Những xúc cảm sâu nặng gửi tặng bạn bè và tuổi thơ của nhà văn Ma Văn Kháng.
Ma Văn Kháng viết cuốn sách bằng những cảm xúc trong trẻo của tuổi thơ, dành tặng cho chính mình, những người thầy và bạn đồng môn một thuở.
Bài liên quan
Xuất bản những câu chuyện đẹp mùa chia tay
Ra mắt bộ tiểu thuyết Fantasy dành cho độc giả tuổi trưởng thành
Ra mắt sách "Từ Dụ thái hậu" và giao lưu với nhà văn Trần Thùy Mai
Cùng Thái Kim Lan chuyện trò về "Mai rồi mưa tạnh trong xuân"
Cuốn tiểu thuyết tái hiện lại cảnh quan, không khí, tâm thế, tinh thần và cảm xúc về một thời hào hùng, chân dung thế hệ “măng non cách mạng” của giai đoạn lịch sử đặc biệt - kháng chiến chống thực dân Pháp - được khắc họa sinh động và rõ nét.
Trường Thiếu sinh quân Trung ương được thành lập năm 1949 tại An Toàn Khu, nằm trong Liên Khu Việt Bắc. Đây là nơi học tập của “các thiếu niên theo tiếng gọi yêu nước đang có mặt tại các đơn vị bộ đội, các cơ sở quốc phòng trong các nhiệm vụ trinh sát, liên lạc, văn thư, văn công… những con người trẻ tuổi đã được tôi luyện trong lửa đạn chiến tranh cần được tập trung lại để học tập bồi dưỡng, trở thành lớp người kế cận có văn hóa, có khả năng quân sự phục vụ quân đội trong tương lai.”
Tác phẩm khắc họa sinh động những chân dung thiếu niên ở trường Thiếu sinh quân một thời: Ở đó có tổ tam tam A trưởng Toàn nghiêm ngắn chỉn chu, Đoan văn hay chữ tốt giàu tình cảm, Khánh công tử đẹp trai láu lỉnh; và cũng có bộ ba tướng-sĩ-tượng Thiết Đen, Kim Diểu, Lục hạt mít nghịch ngợm; có Sáng cậu bé Tây lai cùng chú chó Jack ngộ nghĩnh…
Nhà văn Ma Văn Kháng cho biết cuốn Ký sự Tiểu thuyết "Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân" viết về giai đoạn các em thiếu niên sau thời gian góp sức cùng lớp đàn anh trên các mặt trận kháng chiến, được sự quan tâm săn sóc của Bác Hồ, Tổng Quân ủy Trung ương trở về mái trường thiếu sinh quân để học tập, rèn luyện, để sau này trở thành lớp người kế cận có trình độ quân sự và văn hóa, phục vụ cho công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Cơ sở để tạo nên cấu trúc của cuốn sách chính là các sự kiện có thật trong lịch sử biên niên của Nhà trường Thiếu sinh quân Việt Nam đã tồn tại từ đầu năm 1949 đến giữa năm 1951. Chẳng hạn: Các hoạt động chính yếu của nhà trường; Quá trình hình thành nhà trường; Tên tuổi một số cán bộ phụ trách và các học viên; Sự kiện Bác Hồ đến thăm; Trận oanh tạc của máy bay Pháp; Việc đưa các em ra nước ngoài để tiếp tục học tập rèn luyện… Tất cả đã được phục dựng một cách tuần tự, chân thật bằng nghệ thuật mang tính hiện thực.
Nhân vật chính của cuốn sách là Trọng Đoan - một thiếu niên sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản, bắt đầu cuộc đời là đội viên một Đội truyền bá vệ sinh của Cục Quân Y, trải qua bao gian khó trong học tập và rèn luyện, đặc biệt, phải đối mặt với thử thách lớn lao là sự mất mát đau thương của người cha, đã từng bước lớn lên và trưởng thành trong môi trường Thiếu sinh quân. Cùng với Đoan là Hoàng Đình Toàn, một thiếu niên chín chắn, đĩnh đạc; Lê Quang Khánh thông minh, hoạt bát trong cùng tổ tam tam.
Miêu tả lại cảnh quan, không khí sinh hoạt một thời, cuốn sách đã tập trung tạo dựng lại chân dung một lớp thiếu niên với nhiều cá tính đặc sắc. Như bộ ba tướng-sĩ-tượng Thiết đen, Kim Diểu, Lục hạt mít nghịch ngợm, hồn nhiên. Sáng, chàng Tây lai cùng con chó Jack và cả loạt bạn bè: Huy Anh, Hào, Phìn… mỗi bạn một vẻ về tính tình và tài năng.
Hình ảnh một lớp thiếu niên yêu nước, dũng cảm, trong sáng, hồn hậu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, cùng tình yêu thương chia sẻ của họ trong các biến cố bất thường (như việc bị máy bay oanh tạc, việc chuyển quân ra nước ngoài…) là ấn tượng để lại khá lâu bền cho bạn đọc khi gấp lại trang cuối cùng của cuốn sách này.
Tác phẩm cuốn độc giả qua nhiều cung bậc cảm xúc. Những phút giây xúc động sẻ chia cùng nhau nỗi nhớ nhà, san sẻ nâng đỡ nhau trong lúc yếu đau mệt mỏi, những giờ phút gay cấn khi trường bị địch tấn công, hay những khoảnh khắc căng thẳng rồi cười ra nước mắt trước những trò nghịch ngợm của bộ ba tướng-sĩ-tượng, và phút giây vỡ òa hạnh phúc của những Thiếu sinh quân nhỏ tuổi khi được gặp Bác Hồ.
Bản Khuôn U là nơi trường Thiếu sinh quân đặt trụ sở những ngày đầu tiên. Nơi đây có những người Tày tốt bụng, giàu nghĩa tình đã để lại trong lòng chàng Thiếu sinh quân Đinh Trọng Đoan nhiều lưu luyến.
Nhà văn Ma Văn Kháng |
Quê hương tuổi thơ – làng Kim Liên xưa với những nét đẹp cổ kính, giàu truyền thống văn hóa cũng được nhà văn ưu ái, dành những trang viết chất chứa niềm tự hào.
Trong cuốn sách, hình ảnh người cha tháo vát, người mẹ tảo tần - “những công dân lương thiện và quả cảm, biết hi sinh chịu đựng, giàu lòng yêu nước” cũng được tác giả khắc họa với tất cả tình yêu thương, lòng thành kính, biết ơn.
Với “niềm mong mỏi có được những trang viết lưu lại ảnh hình của một thời đã qua”, nhà văn Ma Văn Kháng đã “gạn lấy chút sức lực còn lại vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, rờ rẫm nhớ lại những gì đã trải qua… trong tâm niệm có phần bảo thủ và bất di bất dịch, rằng tiểu thuyết, chính là nơi lưu giữ hình bóng cuộc sống”.