Phát hiện sóc màu trắng tuyết hiếm gặp, nghi do “đột biến” tại Tây Nguyên
Bảo vệ động vật quý, hiếm qua tem Bưu chính |
Hình ảnh con sóc có lông màu trắng, mắt màu đỏ được người dân phát hiện tại Đắk Lắk |
Theo đó, vào khoảng 16h chiều ngày 22/8, anh Lê Việt Hùng (trú tại thôn Ea Mtha, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) trong lúc dọn dẹp nhà cửa đã bắt được một con sóc màu trắng tuyết "cực hiếm" ngay trong căn nhà của mình.
“Khi tôi đang dọn dẹp thì phát hiện một con sóc có màu nâu chạy men theo phía trần nhà. Khi tiến lại gần quan sát thì phát hiện thêm một con sóc nhỏ màu trắng đang nằm trong tổ ở cuối góc. Tuy nhiên, do phát hiện người lạ nên con sóc màu nâu (nghi sóc mẹ) đã bỏ chạy, còn con sóc nhỏ màu trắng tuyết đang được gia đình giữ lại chăm sóc”, anh Hùng chia sẻ.
Con sóc đang được gia đình anh Hùng chăm sóc, khỏe mạnh và nhanh nhẹn |
Cũng theo anh Hùng, đây là lần đầu tiên anh thấy một con sóc có màu trắng tuyết, rất lạ và hiếm gặp.
Sau khi biết được gia đình anh Hùng bắt được con sóc lạ, rất nhiều người tò mò đến xem và ngã giá mua lại nhưng anh chưa có ý định bán.
Theo quan sát của phóng viên, toàn thân sóc có màu lông trắng tuyết, đôi mắt lại đỏ rực, chân và tai ửng hồng, rất bắt mắt.
Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho biết: “Đây là loài sóc cây đột biến rất hiếm gặp. Tuy nhiên, để xác định chính xác loài sóc cây gì thì phải nghiên cứu phân loại học, có thể phải làm ADN mới xác định được loài cụ thể”.
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh cũng nói thêm rằng: “Đây là loài hiếm gặp vì có màu lông phủ trắng từ chân đến đầu, tuy nhiên về chủng loại thì đây có thể là loại sóc cây thuộc họ Sóc (tên khoa học là Sciuridae), thuộc nhóm động vật hoang dã bình thường, chưa xếp vào loại quý hiếm”.
Con sóc nằm trong trái dừa sau khi đã ăn bên trong |
Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cũng cho biết, ở Việt Nam từng xuất hiện loại sóc này nhưng toàn thân màu đen ở Phú Quốc và Côn Đảo. “Người dân nên chăm sóc, bảo tồn, gìn giữ cá thể sóc này, đặc biệt cho mục đích du lịch”, nhà khoa học về động vật khuyến cáo thêm.
Hội chứng Leucism Được biết, trước đó vào năm 2015, một nhiếp ảnh gia động vật hoang dã từng phát hiện một con sóc màu trắng cực kỳ hiếm ở Công viên Marbury, Northwich, Anh. Năm 2018, một nhiếm ảnh gia khác cũng phát hiện một con tuần lộc màu trắng cực hiếm ở vùng núi hoang dã thuộc Oslo, Na Uy. Theo các nhà khoa học, đây có thể là Hội chứng bạch thể (tên tiếng Anh: Hội chứng Leucism), hay còn gọi Hội chứng suy giảm sắc tố (một số trường hợp được xem là bạch tạng một phần), là một dạng đột biến gen hiếm đối với sắc tố sinh học, dẫn đến việc thiếu hụt sắc tố ở lông, da… động vật. |