Tag

Nước sông Cầu ô nhiễm nặng, dưới sông cá chết, dân trên bờ lao đao

Môi trường 13/09/2018 12:31
aa
TTTĐ- Mấy năm nay, nước sông Cầu (đoạn qua tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) bị ô nhiễm, bốc mùi tanh hôi, thối tha, cá tôm không sống được, chết trắng hai bờ khiến làng chài mất kế sinh nhai. Đặc biệt, nước sông đen ngòm vẫn phải đưa vào những cánh đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nước sông Cầu ô nhiễm nặng, dưới sông cá chết, dân trên bờ lao đao

Hạ lưu sông Ngũ Huyện Khê – dòng sông được xác đinh là “hung thủ” đang từng ngày bức tử sông Cầu.

Người dân vớt lên bờ hàng tạ cá chết

Miền Bắc đang mùa mưa bão, ông Nguyễn Văn Quân (xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) thả chiếc thuyền tôn, khua mái chèo trên sông hy vọng kiếm được mẻ lưới nặng tay. Đã cuối ngày mà cá chỉ được non nửa thùng nhựa. Ông Quân lóp ngóp lên bờ, vuốt nước mưa trên mặt, thở hắt: “Ngày càng ít cá. Trước, một buổi sáng tôi đánh được 15-20kg là thường. Nay mưa lớn, tôi đi từ sáng mà chỉ được chừng này”.

Bên xã Yên Lư, anh Nguyễn Văn Huy bước lên từ bến đò nói: “Lần nào đi đò qua sông tôi cũng phải nín thở vì mùi thối, chân vịt của đò khua càng làm nước bốc mùi kinh khủng. Cứ từ bờ bên kia sang bờ bên này là váng hết đầu”. Ông Dương Văn Huyên thì thở dài: “Sông Cầu đã ô nhiễm từ lâu, nhưng phải lấy mẫu nước mang đi xét nghiệm thì mới biết. Bây giờ thì chỉ nhìn nước sông đen xì, hôi thối nồng nặc là đã biết ô nhiễm đến thế nào. Ba năm nay cá dưới sông chết bảy đợt”. Mới độ hai tuần trước, cá chết dạt vào ven bờ trắng xoá. Ông cùng bà con trong thôn mang vợt đi vớt cá lên bờ. “Có hôm chỉ mấy người trong thôn mà vớt lên bờ hàng tạ cá. Mỗi lúc đi vớt, chúng tôi phải đi ủng, đeo găng tay cao su vì nước sông dính đến đâu là ngứa đến đó” – ông Huyên nhăn mặt kể.

Trên huyện Việt Yên, xã Vân Hà nức tiếng với rượu làng Vân, gốm làng Thổ. Trải dài ven sông Cầu nên Vân Hà có cả một làng chài Nguyệt Đức. Ngoài sáu mươi tuổi, bà Nguyễn Thị Tuyên đã gắn với cái đơm, cái đó bắt cá trên sông từ tấm bé. Bà nhớ: “Ngày trước cá quẫy dưới sông không khác nào cá nuôi trong hồ. Nhưng bây giờ, lắm hôm bói cũng không được con cá nào. Những năm trước tôm sông, cá sông là đặc sản, có khi chỉ những nhà khá giả mới có tiền mua con tôm, con cá dưới sông. Nhưng bây giờ nhiều người không dám ăn nữa. Nước sông bẩn thỉu, hôi tanh, bao nhiêu chất thải độc hại tống xuống. Cá tôm ăn toàn chất độc, nên mình mà ăn cá tôm thì có khác gì nhét độc vào bụng!”. Nói thế nhưng nhìn mùa nước lên vẫn thấy tiếc, bà Tuyên sắm sửa đồ nghề đi cào hến, mà cào lên chỉ rặt những đá sỏi và rác thải.

Sau ba năm dòng sông liên tục bị nhuộm đen, cá chết hàng loạt, vừa rồi người dân các xã hạ nguồn trên địa bàn huyện Yên Dũng như xã Thắng Cương, Tư Mại, Đồng Phúc, Yên Lư đã “kêu” đến huyện. Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cử cán bộ đi xác minh thì tá hoả: Đúng là nước sông Cầu trên địa bàn các xã đó khi thì đục, lúc lại đen, bốc mùi nồng nặc, cá lớn cá bé chết dạt vào bờ. Khi Phòng TN&MT đi rà soát toàn bộ các xã nằm ven sông Cầu trên địa bàn huyện thì không thấy có nguồn xả nào ô nhiễm nặng đến mức nhuộm đen cả một quãng sông dài như thế. Không tìm được thủ phạm “giết sông”, Phòng TN&MT huyện Yên Dũng phải “kêu cứu” lên tỉnh, đề nghị rà soát kiểm tra làm rõ nguyên nhân, đánh giá mức độ ô nhiễm và có biện pháp xử lý để bà con an lòng.

“Giết chết” sông Cầu - sự đánh đổi tàn độc để lấy áo cơm

Sau khi bà con Yên Dũng kêu cứu, sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc và nhận định nguyên nhân là do nước của sông Ngũ Huyện Khê đổ vào sông Cầu qua cống tiêu Đặng Xá (trên địa bàn P.Vạn An, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Ngũ Huyện Khê vốn là con sông cung cấp nước tưới tiêu cho các hộ dân thuộc TP. Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong, Tiên Du (Bắc Ninh) trên suốt chiều dài 24km của nó. Nhưng đã nhiều năm nay, nước sông Ngũ Huyện Khê không khác nào dòng Tô Lịch của Hà Nội. Mấy trăm cơ sở sản xuất giấy của làng nghề Phong Khê, nhà máy giấy trong cụm công nghiệp Phong Khê (TP. Bắc Ninh), Phú Lâm (huyện Tiên Du), bao năm qua đã và đang ngày ngày xả thẳng nước thải công nghiệp xuống lòng Ngũ Huyện Khê.

Ông Đặng Văn Quang, nhà ở ngay dốc Đặng, gần “cống Thối” (tên bà con “đặt” cho cống tiêu Đặng Xá) cho biết, từ dòng nước phục vụ sinh hoạt cho bà con, Ngũ Huyện Khê bây giờ đã bị nước xả thải công nghiệp “giết chết”, trở thành nỗi ám ảnh, kinh hãi của các làng, xã đôi bờ. Nước sông đã ngấm cả vào mạch nước ngầm của gia đình ông cùng nhiều hộ khác. Bà con khoan giếng, nước bơm lên cũng tanh hôi, đen ngòm.

Không chỉ dòng sông, mạch nước ngầm đã ô nhiễm, mà nước ở khắp các hệ thống thuỷ lợi trong lưu vực của nó đều đen ngòm, hôi thối khủng khiếp. Trạm bơm hút nước quá đen, quá nhiều hoá chất lên, bọt trắng, bọt hồng đùn từng ụ màu trắng, màu hồng đầy chết chóc. Ông Nguyễn Văn Bảy (xóm Hạ Giang, xã Phú Lâm) đầy bức xúc: “Nước đen bẩn, đầy hoá chất này bơm lên ruộng lúa, đến khi ăn hạt cơm còn thấy nhằng nhặng đắng. Chúng tôi cũng kinh sợ, nhưng không dẫn nước kênh mương thì biết lấy nước ở đâu cho cả cánh đồng hàng trăm héc-ta của cả làng, cả xã?”. Tỉnh Bắc Ninh đã từng thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống nước thải tập trung và các biện pháp cải thiện nguồn nước sông Cầu, nhưng đến nay nước sông Cầu vẫn đang từng ngày ô nhiễm nặng hơn. “Sông Ngũ Huyện Khê ngắn thế mà chúng tôi đã khốn khổ, bây giờ “nói dại”, lỡ sông Cầu mênh mông cũng "chết" thì đời sống của bà con không biết sẽ điêu đứng nhường nào” – ông Bảy thở dài.

Việc sông Ngũ Huyện Khê (tỉnh Bắc Ninh) là nguyên nhân chính đang từng ngày “bức tử” sông Cầu rất giống câu chuyện của hai dòng sông Tô Lịch và Nhuệ Giang. Gần hai mươi năm trước, sông Nhuệ cũng trong xanh rồi thỉnh thoảng nước lại chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối, cá tôm chết đầy như tình trạng của sông Cầu hiện nay. Nước sông Nhuệ chia hai màu rõ rệt kể từ quãng sông Tô Lịch ào ào trút nước nhập dòng. Từ gần hai mươi năm trước, các phương án “cứu” Nhuệ Giang đang cơn “hấp hối” đã được đề ra, nhưng nguồn nước thải từ sông Tô Lịch và các làng nghề vẫn tống thẳng ra sông Nhuệ với mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng. Nên đến bây giờ, Nhuệ Giang đã hoàn toàn là dòng sông “chết”. Hiện nay, sông Cầu cũng đang dần bị sông Ngũ Huyện Khê nhuộm đen như thế. Sông Cầu đang “hấp hối”, nếu không nhanh chóng giải quyết từ cái gốc là những làng nghề, khu công nghiệp thải chất độc hại ra sông Ngũ Huyện Khê, nếu các địa phương không cùng chung tay trước khi quá muộn thì không chỉ dòng sông “chết”, mà đời sống của bà con cả Bắc Giang lẫn Bắc Ninh khắp lưu vực sông cũng sẽ rơi vào cùng cực.

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, đã chứng kiến bao mầm mống bệnh tật từng ngày bủa vây khắp không gian sống, ông Bảy nói như rút từng khúc ruột: “Ngày trước ăn đói mặc rét nhưng không khí trong lành. Sau này được ăn no mặc ấm, môi trường cơ bản vẫn yên lành. Còn bây giờ ăn sung mặc sướng, ăn ngon mặc đẹp nhưng là “đánh đổi” môi trường sống thì có đáng không?! Nếu không khẩn trương, quyết liệt chặn ô nhiễm từ cái gốc các làng nghề, các khu công nghiệp, thì chỉ trong nay mai chúng ta sẽ “mất” sông Cầu và nhiều con sông đang hứng chịu đầy ô nhiễm khác”.

Ông Ngô Quang Trưởng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết: Riêng nước thải mà làng giấy Phong Khê thải ra môi trường trên 20.000m3/ngày đêm nhưng hiện tại mới xử lý, thu gom được 5000m3, còn trên 15.000m3 xả thẳng ra Ngũ Huyện Khê mỗi ngày. Bắc Giang đã nhiều lần có công văn yêu cầu chấm dứt việc sông Ngũ Huyện Khê xả thải ra sông Cầu nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Hiện tại, Sở TN&MT Bắc Giang đã phải đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu do ô nhiễm môi trường liên tỉnh.

Tin liên quan

Đọc thêm

Quảng Nam: Doanh nghiệp chưa hoàn thổ mỏ vàng G60 xin không nộp phạt Xã hội

Quảng Nam: Doanh nghiệp chưa hoàn thổ mỏ vàng G60 xin không nộp phạt

TTTĐ - Công ty CP Miền Trung cho rằng đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế thuê đất tại khu vực mỏ vàng G60, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam từ năm 2008.
Bắc Bộ sáng sớm có sương mù, ngày nắng dịu Môi trường

Bắc Bộ sáng sớm có sương mù, ngày nắng dịu

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 21/11 đến đêm 22/11, khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50-120mm, có nơi trên 180mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn.
Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý giá đất Môi trường

Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý giá đất

TTTĐ - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai các nội dung quan trọng, nhằm thực thi hiệu quả Luật Đất đai 2024 và giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý giá đất, theo kết luận tại Văn bản số 599/TB-BTNMT ngày 15/10/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bắc Bộ ngày nắng, có nơi trên 30 độ C Xã hội

Bắc Bộ ngày nắng, có nơi trên 30 độ C

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới từ tối 19/11.
3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu Xã hội

3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu

TTTĐ - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 19/11/2024 về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cập nhật).
Lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới Môi trường

Lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới

TTTĐ - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 19/2024/QĐ-TTg ngày 15/11/2024 quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp.
Thông qua trình tự, thủ tục điều chỉnh xác định phân vùng môi trường Môi trường

Thông qua trình tự, thủ tục điều chỉnh xác định phân vùng môi trường

TTTĐ - Chiều 19/11, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND TP đã thông qua quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn TP Hà Nội.
Tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi ra môi trường Môi trường

Tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi ra môi trường

TTTĐ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký Công văn số 3803/UBND-TNMT về việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.
Bão số 9 đi vào khu vực Bắc Biển Đông và suy yếu thêm Môi trường

Bão số 9 đi vào khu vực Bắc Biển Đông và suy yếu thêm

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 9 tiếp tục di chuyển vào khu vực Bắc Biển Đông và suy yếu thêm.
Cơ hội phát triển làng nghề "xanh hoá", giảm thiểu ô nhiễm môi trường Môi trường

Cơ hội phát triển làng nghề "xanh hoá", giảm thiểu ô nhiễm môi trường

TTTĐ - Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngoại thành từ lâu đã trở thành vấn đề "báo động đỏ". Với các chính sách đặc thù, Luật Thủ đô năm 2024 sẽ mở ra cơ hội giúp làng nghề của Thủ đô phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Xem thêm