Ôn thi môn Sinh học theo phương châm “cày nát” sách giáo khoa
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI
Bài liên quan
Môn Toán: Học sinh nên dành thời gian cho việc luyện đề thi
Thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn: Sai sót thường tập trung ở phần kỹ năng
Gia Lai: Công an vào cuộc vụ lộ đề thi môn Ngữ Văn lớp 9
Thầy Công cho rằng, ở giai đoạn nước rút trước kỳ thi, học sinh nên tìm các văn bản của Bộ GD&ĐT về giảm tải chương trình và tinh giản nội dung giảng dạy, học tập năm 2020, đánh dấu và ôn tập trọng tâm vào các nội dung thi. Các nội dung không dạy, không khuyến khích học sinh học... là không thi vào.
Từ việc giảm tải nội dung và tinh giản nội dung chương trình, học sinh xây dựng hệ thống kiến thức bằng cách tổng hợp các chương, chuyên đề thành các sơ đồ phân nhánh hình cây. Nếu cảm thấy bất kỳ nhánh nào còn yếu, còn thiếu và chưa chắc chắn thì nên ôn tập lại cẩn thận ở nhánh đó.
Bên cạnh đó, các em cần bám sát sách giáo khoa và ôn tập thật cẩn thận các nội dung lý thuyết trong sách giáo khoa. Đặc biệt là chương trình học kì I năm lớp 11 và phần di truyền của chương trình lớp 12. Các nội dung lý thuyết của phần Tiến hóa và Sinh thái lớp 12 học thật kỹ các phần còn lại sau giảm tải và tinh giản.
Theo thầy Công, ở môn Sinh học, có khoảng 70% là lý thuyết và một phần lớn trong số đó là các câu hỏi ở mức nhận biết. “Hãy tận dụng điểm của các câu hỏi này (khoảng 20 câu đầu trong đề thi), tuyệt đối không được mất điểm ở những câu nhận biết này vì nó rất dễ, học sinh hãy đọc kỹ sách giáo khoa để không bị mất điểm. Nhiều thí sinh làm bài tập khó ở phần sau rất tốt, mất vài phút thậm chí cả chục phút để giải quyết 1 bài tập khó ở phần vận dụng cao nhưng cũng chỉ được 0,25 điểm, trong khi làm ẩu những câu đầu, sai mất vài câu là mất nhiều điểm trong bài thi”, giáo viên này nhấn mạnh.
Bên cạnh học lý thuyết, các thí sinh nghiên cứu kỹ đề thi các năm trước nhất là từ năm 2017 trở lại đây và nghiên cứu kỹ các dạng câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Số lượng câu hỏi mới hoàn toàn thường không có nhiều, phổ biến vẫn là các câu hỏi cũ chỉ là thay đổi cách hỏi và nội dung câu hỏi.
Thí sinh cần có chiến thuật làm bài một cách hợp lý, tối ưu hóa việc sử dụng thời gian trong làm đề. Hãy tận dụng khoảng thời gian đầu tiên đọc và soát đề để hoàn thành khoảng 10 câu hỏi đầu tiên. Toàn bộ thời gian dành cho 30 câu đầu trong đề chỉ nên tối đa 20 phút, 10 câu cuối cùng thường là khó và rất khó nên dành cho nó 30 phút để hoàn thành.
Ngoài kiến thức, tâm lý bước vào kỳ thi cũng vô cùng quan trọng, thầy Công lưu ý học sinh ôn tập thật kỹ, cả lý thuyết, “cày nát” sách giáo khoa, chiến đấu hết các dạng bài tập phổ biến và tạo cho mình thói quen tự tin khi bước vào phòng thi. Học sinh cần chuẩn bị kỹ các đồ dùng cần thiết khi đi thi như bút, máy tính, tẩy... để không bị cuống khi quên cái gì đó. Chuẩn bị tốt về kiến thức và kỹ năng cũng như cách vật dụng, hít thở thật sâu và bình tĩnh khi đối mặt với đề, bình tĩnh làm từng câu một, các em sẽ tự tin đối mặt và chiến thắng kỳ thi.