Nuôi biển bền vững, bảo tồn hệ sinh thái biển là trọng tâm
Quảng Ninh phát triển chiến lược nuôi biển công nghiệp Phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn Nuôi biển tự nhiên, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững |
Quang cảnh hội nghị |
Hội nghị "Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh" có gần 450 đại biểu Việt Nam và quốc tế tham dự. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh hoan chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết: Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu phao nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn ngọt.
Hết năm 2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi thành công 10 triệu quả phao xốp sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường; giữ vững tỷ lệ che phủ rừng trên 55% và là tỉnh có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất phía Bắc.
Để phát triển bền vững, tỉnh đã quy hoạch hơn 45.000ha khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gia tăng giá trị; gắn bảo tồn phát triển nguồn lợi thủy sản với phát triển du lịch dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo.
Từng vùng sẽ có cơ cấu giống phù hợp. Tỉnh phát triển các vùng nuôi biển tập trung, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại hội nghị |
Quảng Ninh sẽ chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa dựa trên kinh tế hộ, nhỏ lẻ, manh mún chạy theo sản lượng sang mô hình liên kết đa chủ thể theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm.
Chiến lược nuôi biển của Quảng Ninh là lấy nhà nông chuyên biệt làm nòng cốt, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu hướng tới đa giá trị. Tỉnh sẽ tận dụng thị trường 20 triệu khách du lịch mỗi năm để tiêu thụ và xuất khẩu tại chỗ.
Quảng Ninh cam kết đồng hành thực chất, tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, đáp ứng các nhu cầu về nguồn nhân lực, đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch… để các nhà đầu tư trong nước và quốc tế an tâm đầu tư nuôi biển lâu dài và bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị |
Nói về lý do chọn Quảng Ninh để tổ chức hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá: Thời gian qua, Quảng Ninh đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong phát triển ngành Thủy sản, đưa ngành này dần trở thành kinh tế mũi nhọn, tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển.
Với sự đồng bộ về hạ tầng, kỹ thuật, ở Quảng Ninh đã bắt đầu hình thành hệ sinh thái nuôi biển với hơn 100 hợp tác xã được thành lập trong vòng 2 năm; có những mô hình độc đáo kết hợp nuôi biển công nghệ cao với du lịch trải nghiệm. Biển Quảng Ninh ngày càng sạch hơn, đẹp hơn, trong thời gian gần đây, cá heo liên tục xuất hiện ở vùng biển này.
Nuôi biển là hướng đi, là giải pháp tháo gỡ vấn đề này. Vì vậy, Bộ NN&PTNT xác định 3 trụ cột phát triển kinh tế thủy sản gồm giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển. Làm tốt thì sẽ hóa giải bài toán của các địa phương hiện nay là thủy sản vươn đến đâu thì lại đẩy du lịch lùi xa đến đó, hoặc thủy sản mất dần đến đó, phải thống nhất nhận thức, theo đuổi đến cùng giảm khai thác, tăng nuôi trồng.
Nuôi trồng thuỷ sản trên vịnh Hạ Long |
Với quan điểm phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế việc làm cho người dân, đảm bảo sức khỏe các hệ sinh thái biển, đại dương, UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định không đánh đổi tài nguyên môi trường lấy tăng trưởng, phát triển kinh tế biển bằng mọi giá.