Những thay đổi về chương trình, sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021
Ảnh minh họa |
Về mục tiêu chương trình
CTGDPT cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp người học làm chủ kiến thức phổ thông; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; Có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp… nhờ đó giúp học sinh có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; Định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.
Lộ trình triển khai thực hiện
Năm học 2020 - 2021 triển khai đối với lớp 1; Năm học 2021 - 2022 triển khai lớp 2 và lớp 6; Năm học 2022 - 2023 triển khai lớp 3 và lớp 7 và lớp 10; Năm học 2023 - 2024 triển khai lớp 4 lớp 8 và lớp 11. Năm học 2024 - 2025 triển khai lóp 5 lớp 9 và lớp 12.
Năm học 2020 - 2021 triển khai ở lớp 1, nền móng cấp tiểu học là khóa học đầu tiên áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới, trong đó học sinh được học theo định hướng phát triển cả phẩm chất và năng lực, nhằm hình thành phát triển nhân cách toàn diện ở trẻ em, học không chỉ thiên về kiến thức mà còn phát triển hài hòa cả nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, thể chất, trong đó việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của trẻ được chú trọng ngay từ lớp 1.
Các môn học lớp 1
Lớp 1 CTGDPT 2018 gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Tự nhiên và xã hội; Nghệ thuật (gồm môn Âm nhạc và Mĩ thuật); Giáo dục thể chất; Hoạt động trải nghiệm.
So với chương trình tiểu học năm 2000, CTGDPT 2018 đối với cấp tiểu học thì tên các môn học lớp 1 không có thay đổi lớn. Nội dung hoạt động trải nghiệm đối với lớp 1 có 105 tiết học, trong đó 35 tiết chung cho các hoạt động tập thể chào cờ đầu tuần, 35 tiết chung cho nội dung sinh hoạt lớp cuối tuần và 35 tiết còn lại dành tìm hiểu giáo dục địa phương.
Ở lớp 1 CTGDPT 2018 giáo dục thể chất được coi trọng nhằm tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về chiều cao, thể lực, trí tuệ. CTGDPT 2018, các môn học đều đóng vai trò như nhau, mỗi môn học có tác dụng riêng góp phần hình thành nhân cách cho trẻ, do vậy cha mẹ cần quan tâm con tới việc học đều tất cả các môn học, trẻ có năng khiếu môn học nào thì tạo điều kiện cho trẻ phát huy thế mạnh về môn học đó.
Giai đoạn trẻ mới vào lớp 1 đối với môn Tiếng Việt, điều mà cha mẹ các em quan tâm là cách đánh vần, hướng dẫn đọc viết của các con, nội dung này các cha mẹ cần phối hợp giáo viên chủ nhiệm để được giúp đỡ và hướng dẫn.
Về kế hoạch giáo dục
Chương trình lớp 1 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết, các bậc phụ huynh học sinh cần nắm vững thời gian để sắp xếp công việc gia đình hợp lý, thuận tiện đưa đón.
Trẻ học cả ngày, các kiến thức hoàn thành tại lớp, do vậy các bậc cha mẹ không phải lo lắng chuyện học thêm, ngoài thời gian học tại trường, thời gian ở nhà dành cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý nhằm phát triển trí tuệ, thể lực, sức khỏe.
Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.
Dạy học 2 buổi/ngày cũng hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực học tập và góp phần giảm tải trong việc tổ chức thực hiện chương trình; đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học…
Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học
Đổi mới Chương trình đồng thời đổi mới đánh giá học sinh, mỗi học sinh chỉ kiểm tra điểm số môn Tiếng Việt và Toán giai đoạn học kỳ 1 và cuối năm học, thời gian còn lại suốt 9 tháng học sinh học tại trường, giáo viên chỉ đánh giá, nhận xét thường xuyên bằng lời kết hợp ghi vào vở khi cần thiết.
Lớp 1 là nền móng của cấp tiểu học. Khi bước vào lớp 1 thì hoạt động học tập là chủ đạo, do vậy các em phải làm quen từng bước nề nếp học tập, quy định của giáo viên như: Tư thế ngồi học, tư thế viết, cách cầm bút… Điều này cần sự quan tâm phối hợp của cha mẹ với giáo viên chủ nhiệm.
Trong quá trình học sinh học tại trường, giáo viên không chấm điểm tất cả các môn mà dành thời gian nhận xét, đánh giá và giúp đỡ kịp thời. Trong đó sự kết nối giữa phụ huynh học sinh với giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng.
Giai đoạn trẻ mới vào học lớp 1 nhất là học kỳ 1, giáo viên ít khi ghi nhận xét vào vở vì các em chưa biết đọc biết viết, giai đoạn này giáo viên chủ yếu dành thời gian nhận xét bằng lời và quan tâm giúp đỡ các em trực tiếp tại lớp.
Đổi mới cánh đánh giá và không chấm điểm thường xuyên ở lớp, do vậy, điều phụ huynh cần quan tâm là cách học tập của con, các điều kiện phục vụ học tập, động viên kịp thời các tiến bộ của trẻ dù nhỏ nhất.