Nợ nần chồng chất, Phát Đạt “bắn tiếng” mua khu đất đắt giá bậc nhất Đà Nẵng
Nợ cao gấp đôi vốn chủ sở hữu, Phát Đạt liên tục phải gọi vốn từ kênh trái phiếu “Ông vua” vi phạm thuế Phát Đạt nợ hơn 10.000 tỷ đồng, cao gấp đôi vốn chủ sở hữu |
Nợ phải trả phình to
Thời gian qua, một số cơ quan truyền thông đưa tin, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt, mã CK: PDR) đang trong tiến trình hoàn tất thương vụ M&A (mua bán) một dự án nằm liền kề cầu Rồng và sông Hàn, TP Đà Nẵng.
Hiện tại, doanh nghiệp chưa công bố thông tin chi tiết, chỉ biết rằng dự án này có quy mô tương đối lớn, là một trong những khu đất "kim cương" hiếm hoi còn lại trên cung đường đẹp và đắt giá bậc nhất Đà Nẵng.
Thông tin này ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới đầu tư, bởi khu đất “kim cương” ở “thành phố đáng sống nhất Việt Nam” chính là cơ hội đầu tư không thể tốt hơn đối với các ông lớn bất động sản trong và ngoài nước chứ không riêng gì Phát Đạt. Vậy, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp này ra sao?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm 2021, Phát Đạt ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.124 tỷ đồng, giảm 4,9% so với nửa đầu năm ngoái.
Trong kỳ, chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp của Phát Đạt tăng cao, trong khi chi phí bán hàng giảm sâu là những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 tăng tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 502 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Phát Đạt ghi nhận ở mức 18.717 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, khoản mục hàng tồn kho đã chiếm phần lớn cơ cấu tài sản của doanh nghiệp này với 12.016 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của Phát Đạt tập trung ở các dự án The EverRich 2 (3.603 tỷ đồng), Khu du lịch Bến Thành - Long Hải (1.988,7 tỷ đồng), Bình Dương Tower (1.595 tỷ đồng), Phước Hải (1.372 tỷ đồng), Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội (1.173 tỷ đồng), The EverRich 3 (876 tỷ đồng), Dự án Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Bình Dương, Dự án Khu Dân cư Làng nghề và Trung tâm xã Hàm Ninh…
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tỷ trọng hàng tồn kho lớn luôn là mối quan ngại ít nhiều với nhà đầu tư, do tính chất tồn lâu, chôn vốn, chi phí phát sinh.
Hay nói cách khác, nếu để tồn hàng tồn kho quá lâu thì sẽ làm ảnh hưởng không tốt tới quá trình kinh doanh do doanh nghiệp sẽ phải tốn chi phí trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho do giá trị hiện tại giảm mạnh so với giá gốc ban đầu khiến cho lợi nhuận sụt giảm.
Mặt khác, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn cho doanh nghiệp.
Tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng nợ phải trả của Phát Đạt ở mức 11.647 tỷ đồng, tăng khoảng 1.200 tỷ đồng so với đầu năm |
Cũng tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng nợ phải trả của Phát Đạt ở mức 11.647 tỷ đồng, tăng khoảng 1.200 tỷ đồng so với đầu năm, vượt hơn 4.500 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu (7.070 tỷ đồng).
Mặc dù tài sản ngắn hạn vẫn cao hơn nợ ngắn hạn, nhưng việc nợ phải trả cao hơn vốn chủ sở hữu có nghĩa là nguồn vốn của công ty được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ khi khả năng thanh toán bị đe dọa, nguy cơ phá sản vì thế cũng tăng lên.
Xoay vốn bằng trái phiếu
Hiện nay, bất động sản được ngân hàng xếp vào loại rủi ro nên tín dụng cấp vào lĩnh vực này đang bị siết chặt. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang tích cực gọi vốn bằng trái phiếu với mức lãi suất cao hơn đáng kể so với bình quân thị trường.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, Phát Đạt liên tục gọi vốn từ kênh trái phiếu với lãi suất cao để có vốn triển khai các dự án bất động sản.
Trước đó, năm 2020, Phát Đạt đã phát hành trái phiếu nhiều lần, tổng cộng trị giá hơn 500 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, công ty tiếp tục huy động hàng trăm tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu để đầu tư dự án.
Mới đây, Hội đồng quản trị Phát Đạt đã thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp lần 4 năm 2021 với tổng giá trị 230 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 1 năm kể từ ngày phát hành, lãi suất 13%/năm.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế việc liên tục huy động vốn bằng kênh trái phiếu là bình thường, bởi nhiều doanh nghiệp cũng tận dụng cách này để có vốn và nếu tình hình sản xuất kinh doanh tốt, thị trường bất động sản diễn biến thuận lợi thì doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà đầu tư khi sở hữu trái phiếu.
Ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt. (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn do quy mô năng lực tài chính hạn chế sẽ không thể trang trải được khoản nợ lớn đã phát hành. Đối với doanh nghiệp bất động sản, bên cạnh vay nợ trái phiếu thì các doanh nghiệp này còn vay ngân hàng.
Mặt khác, nếu cứ đẩy lãi suất lên cao để huy động trái phiếu với khối lượng lớn, khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn hoặc thị trường bất động sản gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn cho bản thân doanh nghiệp, cũng như tổ chức tín dụng và nhà đầu tư trái phiếu do doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tài chính vừa tiếp tục cảnh báo rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) lưu ý về việc cùng với xu hướng dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn cho bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường.
Cụ thể, về phía doanh nghiệp phát hành trái phiếu, doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ.
Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn, dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư sẽ gây bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp phát hành, việc phát hành trái phiếu phải gắn với dòng tiền và tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh, năng lực tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo khả năng trả các khoản nợ đến hạn, trong đó có trả nợ lãi, gốc trái phiếu.
Ngoài ra, khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp cần phải tuân thủ quy định của pháp luật, công bố công khai thông tin cho nhà đầu tư về tình hình tài chính, phương án sản xuất kinh doanh, điều kiện, điều khoản của trái phiếu, các cam kết kèm theo trái phiếu, sử dụng vốn đúng mục đích nêu trong phương án phát hành và định kỳ có báo cáo về tình hình tài chính, tình hình sử dụng vốn.
Về phía nhà đầu tư mua trái phiếu cần phân biệt rõ phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
“Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu”, Vụ phó Vụ Tài chính ngân hàng khuyến nghị.
Phát Đạt liên tục vi phạm pháp luật về thuế Cục Thuế TP HCM mới đây đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt, mã CK: PDR), địa chỉ trụ sở chính tại tầng 8 và 9 tháp B, tòa nhà Viettel, 285 Cách Mạng Tháng Tám, TP HCM. Theo quyết định xử phạt của ngành thuế TP HCM, Phát Đạt đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính khai sai thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ và khai sai các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp trong kỳ. Với các hành vi trên, Phát Đạt bị xử phạt hành chính 44,5 triệu đồng. Đồng thời, công ty còn bị truy thu số tiền thuế còn thiếu phải nộp vào ngân sách Nhà nước là 222,8 triệu đồng và khoản tiền chậm nộp 24,8 triệu đồng. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiền Phát Đạt dính án phạt vi phạm pháp luật về thuế, mà ngược lại doanh nghiệp này đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử lý. Vào cuối tháng 12/2019, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng đã ra quyết định xử phạt Phát Đạt vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp theo quy định tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế. Trước đó, vào tháng 1/2017, Phát Đạt cũng đã bị Cục Thuế TP HCM xử phạt, truy thu thuế hơn 800 triệu đồng do có hành vi khai sai thuế. Cũng trong năm này, công ty còn bị xử phạt vi phạm về thuế với số tiền hơn 382 triệu đồng. Không những vậy, vào tháng 9/2018, công ty tiếp tục bị ngành thuế TP HCM xử phạt và truy thu thuế khoảng 250 triệu đồng. |