"Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi": Những trái bóng cuộc đời…
![]() |
(TTTĐ) Trong không khí giải Euro đang sôi sục, cuốn sách "Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi" của nhà báo Phan Đăng ra mắt viết về bóng đá Việt Nam không những không "lạc thời" mà còn khiến người yêu bóng đá Việt có thêm một món ăn tinh thần để thêm hiểu, thêm yêu bóng đá nước nhà.
![]() |
Bìa cuốn sách "Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi"
Đúng như nhà thơ Hữu Việt đã nhận xét về cuốn sách này: "Tôi cảm thấy đây là một cuộc điểm danh những sự kiện, nhân vật, điều mà bóng đá tưởng chừng đã trôi qua như một trận đấu nhưng đã được Phan Đăng ghi lại. Khi ấy, trong cuốn sách này, Phan Đăng như một người "chép sử" về bóng đá. Vì đơn giản đó là môn thể thao vua, môn thể thao thu hút tất cả những người trên hành tinh này. Ta có thể ví nó như cuộc đời. Mọi tình huống trong cuộc sống đều có thể soi chiếu, giải đáp những gì diễn ra trên sân cỏ. Cuốn sách này không chỉ là cuốn sách về bóng đá nữa mà là viết về cuộc sống". Vì thế, những trái bóng lăn trên sân cỏ chính là cuốn theo cuộc đời của mỗi cầu thủ để từ đó những thăng trầm, buồn vui, vinh quang, cay đắng, cực nhọc đều cũng lăn tròn như trái bóng.
Cuốn sách viết về những nhân vật quen thuộc của làng bóng Việt Nam như danh thủ Nguyễn Văn Vinh, Trần Văn Khánh, Trần Văn Phúc, Bầu Đức, Bầu Dũng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Triệu Quang Hà, rồi Phan Thanh Bình, Phạm Thành Lương, Mạc Hồng Quân, Phạm Văn Quyến... Nếu khán giả từng hâm mộ những thành tích, đường bóng của cầu thủ tại các trận đấu thì với những bài kí chân dung này, phần đời thường (tất nhiên đặt trong tương quan với đời bóng) của nhân vật hiện lên giúp cho độc giả thêm hiểu, thêm yêu những con người hết sức tài năng cũng hết sức bình thường ấy. Một Hồng Sơn với "số 8 danh bất hư truyền", một Nguyễn Văn Sỹ "gập ghềnh nghiệp số", một Lê Công Vinh "nếu chỉ có 1% thiên tài" để "chính cái vũ khí khổ luyện, cái tinh thần vượt khó đã khiến Lê Công Vinh từ một cầu thủ vô danh trở thành một cầu thủ vang danh". Người đọc sẽ rất thú vị với các chi tiết Công Vinh phải "cạnh tranh" với các đồng đội, chuyện Vinh quyết tâm "lấy chỗ" của Văn Quyến khi tham dự SEA Games 23 đến mức mỗi buổi tập, sau khi mọi người đã về, Vinh vẫn thường xuyên ở lại tập một mình.
Phan Đăng đã vẽ nên một Lê Huỳnh Đức - biểu tượng lớn của "thế hệ vàng", một trung phong xuất sắc, xưa nay hiếm của bóng đá Việt Nam. Một Huỳnh Đức nhiều màu sắc, nhiều gai góc và tất nhiên là "quái". Lịch sử bóng đá Việt Nam từng có không ít cầu thủ - HLV giỏi nhưng nếu chỉ giỏi một cách chân phương thì khó tồn tại lâu và thành danh ở môi trường này... Tất cả những HLV thực sự thành công với bóng đá Việt Nam như lão làng Lê Thụy Hải, rồi Hữu Thắng, Huỳnh Đức đều điển hình cho mẫu người - mẫu thầy vừa "giỏi" vừa "quái chiêu" như thế.
Độc giả không khỏi rưng rưng khi đọc đến dòng "biết gạt đi những mâu thuẫn rất đàn bà, những mâu thuẫn cỏn con mà khủng khiếp, những mâu thuẫn mà không phải người đàn bà nào cũng dẹp bỏ được để cùng chiến đấu và chiến thắng, phẩm chất "người hùng" của các cô gái Việt Nam nằm trước hết ở chỗ này". Tuy vậy, sau những chiến công vang dội, họ vẫn là những người phụ nữ với tình cảm, hoàn cảnh hết sức đời thường, quây quần với nhau ở hàng trà đá vỉa hè rồi viết nên "chuyện tình trà đá" lãng mạn.
Phan Đăng chia sẻ: "Quyển sách này đầy những khiếm khuyết, có những thứ tôi chưa hài lòng. Rất nhiều người đã viết sách về bóng đá, những cuốn sách đó khiến tôi thực sự yêu mến và xúc động. Khi đặt cạnh quyển sách của tôi với những quyển đó, tôi thấy mình thật nhỏ bé, khiêm nhường".
Cẩm Tú
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc tỉnh Ninh Thuận lần thứ 4

Tủ sách trên vai, người lính vượt chông gai bảo vệ Tổ quốc

Nhiều hoạt động ý nghĩa lan tỏa giá trị sách và văn hóa đọc

Đọc sách - con đường hướng đến thành công

Tình yêu văn hóa truyền thống qua bộ sách "Vang danh nghề cổ"

Nghệ An hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc 2025

Hấp dẫn và bổ ích chuỗi hoạt động tại Phố Sách Hà Nội

“Sách mở rộng thế giới tư duy” tôn vinh văn hóa đọc

Tình yêu Tổ quốc trong cuốn hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình
