Những tác phẩm nghệ thuật với chất liệu nhân văn của lịch sử
7 đơn vị nghệ thuật biểu diễn phục vụ Nhân dân Hà Nội tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc Không gian nghệ thuật sáng tạo mới cho công nghiệp văn hóa |
Đưa Điện Biên Phủ gần hơn với thiếu nhi
Hai bộ phim có độ dài 10 phút được thực hiện bởi biên kịch Phạm Thanh Hà, biên tập Nguyễn Thu Trang, đạo diễn - họa sĩ Bùi Mạnh Quang.
Hình ảnh trong hai bộ phim hoạt hình về chiến thắng Điện Biên Phủ do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thực hiện |
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Kịch bản, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết, từ nhiều năm nay, chủ trương của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam là luôn luôn dành một phần phim khai thác đề tài lịch sử. Bởi vậy, đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đề tài Hãng đã có kế hoạch triển khai.
Đặc biệt, năm nay kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, để có những bộ phim hoạt hình góp vào các tác phẩm văn học nghệ thuật kỷ niệm sự kiện trọng đại này của dân tộc, hãng đã thực hiện các công đoạn của dây truyền sản xuất từ những năm trước như xây dựng kịch bản, chuẩn bị đội ngũ sản xuất, nghiên cứ để thực hiện các khâu tiền kỳ…
Bộ phim "Lời hứa Điện Biên" xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa ông lão và cậu bé nơi chiến trường Điện Biên năm xưa. Qua câu chuyện của cựu chiến binh, cậu bé đã hiểu thêm về cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Xúc động trước lời hứa của những người chiến sĩ Điện Biên, cậu bé cùng bạn bè đã thực hiện lời hứa của thế hệ trẻ, viết tiếp truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc.
Bộ phim "Chiếc xe thồ Điện Biên" lại kể về hành trình của một cậu bé cùng chiếc xe thồ hàng trong Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Được xe thồ đưa đi thăm chiến trường xưa, cậu bé như chứng kiến toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ với những điều phi thường, những kỳ tích mà quân dân ta đã tạo nên trong chiến thắng chấn động địa cầu.
Những hình ảnh giàu sức liên tưởng
Chiến tranh đã lùi xa, thế hệ trẻ của được lớn lên, trưởng thành trong hòa bình, điều kiện kinh tế, xã hội phát triển nên hiểu biết và nhận thức về chiến tranh không giống các thế hệ cha anh đi trước. Bởi vậy, tìm ra cách kể chuyện lịch sử, về chiến tranh sao cho phù hợp nhận thức, tạo được hiệu quả là thử thách với các nhà làm phim.
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà |
“Chúng ta không thể nào nói mãi về nỗi đau thương, mất mát, dữ dội bom rơi đạn lạc song cũng không thể nào hô khẩu hiệu hay tô hồng quá khứ. Tôi chọn cách kể một cách tự nhiên, nhuần nhị, để khán giả nhỏ tuổi có thể hình dung ra những gì mà ông cha ta đã trải qua, tự hào về điều ấy; để từng thước phim có những nốt trầm, bi thương nhưng cũng có cái đẹp, lãng mạn cách mạng.
Chúng tôi mong muốn truyền tải được ý nghĩa, thông điệp nội dung thông qua những hình ảnh biểu tượng, giàu sức liên tưởng, chạm vào cảm xúc của khán giả để tăng thêm sự hấp dẫn, lôi cuốn cho bộ phim.
Hãng phim luôn xác định, khai thác các bộ phim hoạt hình về đề tài lịch sử là tạo nên những tác phẩm nghệ thuật với chất liệu, cảm xúc, cảm hứng từ những câu chuyện đẹp, giàu ý nghĩa nhân văn của lịch sử. Chúng tôi hy vọng sẽ tạo nên sự kết nối, truyền cảm hứng cho các em nhỏ lòng ham muốn tìm hiểu, cảm thấu với những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Qua đó, các em nhỏ được tiếp thêm tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào và ý thức trách nhiệm phát huy, tiếp nối truyền thống quý báu của dân tộc”, nhà biên kịch Phạm Thanh Hà cho biết.
Cái khó đối với các nhà làm phim là đặc trưng của phim hoạt hình vốn sử dụng nhiều yếu tố tưởng tượng, hư cấu, ước lệ tượng trưng… Trong khi đó, câu chuyện Điện Biên là sự kiện lịch sử có thật, trong giai đoạn gần với thực tại.
Biên kịch Phạm Thanh Hà và những người thực hiện hai bộ phim luôn trăn trở nếu kể chuyện một cách quá thực thì bộ phim hoạt hình trở thành thể loại minh họa lịch sử, rất khô khan, không hấp dẫn các em nhỏ. Nên kể thế nào vừa tôn trọng lịch sử, bật lên được tinh thần của lịch sử nhưng đồng thời phải có sự cuốn hút, hấp dẫn đặc trưng của phim hoạt hình khiến các nhà làm phim phải tìm tòi, thử nghiệm để dung hòa các yếu tố hiệu quả nhất.
Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, nhà biên kịch Phạm Thanh Hà tiết lộ: “Thông thường, mỗi bộ phim hoạt hình 10 phút được thực hiện trong 8 tháng. Ê kip làm phim nhiều hay ít phụ thuộc vào từng thể loại 2D, 3D hoặc cắt giấy.
Với 2 bộ phim về Điện Biên thuộc thể loại cắt giấy nên dây chuyền sản xuất gọn nhẹ so với các thể loại khác. Tuy nhiên, số lượng nhân vật, bối cảnh, đạo cụ rất lớn và đặc biệt là phải làm rất kỹ các yếu tố nhự trang phục, bối cảnh, cảnh đạo cụ… để thể hiện chân thực, chính xác các yếu tố lịch sử trong phim”.
Đoàn làm phim đã làm việc khẩn trương, dồn nhiều tâm huyết cũng như thời gian, công sức… để bộ phim “Chiếc xe thồ Điện Biên” hoàn thành và ra mắt dịp 7/5; còn phim “Lời hứa Điện Biên” sẽ hoàn thành vào dịp cuối năm nay.
Hãng hy vọng sẽ có những bộ phim lịch sử hay, hấp dẫn phục vụ khán giả nhỏ tuổi, góp phần giúp các em hiểu hơn về những công lao của thế hệ đi trước, để các em biến tự hào thành sức mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.