Nỗi niềm của những người lính trên mặt trận chống “giặc lửa”
Mỗi người dân là một người lính cứu hỏa Chuyện tình những người lính biên ải |
“Giành cái còn lại trong cái mất”
Tình trạng cháy nổ, tai nạn giao thông và thảm họa thiên nhiên diễn ra ngày càng phức tạp và thường xuyên. Đó là lý do tại sao vai trò của lính cứu hỏa trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Họ không chỉ đối mặt với nguy hiểm từ ngọn lửa mà còn phải đối diện với những môi trường độc hại và thời tiết khắc nghiệt.
Lính cứu hỏa thường phải làm việc với tâm thế sẵn sàng trực chiến, đảm bảo có mặt kịp thời khi vừa xảy ra sự cố. Lính cứu hỏa gần như phải “lên ca” thường xuyên, do phải trực đủ đầu xe và khép kín 24/24 giờ để lúc nào cũng có thể hoạt động hết công suất.
Phun nước tại hiện trường một vụ hỏa hoạn |
“Giành cái còn lại trong cái mất”, đó là câu “tuyên ngôn” khi nói đến lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và được xem là công việc hằng ngày của người lính PCCC. Các đội cứu hỏa phải tuân thủ kỹ càng quy trình an toàn, sẵn lòng đặt mạng sống vào mối nguy hiểm để bảo vệ cộng đồng. Sự can đảm của những người lính cứu hỏa không chỉ dừng lại ở việc đối mặt với ngọn lửa hoặc những tình huống khẩn cấp mà còn phải chịu đựng tinh thần và tâm lý khi chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng và thương tâm.
Một buổi diễn tập PCCC |
Những cuộc cứu hỏa thành công không thể thiếu sự hợp tác và đồng lòng giữa các thành viên trong đội, khi cùng nhau vượt qua khó khăn, đối phó với những tình huống không ngờ. Lính cứu hỏa - những chiến binh chống cháy nổi tiếng với tinh thần đồng đội, can đảm và sự hy sinh cao cả. Đằng sau những bộ quân phục chống cháy là những người hùng vô danh luôn sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ cộng đồng.
Một vụ phối hợp giải cứu người và xe máy bị lao xuống sông |
Một thực tế phũ phàng là không phải lúc nào ra quân, những người lính cứu hỏa cũng giành chiến thắng. Đầu tháng 8/2022, sau 9 giờ chiến đấu với giặc lửa ở quán karaoke trên phố Quan Hoa (Hà Nội), với tinh thần dũng cảm, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, 3 cán bộ đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy gồm Trung tá Đặng Anh Quân, Trung úy Đỗ Đức Việt, Binh nhì Nguyễn Đình Phúc đã triển khai tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, hướng dẫn, đưa 8 người ra ngoài an toàn. Sau đó, các cán bộ, chiến sĩ quay lại, tiếp tục tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Khi nhóm lên tới tầng 4 thì cầu thang bị sập, làm đứt đường vòi chữa cháy. Trần nhà bất ngờ sập xuống, đè vào người khiến 3 người hy sinh…
Giây phút như chết lặng của một chiến sĩ PCCC đã mất đi 3 đồng đội |
Cứu hỏa không phải chỉ là một công việc thông thường mà là một niềm đam mê, trách nhiệm và tận tụy. Mỗi ngày đối mặt với những tình huống nguy hiểm và phức tạp nhưng họ không chùn bước. Cháy rừng hoành hành, đám cháy bùng phát trong các tòa nhà cao tầng hay tai nạn giao thông nghiêm trọng… lính cứu hỏa luôn đối mặt với những thách thức đáng sợ này để giữ an toàn cho cộng đồng.
Đại úy Lã Tuấn Anh (SN 1982), Phó đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp, Phòng Cảnh sát PCCC số 7 (Hà Nội), cho biết: “Sự hiểu biết của một số người dân về công tác PCCC còn hạn chế. Điều này gây không ít cản trở cho chúng tôi trong quá trình tác nghiệp. Ví dụ như, nhiều người dân chen nhau xem đám cháy, gây tắc đường khiến xe cứu hỏa không tiếp cận được hiện trường.
Thậm chí, trong một lần đi cứu hỏa còn được một người dân kéo tay hỏi rằng: “Gọi một xe chữa cháy mất bao nhiêu tiền?” khiến tôi ngỡ ngàng. Tôi vội phải giải thích với họ, việc chữa cháy hoàn toàn miễn phí, người dân không phải mất bất cứ chi phí nào nhưng trong một số trường hợp phải hợp tác với lực lượng cứu hỏa để dập tắt đám cháy”.
Sự can đảm và quyết tâm không biết mệt mỏi của những người lính cứu hỏa đã giải cứu nhiều sinh mạng và tài sản quý giá. Công việc của lính cứu hỏa không chỉ dừng lại ở việc dập tắt đám cháy. Họ còn tham gia cứu hộ trong các trường hợp tổn thương và thảm họa tự nhiên. Họ tận tâm cứu hộ trong những trận lụt lớn, động đất kinh hoàng và các vụ tai nạn khó đoán trước. Đôi khi, họ phải làm việc liên tục không ngừng nghỉ, hồi hộp không biết điều gì đang chờ đợi.
Giúp người dân hiểu rõ hơn về nguy cơ và cách ứng phó
Ngoài công việc chuyên môn, người lính cứu hỏa còn thường xuyên tham gia các chương trình giáo dục cộng đồng về phòng cháy và chữa cháy, giúp người dân hiểu rõ hơn về nguy cơ và cách ứng phó với tình huống cháy nổ. Họ là những người hùng thầm lặng, không chỉ cứu người khỏi cơn biến cố mà còn giúp đỡ cộng đồng tự bảo vệ mình.
Trung tá Nguyễn Hoàng Thành, đội trưởng đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) |
Trung tá Nguyễn Hoàng Thành, đội trưởng đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Thường Tín (Hà Nội), chia sẻ: "Cuộc đấu tranh để bảo vệ cuộc sống và tài sản của cộng đồng là công việc cao cả. Dù chúng ta phải đối mặt với những nguy hiểm và cam go nhưng không bao giờ để mất lòng tin và tinh thần. Làm lính cứu hỏa không hề dễ dàng nhưng khi nhìn thấy mỗi nụ cười, ánh mắt biết ơn từ những người chúng ta đã cứu, đó là điều làm cho tất cả những khó khăn, vất vả đều trở nên xứng đáng và ý nghĩa".
Nhìn những người lính trong bộ đồ chống cháy, ta thấy đằng sau ánh mắt kiên định là tâm hồn nhân ái và tình yêu thương vô điều kiện dành cho cộng đồng.
Lính cứu hỏa - họ là những người không bao giờ từ bỏ, không bao giờ chùn chân và không bao giờ quên đạo lý của sự hi sinh. Công việc của họ không đơn giản là làm việc mà đó là trách nhiệm cao cả với cuộc sống và sự an toàn của người dân. Hãy trân trọng và ghi nhớ sự hy sinh và cống hiến của những người lính PCCC, đó chính là những người hùng thầm lặng trong cuộc sống.