Những sai lầm dễ gặp khi GenZ chốt nguyện vọng đại học
Liệu chúng ta có cần “dắt lưng” nhiều hơn một tấm bằng đại học? Điểm chuẩn xét tuyển kết hợp vào Đại học Kinh tế Quốc dân Điểm sàn xét tuyển của Đại học Y Hà Nội tăng nhẹ |
Nhằm giúp thí sinh có thể đưa ra quyết định đúng đắn khi đặt bút xét tuyển, Ths Nguyễn Minh Phương, Phó Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, trường Đại học Việt Nhật - Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra những sai lầm mà các bạn trẻ từng gặp phải khi đăng ký nguyện vọng đại học.
“Rải thảm” nguyện vọng, trúng nhiều trường một lúc
Cho đến thời điểm này vẫn còn rất nhiều phụ huynh và học sinh hiểu nhầm và hiểu sai quy tắc tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thí sinh thường cho rằng điểm tốt nghiệp THPT của mình có thể trúng vào các trường đại học sau khi so sánh với mức điểm chuẩn năm trước, với điểm chuẩn dự kiến thì có thể đặt nguyện vọng và trúng tuyển tất cả các trường này. Sau đó, các bạn ấy sẽ chọn học trường nào mình muốn.
Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm, do hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cho phép mỗi thí sinh đỗ một ngành, chương trình đào tạo của một trường mà thôi. Hệ thống lọc ảo sẽ kiểm tra điều kiện đỗ, trượt theo thứ tự nguyện vọng từ trên xuống cho đến khi thí sinh đỗ tại một ngành, chương trình của một trường thì sẽ dừng lại tại đó.
Điểm chuẩn năm 2022, 2023 và điểm sàn năm 2024 các ngành của trường Đại học Việt Nhật |
Đặt nhiều nguyện vọng, trúng trường nào cũng được
Thực chất, đây là những thí sinh chưa xác định được mục tiêu của mình, đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường nhằm tìm cơ hội trúng tuyển chống trượt. Tình trạng này diễn ra hàng năm, phần lớn do các sĩ tử không tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học trước đó. Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh đăng ký nguyện vọng “rải thảm” tìm cơ hội trúng tuyển, ngay cả khi đó là những ngành, chương trình mà chính thí sinh chưa có ấn tượng và chưa hiểu gì. Việc tìm hiểu rõ mục tiêu, xác định rõ con đường của mình rất quan trọng với các bạn GenZ. Tuy nhiên, đây vẫn luôn là một trong những vấn đề thường diễn ra hàng năm trong công tác tuyển sinh.
Đứng núi này trông núi nọ
Tâm lý cầu may, đứng núi này trông núi nọ thường gặp đối với các thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Ngay cả khi biết chắc mình đỗ một trường bằng điểm thi THPT, đã tìm hiểu và thích, thí sinh thường đặt trường đó xuống nguyện vọng thấp hơn, rồi chọn trường khác danh tiếng hơn, với điểm chuẩn có thể cao hơn một chút, để nếu may mắn thì sẽ trúng tuyển.
Trường Đại học Việt Nhật là nơi nuôi dưỡng những tài năng vượt trội |
Chiêu này dẫn đến thí sinh có thể trượt ở cả hai trường. Nếu trường thí sinh đã đỗ đạt đủ chỉ tiêu với các thí sinh khác đặt nguyện vọng cao hơn, thì dù điểm của thí sinh có cao hơn điểm chuẩn thì vẫn có thể bị loại do đặt nguyện vọng thấp hơn. Đây là những trường hợp đáng tiếc nhưng đều gặp phải qua các năm. Do đó, thí sinh cần xác định rõ mục tiêu và nghiêm túc với các lựa chọn của mình.
Trúng xét tuyển sớm rồi, đặt nguyện vọng thấp cũng không sao
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường đại học sử dụng các phương thức xét tuyển sớm để chiêu sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia diễn ra. Điều này dẫn đến tình trạng một thí sinh có thể trúng xét tuyển sớm ở nhiều trường với nhiều ngành, chương trình đào tạo hoặc nhiều phương thức.
Vấn đề xảy ra là khi đó thí sinh không biết nên chọn học ngành, hay trường nào; phải ra quyết định trong một khoảng thường gian không dài, cộng thêm chưa thực sự xác định rõ mục tiêu của bản thân, thí sinh có thể chọn lựa sai do đặt sai thứ tự nguyện vọng. Sau khi công bố kết quả tuyển sinh, thí sinh mới nhận ra mình trúng tuyển vào ngành, trường mình chưa thực sự thích và muốn gắn bó, gây nên tâm lý chán nản, thất vọng.
Những sai lầm thí sinh có thể gặp phải khi chốt nguyện vọng đại học |
Đợi ngày cuối cùng mới đặt nguyện vọng
Chiêu này cũng là một trong những sai lầm dẫn tới chọn sai, chọn bừa của các sĩ tử. Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh có thể đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống của Bộ trong 12 ngày, từ ngày 18/7 đến 17h00 ngày 30/7. Nhiều thí sinh cho rằng, với khoảng thời gian khá dài như vậy, có thể thảnh thơi đợi ngày cuối cùng đăng ký cũng được, thời gian còn lại nghỉ ngơi, giải tỏa căng thẳng sau những đợt ôn và thi tốt nghiệp THPT.
Đây là một suy nghĩ sai lầm mà các thí sinh hay mắc phải. Tâm lý chủ quan, nước đến chân mới nhảy, thường kéo theo hậu quả khôn lường. Việc không đầu tư thời gian tìm hiểu, chọn lựa kỹ càng do thời hạn đăng ký sắp hết, có thể dẫn tới khả năng chọn sai, chọn đại một trường nào đó của thí sinh. Mong rằng trong năm nay, tình trạng này sẽ không còn diễn ra nhiều, các bạn hãy cẩn trọng khi chốt nguyện vọng đại học.