ngừng tuần hoàn 3 lần. Ba lần ngừng tuần hoàn là ba lần chiến đấu với tử thần, đến nay bệnh nhân đã bình phục trong niềm vui hân hoan của gia đình biết ơn các thầy thuốc áo trắng.
Sản phụ hoàn toàn tỉnh táo sau khi được các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai tận tình cứu chữa |
Có thể nói, các bác sĩ nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch virus Covid 19 là những người có chuyên môn tốt, có lương y như từ mẫu. Bệnh nhân phi công người Anh được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần thập tử nhất sinh, dấu hiệu sinh tồn rất ít, phải chạy ECMO. Nhưng, còn nước còn tát, các cuộc hội chẩn liên viện với Bệnh viện Chợ Rẫy, các chuyên gia đầu ngành ở các chuyên khoa phía bắc và phía nam cũng tham gia hội chẩn. Tiên lượng khá dần lên, hiện nay “bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp của bệnh nhân này tạm ổn, chức năng phổi có cải thiện, đang giảm dần các thông số ECMO (đã chạy được 47 ngày) để thử cai máy, đã chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị nội khoa, hồi sức, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng”. Nếu không có sự quan tâm của nhà nước, bộ y tế, và tinh thần người thầy thuốc như mẹ hiền, thì chẳng biết tính mạng công dân người Anh ấy sẽ ra sao?
Bệnh viện Bạch Mai cũng là một trong những đơn vị trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Lần đầu tiên trong lịch sử bệnh viện bị phong tỏa, cách ly, cấm trại. Nhưng, bệnh viện còn gần 1000 bệnh nhân nặng, không thể không điều trị. Vậy là, rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế không kịp về nhà, đã phải ở lại bệnh viện luôn. Con cái gửi về cho ông bà nội ngoại. Cuộc sống gia đình đảo lộn. Vợ không được gặp chồng. Con cái xa cha mẹ. Nói chuyện với con bao giờ cũng khó nhất: Mẹ đi đâu? Sao mẹ đi lâu thế? Mẹ có nhớ con không? Bao giờ mẹ về? Chưa bao giờ bệnh viện vắng vẻ, im lìm, hiu hắt như thế. Một không khí nặng nề bao trùm với nỗi lo Bệnh viện đang là ổ dịch virus corona Vũ Hán, có tới 30 người nhiễm virus Covid 19, mà nguồn lây nhiễm chính bắt đầu từ công ty dịch vụ Trường Sinh với 22 người, thì bệnh viện có 2 điều dưỡng viên, 2 bệnh nhân, 4 người nhà chăm sóc bệnh nhân lây nhiễm”.
Áp lực quá nặng nề. Nỗi lo chồng chất lên vai. Song, cán bộ nhân viên bệnh viện vẫn kiên cường, chấp nhận đón nhận cách ly tại chỗ. Vừa chăm sóc, điều trị bệnh nhân vừa bảo vệ mình. "Chúng tôi không sợ dịch bệnh, nhưng chúng tôi chỉ lo là nếu về thì ai sẽ chăm sóc cho người bệnh”.
Ca sản phụ sinh con thứ 3, cắt tử cung do nhau bong non, bị sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy tạng được cấp cứu thành công trong những ngày nóng bỏng chống giặc Covid-19 là hình ảnh sinh động của tinh thần lương y như từ mẫu. Xe cứu thương đến cổng Bệnh viện Bạch Mai thì bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở. Một bác sĩ đứng luôn lên cáng ép tim, hỗ trợ hô hấp. Các bác sĩ khác đẩy cáng vào. Một người vừa chạy vừa theo che ô cho bệnh nhân. Như phim hành động lúc hiểm nghèo cứu người. Ca cấp cứu thành công ngoạn mục.
“Chúng tôi đi làm vì các bạn. Xin các bạn ở nhà vì chúng tôi!”. Thông điệp từ các bác sĩ, nhân viên y tế của cả nước trong tuyến đầu chống dịch virus Covid 19 như chống giặc. Đó cũng chính là mong muốn khát vọng chung tay, góp sức bảo vệ sức khỏe đồng bào đồng loại, để sự hy sinh của những chiến sĩ áo trắng không trở nên vô nghĩa. Chính phủ, và nhân dân đã sát cánh cùng ngành y tế. Chính vì vậy, nước Việt Nam ta đến nay chỉ có 327 người nhiễm Covid 19, 272 ca bình phục, chưa có ca nào tử vong, được Tổ chức Y tế thế giới đánh cao. Thành tựu vẻ vang này, có sự góp phần hy sinh quên mình của những chiến sĩ áo trắng thầm lặng.