Những tuyến đường, khu vực đủ điều kiện sẽ hạn chế xe máy
Tuyến đường dành riêng cho xe buýt nhanh - BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa. Ảnh: Vương Đức.
Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội Vũ Văn Viện khi trao đổi với báo chí chiều 11/3 xung quanh chủ trương phân vùng hạn chế xe máy trong khu vực nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường
- Năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết đến năm 2030 sẽ cấm xe máy hoạt động trong nội thành. Vậy tại sao ông đưa ra quan điểm “cấm xe máy càng sớm càng tốt”?
Như đã biết, ngày 4/7/2017, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Theo Nghị quyết, đến năm 2030 mới dừng hoạt động xe máy tại các quận chứ không phải cấm toàn thành phố. Sở Giao thông - Vận tải sẽ sớm xây dựng đề án công bố rõ lộ trình và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết.
Trước khi HĐND thành phố ban hành nghị quyết này, Sở Giao thông - Vận tải cùng các cơ quan của thành phố đã phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải khảo sát, đánh giá kỹ về điều kiện quản lý đô thị của các thành phố trên thế giới và khu vực để tổng kết kinh nghiệm. Đồng thời, đánh giá tình hình thực tiễn của đô thị Hà Nội, từ đó đưa ra các đề xuất. Qua đó, HĐND thành phố đã thống nhất cao với chủ trương hạn chế hoạt động xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030.
Nghị quyết HĐND TP đến năm 2030 phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận. Thế nhưng, căn cứ vào điều kiện thực tế khu vực nào đủ điều kiện (vận tải hành khách công cộng) thì có thể cấm luôn chứ không đợi đến năm 2030 mới làm đồng loạt.
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội. |
- Nhiều ý kiến cho rằng, giao thông công cộng của Hà Nội còn chưa đáp ứng nhu cầu, do đó hạn chế xe máy sẽ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân?
Xây dựng được nghị quyết đã khó, nhưng triển khai nghị quyết còn khó hơn. Dừng xe máy tại một số quận vào năm 2030 là mục tiêu, nhưng để thực hiện được mục tiêu này chúng ta phải làm rất nhiều việc. Tất cả các giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND đều phải được tiến hành đồng bộ.
Thành phố chỉ hạn chế hoạt động của xe máy khi đã có đủ các điều kiện cần thiết. Cụ thể là, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng phải phát triển đến một mức độ tương ứng nhằm mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, cải thiện môi trường sống của thành phố.
Trong lộ trình mà chúng tôi đang xây dựng sẽ thực hiện hạn chế xe máy từng bước theo tuyến, theo khu vực. Những tuyến đường, khu vực nào đủ điều kiện về phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân thì sẽ hạn chế hoạt động của xe máy.
Dự kiến có thể một trong hai tuyến phố là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi sẽ thí điểm đầu tiên trong các quận nội thành của Hà Nội. Người dân có thể sử dụng xe buýt nhanh - BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa, hoặc tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông. Trong nghiên cứu, đề án cũng tính tới việc ở một thời điểm nào đó sẽ dừng việc đăng ký xe máy mới để nhân dân cân nhắc việc mua sắm phương tiện trên cơ sở lộ trình thành phố đã đặt ra. Việc này cũng sẽ được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân.
Mục tiêu của thành phố là đến năm 2030, các chỉ tiêu về vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được từ 30 đến 35% nhu cầu đi lại của nhân dân. 80% người dân sẽ được tiếp cận phương tiện vận tải hành khách công cộng ở mức di chuyển dưới 500m và 20% còn lại sẽ kết nối bằng các hình thức khác như đi bộ, đi xe đạp, hoặc taxi.
Thực tế hiện nay, trong khu vực nội đô, xe buýt đã phủ kín, vấn đề cần thiết là phải tăng cường tính kết nối. Theo kế hoạch, trong năm 2019, thành phố sẽ mở thêm 15-20 tuyến buýt mới. Các tuyến này đa phần sẽ dùng xe buýt nhỏ để đi vào các tuyến phố có mặt cắt nhỏ, nhằm tăng khả năng kết nối và tiếp cận cho hành khách.
- Như vậy, có thể hiểu chủ trương cấm xe máy ở nội thành là vì lợi ích chung của toàn xã hội?
Việc hạn chế hoạt động xe máy vào nôi đô để giảm ùn tắc tiến tới dừng hoạt động ở các quận không phải nhằm gây khó cho người dân mà nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại và vì lợi ích chung, vì một môi trường trong sạch và một đô thị phát triển bền vững.
Với bài toàn tổng thể nếu bỏ đi 6 triệu xe máy trong nội thành thì ô nhiễm sẽ giảm đi, sức khỏe của người dân sẽ tăng lên, chi phí thuốc men sẽ giảm đi, tuổi thọ trung bình cao hơn… Mong muốn của thành phố là cái gì có lợi nhất cho xã hội thì làm chứ không phải vấn đề cá nhân. Còn cứ mỗi người một xe ra đường thì đến lúc tắc nghẽn nghiêm trọng, ô nhiễm không khí hàng ngày, hàng giờ, con em chúng ta đang phải chịu.
Thực tế, thành phố không chỉ hạn chế hoạt động xe máy, ngay cả đối với ô tô cũng kiểm soát bằng giải pháp kinh tế và phân luồng hạn chế hoạt động ở một số khu vực như tăng phí trông giữ xe khu vực trung tâm, thu phí ra vào khu vực ùn tắc.
- Trân trọng cảm ơn ông!