Nông dân nhanh nhậy làm nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu
Hà Nội thí điểm thành lập 3 trung tâm dịch vụ nông nghiệp |
Sự nóng lên toàn cầu dẫn tới hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra các tác động trực tiếp tới tài nguyên đất, nước, sinh vât... (các yếu tố đầu vào của ngành sản xuất nông nghiệp) gây ra những ảnh hưởng to lớn tới tình hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản và chăn nuôi... Phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu là một trong những giải pháp hữu hiệu hướng đến sự tăng trưởng bền vững.
Cùng với các địa phương trên cả nước, tại Hà Nội, nhiều mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai mang lại hiệu quả cả về kinh tế, môi trường.
Được thành lập từ năm 2002, Hợp tác xã Đan Hoài (Đan Phượng, Hà Nội) là đơn vị tiên phong hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ban đầu hợp tác xã chủ yếu chăn nuôi lợn và trồng một số loại rau màu nên hầu như chỉ làm thủ công, không áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật. Năm 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn Hợp tác xã Đan Hoài là đơn vị triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp”. Từ đó, hợp tác xã đã tìm hiểu, ứng dụng công nghệ cao trong khâu trồng và chăm sóc hoa.
Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại Hợp tác xã Đan Hoài |
Nhờ đó, hợp tác xã đã làm chủ được quy trình trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa hàng loạt đối với lan Hồ Điệp trong nhà kính và hoa ly trên đồng ruộng. Hiện tại, Hợp tác xã Đan Hoài đã có hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại chủ động sản xuất theo quy mô và phương thức công nghiệp đạt chất lượng cao.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài, hợp tác xã đã hợp tác với một số viện khoa học hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp trong nước như: Viện nghiên cứu rau quả, Di truyền nông nghiệp, Nghiên cứu miền núi phía Bắc... để học hỏi và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoa lan Hồ Điệp. Đây là loại hoa lan có vẻ đẹp độc đáo, màu sắc đa dạng và bền lâu.
Từ thành công bước đầu khi thực hiện dự án, cùng kinh nghiệm lâu năm về hoa lan Hồ Điệp, sự quan tâm, khuyến khích, chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương, thành phố Hà Nội và huyện Đan Phượng về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hợp tác xã Đan Hoài triển khai dự án sản xuất thử nghiệm cấp thành phố: Thiết kế, chế tạo, hệ thống thiết bị đồng bộ tạo môi trường phù hợp cho Lan hồ điệp ra hoa theo ý muốn, chất lượng, hiệu quả cao theo quy mô công nghiệp.
Bên cạnh việc đầu tư sản xuất hoa chất lượng cao, hàng năm, hợp tác xã đã giới thiệu và chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân, các đơn vị trong và ngoài thành phố Hà Nội. Đặc biệt, hợp tác xã đầu tư hệ thống làm lạnh, bảo quản hoa tại chỗ trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt sau thu hoạch. Nhờ sự đầu tư bài bản, những năm qua, Hợp tác xã Đan Hoài sản xuất trung bình khoảng 500.000 cây hoa hồ điệp các loại, với doanh thu từ 4-5 tỷ đồng/ năm. Trừ chi phí sản xuất, hợp tác xã thu lãi hàng trăm triệu đồng, góp phần vào phát triển kinh tế của huyện.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Bình |
Cũng giống như Hợp tác xã Đan Hoài, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Bình (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) là một trong những mô hình nông nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ cao tại địa phương. Thành công bước đầu của mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng cùa hợp tác xã đã mở ra triển vọng mới về hướng phát triển nông nghiệp sạch, thích ứng với biển đổi khí hậu gắn với nhu cầu thị trường.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Bình Nguyễn Xuân Huy, toàn bộ khu đất hợp tác xã đang triển khai trước kia là đất trồng 2 vụ lúa, nhưng hiệu quả kinh tế thấp nên nông dân bỏ hoang hóa nhiều năm. Năm 2020, hợp tác xã đã huy động thành viên góp vốn, thuê đất của các hộ dân để triển khai dự án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng cây hằng năm sang sản xuất, sơ chế, chế biến và bảo quản rau, củ quả an toàn ứng dụng công nghệ cao” trên tổng diện tích chuyển đổi hơn 7.300m2. Bắt tay vào thực hiện dự án, hợp tác xã thiết kế xây dựng hơn 3.000m2 nhà lưới, nhà màng tổng mức đầu tư trên 1,7 tỷ đồng.
Sau hơn 1 năm triển khai trồng 10.000 gốc dưa gồm 2 giống dưa Ichiba (Nhật Bản) và dưa Thiên Nữ (Đài Loan), mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Quy trình canh tác khép kín, hiện đại ứng dung công nghệ tiên tiến để luôn chủ động về nhiệt độ, độ ẩm phòng ngừa sâu bệnh hại, xung quanh có lưới chắn côn trùng và hệ thống màng lưu động có thể đóng, mở tùy điều kiện thời tiết. Toàn bộ quy trình sản xuất được đấu nối với bộ điều khiển trung tâm, tự động điều chỉnh nước tưới, bón phân, dẫn dinh dưỡng, thông gió, phun sương phù hợp từng loại cây trồng, bảo đảm môi trường lý tưởng cho cây sinh trưởng, phát triển.
Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Bình là một trong những mô hình nông nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ cao |
Trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao mang nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng, mẫu mã và giá trị thương phẩm so với canh tác dưa theo phương thức truyền thống. Trong khi đó, vòng đời sinh trưởng cây từ khi trồng cho đến khi thu hoạch chỉ vào khoảng 70 - 75 ngày, nên trong một năm có thể trồng 3 - 4 vụ.
Cùng với phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hợp tác xã đang đầu tư theo hướng kết hợp dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp sinh thái với mục đích lan tỏa sự gắn kết của con người với thiên nhiên; Hướng tới phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh vì chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Không chỉ ở Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước đang đẩy mạnh nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA). Người nông dân cũng tiếp cận và hiểu hơn về khái niệm về nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) hướng đến cải thiện sự hòa hợp giữa phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thành công của các mô hình đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực và đạt được các mục tiêu phát triển quan trọng khác trong điều kiện nhu cầu lương thực gia tăng và khí hậu thay đổi tại đất nước ta.