Tag

Những sự kiện nổi bật của TP Đà Nẵng trong năm 2022

Xã hội 27/12/2022 11:51
aa
TTTĐ - Ngay từ đầu năm 2022, TP Đà Nẵng đã tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.
Thành đoàn Đà Nẵng: Xây dựng lớp thanh niên toàn diện, sáng tạo và có khát vọng vươn lên Cảng Liên Chiểu sẽ góp phần tăng vị thế vịnh Đà Nẵng trên bản đồ thế giới
Kinh tế Dà Nẵng
Kinh tế Đà Nẵng đã từng bước được phục hồi sau đại dịch COVID-19 (Ảnh: N.Dương)

Năm 2022, trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Đà Nẵng đã đoàn kết, nỗ lực triển khai hiệu quả các giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Kinh tế phục hồi sau đại dịch

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm 2022 tăng 14,05%. Đà Nẵng xếp thứ ba cả nước về tốc độ tăng GRDP và là một trong số các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, quy mô nền kinh tế thành phố năm 2022 ước đạt hơn 125.219 tỷ đồng.

Nhiều hoạt động, sự kiện và các sản phẩm dịch vụ du lịch mới được tổ chức góp phần thu hút du khách trong nước và quốc tế: Lễ hội Kinh khí cầu; Diễn đàn đường bay Châu Á; Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng 2022; Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại Nhật Bản, Ấn Độ… Đây cũng được xem là một trong những “chiến lược” góp phần làm mới các sản phẩm du lịch Đà Nẵng.

Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất theo đánh giá của Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI); Đứng thứ 3 trong Top 10 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á - Giải thưởng du lịch Châu Á 2022 và giải thưởng “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu Châu Á” năm 2022.

Ngành công nghiệp công nghệ thông tin dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố; Tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông năm 2022 đạt 16.303 tỷ đồng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 132 triệu USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ.

Về thu ngân sách, ước năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 23.578 tỷ đồng, đạt 120,1% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương là 15.595 tỷ đồng, bằng 95,4% dự toán HĐND giao.

Trung ương đã thống nhất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2023-2025 lên 83%. Với tỷ lệ này, bình quân dự kiến ngân sách thành phố sẽ có thêm khoảng 3.000 tỷ đồng/năm, ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025 cho công tác đầu tư phát triển và an sinh xã hội.

Hơn 01 năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền (Nguồn: CTTĐT Đà Nẵng)
Hơn 1 năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền (Nguồn: CTTĐT Đà Nẵng)

Cải cách hành chính xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố

Hơn một năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền... nhằm đảm bảo phát huy dân chủ ở cơ sở và tạo điều kiện cho chính quyền các cấp chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành.

Kết quả, về phân cấp đã hoàn thành 16/18 nội dung đối với 05 lĩnh vực trọng tâm; về ủy quyền, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền đối với 72/73 lĩnh vực.

Việc phân cấp, ủy quyền được đã góp phần rút ngắn quy trình, giảm trung gian, giảm thủ tục và thời gian, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, đề cao vai trò quản lý trực tiếp của cơ quan chuyên môn và cấp chính quyền quận, huyện, phường, xã.

Đà Nẵng là địa phương được Bộ Nội vụ đánh giá cao về công tác cải cách hành chính. Chỉ số cải cách hành chính PAR Index 2021 của thành phố Đà Nẵng đạt 90.25 điểm, thuộc nhóm A, xếp vị thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Đây là sự trở lại ấn tượng của thành phố Đà Nẵng sau 2 năm vắng bóng ở nhóm những địa phương dẫn đầu.

Bên cạnh đó, thành phố tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về nhiệm vụ “Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Đồng thời, thực hiện Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố tổ chức lấy ý kiến cộng đồng các đồ án quy hoạch các phân khu, tỷ lệ 1/2000: Đô thị sườn đồi; Sân bay Đà Nẵng; Trung tâm lõi xanh; Đổi mới (không bao gồm phần diện tích Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân); Cảng biển Liên Chiểu; Ven sông Hàn và bờ Đông.

Hơn 600 nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự “Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2022”
Hơn 600 nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự “Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2022” (Ảnh: Đoàn Minh)

Xúc tiến thu hút đầu tư hiệu quả

Hơn 600 nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự “Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2022” do thành phố Đà Nẵng tổ chức vào tháng 6/2022. Tại diễn đàn, 27 dự án với tổng vốn đầu tư đề xuất hơn 5,6 tỷ USD được UBND thành phố trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Chủ trương nghiên cứu đầu tư, Thông báo về việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đóng góp ý tưởng quy hoạch, Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư.

Tính đến ngày 15/11/2022, thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 10.058,93 tỷ đồng. Cấp mới 42 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 69,4 triệu USD, đạt 46,39% so với cùng kỳ năm 2021; Cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 4.169 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 21.049,5 tỷ đồng; Tăng 29,5% về số doanh nghiệp và tăng 37,5% về số vốn so với cùng kỳ; Có 2.146 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nghe giới thiệu dự án Cảng Liên Chiểu sau khi được đầu tư xây dựng sẽ dần thay thế cho Cảng Tiên Sa (Ảnh Đ.Minh)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nghe giới thiệu dự án Cảng Liên Chiểu sau khi được đầu tư xây dựng sẽ dần thay thế cho Cảng Tiên Sa (Ảnh Đ.Minh)

Khởi công xây dựng cảng biển hàng đầu khu vực

Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung được UBND thành phố tổ chức khởi công vào giữa tháng 12/2022. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.426 tỷ đồng; Trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố.

Dự án gồm đê và kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chứa 6.000-8.000 TEU.

Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung nhằm hướng tới mục tiêu nâng cấp cảng biển Liên Chiểu đáp ứng thông quan lượng hàng đến 5,0 triệu tấn/năm giai đoạn đầu và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo để giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng; Tăng cường kết nối vùng và liên vùng, phát triển bền vững kinh tế - xã hội..

Việc khởi công Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung là bước đi cụ thể, rất thiết thực để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông - Tây, Cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Khu vực cảng Liên Chiểu khá thuận lợi về kết nối giao thông, kết nối với các khu công nghiệp của thành phố. Cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng tạo, bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả khu vực Miền Trung; Đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững “phên dậu, mạng sườn” tiền tiêu cho Tổ quốc. Điều này sẽ góp phần làm tăng vị thế của vịnh Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển của Việt Nam và khu vực.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng, đơn vị thi công và đơn vị liên quan tiến hành cắt băng khánh thành dự án cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý (Ảnh: V.Q)
Lãnh đạo TP Đà Nẵng, đơn vị thi công và đơn vị liên quan tiến hành cắt băng khánh thành dự án cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý (Ảnh: V.Q)

Nhiều công trình giao thông, di tích văn hóa, lịch sử đưa vào hoạt động

Trong năm 2022, nhiều công trình, di tích văn hóa, lịch sử đã được khánh thành, đưa vào sử dụng: Di tích chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan (quận Liên Chiểu); Di tích Chiến thắng Đồn Lệ Sơn (huyện Hòa Vang); Công viên Văn hóa Khu chiến tích Gò Hà (huyện Hòa Vang); Công viên bên ngoài Nghĩa trủng Hòa Vang (quận Cẩm Lệ).

Những công trình nói trên thể hiện sự trân trọng, tôn vinh của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố trước những cống hiến, hy sinh vô cùng to lớn của các thế hệ đi trước đã ngã xuống vì hòa bình, nền độc lập tự do của dân tộc. Đây còn là những địa điểm văn hóa tâm linh, địa chỉ đỏ để các em học sinh, thanh niên tổ chức các hoạt động về nguồn, tìm hiểu, vun đắp truyền thống lịch sử và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam anh hùng, kiên trung, bất khuất.

Cùng với đó, công trình Vườn tượng APEC mở rộng và công trình cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý được khánh thành và đưa vào sử dụng, đánh dấu sự trở lại của các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn thành phố; Tạo sức bật mới, động lực để thành phố thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc kích hoạt lại các dự án phát triển hạ tầng đô thị, các dự án về kinh tế, xã hội, sự phục hồi của du lịch.

Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt
Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt

Thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội

Trong bối cảnh kinh tế, ngân sách còn nhiều khó khăn song trong năm qua, công tác an sinh xã hội được thành phố quan tâm, chú trọng. HĐND thành phố đã thông qua nhiều chính sách nhân văn, vì dân, thể hiện quyết tâm cao của chính quyền thành phố trong việc đảm bảo an sinh xã hội.

Cụ thể, thành phố hỗ trợ 100% học phí trong năm học 2022-2023 cho tất cả học sinh từ mầm non và THPT cả công lập và ngoài công lập theo mức quy định học phí của HĐND; Hỗ trợ gần 4,7 tỷ đồng mua sách giáo khoa cho 8.438 học sinh con hộ nghèo, học sinh mồ côi do COVID-19 và 4.400 học sinh con hộ cận nghèo đang học tại các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên trong năm học 2022-2023; Các chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo và người thuộc hộ thoát nghèo theo chuẩn thành phố...

Cùng với đó, thành phố ban hành chính sách hỗ trợ hỗ trợ cán bộ y tế tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập thuộc thành phố: Dành gần 27 tỷ đồng thực hiện chính sách thu hút bác sĩ cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn giai đoạn 2023-2025; Dành gần 70 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ y tế tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập trên địa bàn...

Trong năm 2022, thành phố đã triển khai hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với hơn 436 tỷ đồng; Tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Đặc biệt, thành phố đã ban hành chương trình “Không có hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025”; Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố.

Đến cuối năm 2022, số hộ nghèo còn sức lao động (chuẩn mới đa chiều) còn lại 6.438 hộ, tỷ lệ 2,14%/tổng số hộ dân. Đồng thời, thành phố hoàn thành kế hoạch hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho người có công với cách mạng năm 2022 với tổng kinh phí là 26,85 tỷ đồng.

Ma Nhai Ngũ Hành Sơn được UNESCO công nhận di sản tư liệu thế giới (Nguồn: CTTĐT Đà Nẵng)
"Ma nhai" Ngũ Hành Sơn được UNESCO công nhận di sản tư liệu thế giới (Nguồn: CTTĐT Đà Nẵng)

“Ma nhai” Ngũ Hành Sơn được công nhận di sản tư liệu thế giới

Ngày 26/11, tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra ở thành phố Andong (Hàn Quốc), Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) đã thông qua hồ sơ “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” là Di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn gồm 78 tư liệu bia ma nhai (trong đó có 76 bia chữ Hán và 2 bia chữ Nôm), nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, với nhiều thể loại như: Ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, các thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thập niên 60 của thế kỷ XX.

Bia ma nhai đa dạng về hình thức, phong cách biểu hiện; Là các tác phẩm trên đá độc đáo, ấn tượng, nhiều kiểu chữ viết như Chân, Hành, Thảo, Triện, Lệ… Đây là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động. Sự kiện này được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử như Đại Nam Nhất Thống chí, Đại Nam Thực lục, Đại Nam dư địa chí ước biên…

Bia ma nhai là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX.

Lần thứ 3 liên tiếp nhận Giải thưởng Thành phố thông minh (Nguồn: CTTĐT Đà Nẵng)
Lần thứ 3 liên tiếp nhận Giải thưởng Thành phố thông minh (Nguồn: CTTĐT Đà Nẵng)

Lần thứ 3 liên tiếp nhận Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam

Theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đây là năm thứ hai liên tiếp Đà Nẵng xếp hạng Nhất. Giá trị DTI Đà Nẵng năm 2021 đạt 0,6419, tăng 0,1545 so với năm 2020.

Đặc biệt, năm 2021, điểm số Đà Nẵng tăng 31,7% so với năm 2020 và sau 1 năm triển khai nghị quyết về chuyển đổi số, Đà Nẵng đạt điểm khá (gần 65%) so với Bộ chỉ số DTI (dùng cho nhiều năm sau).

Đà Nẵng cũng là một trong số ít các địa phương đã triển khai nhiều nền tảng số để phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số; Xã hội số trên địa bàn.

Đầu tháng 4/2022, Đà Nẵng đã ra mắt mô hình chợ 4.0. Đây là trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ.

Đà Nẵng tiếp tục được được trao giải thưởng Thành phố thông minh xuất sắc Việt Nam 2022. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng vinh dự được trao giải thưởng này.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn đạt giải thưởng chuyên đề ở các lĩnh vực: Thành phố giao thông và logistics thông minh; Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Các lĩnh vực ứng dụng thành phố thông minh đã và đang triển khai thực tế đem lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng, xã hội.

Với mục tiêu hình thành chiến lược, kế hoạch truyền thông tổng thể về chuyển đổi số của thành phố để triển khai nhất quán, xuyên suốt từ thành phố đến từng ngành, địa phương, đơn vị, UBND thành phố đã ban hành Đề án truyền thông Chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2025.

Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: 100% các địa phương có kế hoạch triển khai và đưa nội dung truyền thông về chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và bố trí kinh phí thực hiện; 100% các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đưa nội dung truyền thông về chuyển đổi số vào chương trình hoạt động hàng năm, trung hạn, dài hạn.

Cùng với đó, 100% cơ quan báo chí, cán bộ làm công tác truyền thông cơ sở được tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số; 100% các cơ quan báo chí địa phương, Cổng Thông tin điện tử thành phố, Trang thông tin điện tử Đảng bộ thành phố có chuyên mục, chuyên đề về chuyển đổi số…

Hơn 1.300 tình nguyện viên tham gia lễ phát động ra quân làm sạch bãi biển sau ảnh hưởng của bão số 5 (Ảnh Đ.Minh)
Hơn 1.300 tình nguyện viên tham gia lễ phát động ra quân làm sạch bãi biển sau ảnh hưởng của bão số 5 (Ảnh Đ.Minh)

Tập trung nguồn lực nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai

Từ ngày 13 đến 15/10, ảnh hưởng của bão số 5 (bão SONCA) đã gây mưa lớn diện rộng, nhiều nơi lượng mưa cao lịch sử, cộng thêm triều cường, dẫn đến ngập lụt lớn đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn thành phố; Ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất. 52/56 xã, phường thuộc 7 quận, huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, nhiều nơi ngập từ 0,5-1m, thậm chí có nơi ngập đến 2m.

Ảnh hưởng của bão và mưa lũ lớn đã khiến 4 người thiệt mạng; Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng số nhà bị ngập gần 70.000 nhà; Hư hỏng 74 ha rau màu; Gần 60.000 gia cầm và gia súc chết trôi; 14 trường học bị ngập, hư hỏng nặng; Trên 2.000 ô tô và 30.000 xe máy của người dân, doanh nghiệp bị ngập.

Riêng tại Nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) đã bị sở lạt nghiêm trọng tại 6 khu vực với diện tích hơn 2,2ha, trong đó có khoảng 6.100m3 đất đá tràn xuống vùi lấp, làm hư hỏng gần 700 ngôi mộ.

Ngay sau khi mưa tạnh, nước rút, lãnh đạo thành phố và các quận, huyện đã chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do thiên tai; Vận động các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức trên địa bàn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, lũ; Chủ động tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân bị nạn; Quan tâm hỗ trợ các gia đình khó khăn; Chủ động hỗ trợ, tuyệt đối không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm.

Đặc biệt, các cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 315 (Quân khu 5) và Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đã nhanh chóng triển khai lực lượng, chung tay cùng chính quyền thành phố nỗ lực khắc phục thiệt hại tại Nghĩa trang, giúp người dân tìm kiếm mồ mả người dân bị vùi lấp.

Cùng với đó, các cấp chính quyền đã tiếp nhận, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương bạn và các tổ chức, đơn vị để người dân Đà Nẵng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến trao thưởng cho các HLV, VĐV thành phố đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 31 (Nguồn: CTTĐT Đà Nẵng)
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến trao thưởng cho các HLV, VĐV thành phố đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 31 (Nguồn: CTTĐT Đà Nẵng)

Thể thao đạt nhiều thành tích ấn tượng

Đóng góp chung vào thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, lực lượng huấn luyện viên, vận động viên của Đà Nẵng gặt hái được những kết quả tốt nhất từ trước đến nay với 14 huy chương Vàng, 9 huy chương Bạc, 8 huy chương Đồng; Phá 3 kỷ lục của SEA Games.

Thành tích của thể thao Đà Nẵng tại SEA Games 31 mang tính nổi bật, đột phá về số lượng và chất lượng so với các kỳ SEA Games trước đây.

Đặc biệt, phần lớn các thành tích đạt được đều ở các bộ môn trọng điểm thuộc hệ thống thi đấu Olympic, góp phần quảng bá hình ảnh và thương hiệu Đà Nẵng trên đấu trường thể thao trong nước và quốc tế. Đồng thời, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo định hướng, đầu tư bài bản của thành phố về chiến lược phát triển thể thao thành tích cao trong nhiều năm qua.

Đọc thêm

Tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công Muôn mặt cuộc sống

Tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công

TTTĐ - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 77/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.
Tối 3/7, khu vực Bắc Bộ cục bộ có mưa rất to Môi trường

Tối 3/7, khu vực Bắc Bộ cục bộ có mưa rất to

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối 3/7 đến sáng 4/7, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 120mm.
3 nhóm nghề Hà Nội tập trung đào tạo trong 5 năm tới Muôn mặt cuộc sống

3 nhóm nghề Hà Nội tập trung đào tạo trong 5 năm tới

TTTĐ - Trong 5 năm tới, 3 nhóm nghề mà thành phố Hà Nội tập trung đào tạo theo xu hướng, nhu cầu là: Công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.
Phố Lý Thường Kiệt có thiết kế đô thị riêng Đô thị

Phố Lý Thường Kiệt có thiết kế đô thị riêng

TTTĐ - Dự án 31-35 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) chậm tiến độ liên quan đến thiết kế đô thị tuyến phố Lý Thường Kiệt. Hiện nay, đồ án này đang được triển khai, dự kiến đến tháng 8/2024 sẽ được phê duyệt.
Hà Nội: Tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2020 - 2023 vượt 6,14% Muôn mặt cuộc sống

Hà Nội: Tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2020 - 2023 vượt 6,14%

TTTĐ - Kết quả tuyển sinh đào tạo nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2023 vượt 6,14% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm góp phần quan trọng cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động Thủ đô và các tỉnh lân cận.
Nhiều hoạt động đặc sắc tại Festival nghề truyền thống Quảng Nam Muôn mặt cuộc sống

Nhiều hoạt động đặc sắc tại Festival nghề truyền thống Quảng Nam

TTTĐ - Festival nghề truyền thống - Quảng Nam 2024 với chủ đề “Sản phẩm Nghề truyền thống Quảng Nam - nâng tầm và hội nhập” sẽ chính thức diễn ra tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam từ ngày 28 - 31/8.
Các giải pháp cốt lõi mang tính khoa học và thực tiễn hữu ích Nhịp điệu cuộc sống

Các giải pháp cốt lõi mang tính khoa học và thực tiễn hữu ích

TTTĐ - Ùn tắc giao thông là vấn đề vô cùng nan giải đối với các đô thị lớn không chỉ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và còn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Từ những phân tích hết sức khoa học và thực tiễn, cuốn sách “Ùn tắc giao thông đô thị” đã nhận diện thấu đáo và đưa ra những giải pháp hữu ích, thiết thực để nhà quản lý các cấp có thể kết hợp đồng bộ, xử lý vấn đề này một cách hiệu quả và lâu dài.
Đại biểu "truy" việc xử lý cán bộ qua kiểm tra công vụ Muôn mặt cuộc sống

Đại biểu "truy" việc xử lý cán bộ qua kiểm tra công vụ

TTTĐ - Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết: Với số lượng hơn 140 nghìn cán bộ công chức và nhiều đầu mối các đơn vị thì hàng năm, Sở Nội vụ cũng chỉ kiểm tra được một số đơn vị điển hình, không thể kiểm tra được tất cả. Cho nên, trách nhiệm chủ yếu thuộc về thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.
Hà Nội hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” Muôn mặt cuộc sống

Hà Nội hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người”

TTTĐ - Sở Y tế Hà Nội ban hành Công văn số 2915/SYT-NVY về việc triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2024.
Hà Nội có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh Môi trường

Hà Nội có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ sáng sớm 3/7 đến sáng 4/7, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-70mm, cục bộ có nơi trên 120mm.
Xem thêm