Phát huy vai trò trung tâm và tinh thần “Hà Nội vì cả nước…”
Lãnh đạo thành phố Hà Nội và thành phố Hải Phòng ký kết thỏa thuận hợp tác
Bài liên quan
Hà Nội – Nam Định: Tăng cường hợp tác trên 12 nội dung
Tận dụng tối đa nền tảng công nghệ tin, nâng cao hiệu quả hợp tác
Hà Nội - Quảng Ninh: Hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực
Hà Nội – Đà Nẵng đẩy mạnh hợp tác phát triển trên 13 nhóm nội dung
Hà Nội - Cần Thơ: Đẩy mạnh hợp tác, phát triển toàn diện trong giai đoạn mới
Thành phố Hà Nội và tỉnh Bạc Liêu tăng cường hợp tác, phát triển
Thực hiện tốt vai trò trung tâm, kết nối
Những năm qua, Hà Nội đặc biệt coi trọng tăng cường liên kết với các địa phương trong cả nước. Với ưu thế đặc biệt, các địa phương đều nhận thấy được khả năng, cơ hội liên kết, hợp tác rất lớn với Hà Nội trong nhiều lĩnh vực. Ngược lại, những thế mạnh của các tỉnh, thành phố mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Thủ đô đầu tư, đồng thời bổ sung cho Hà Nội những sản phẩm cần thiết nhằm đáp ứng tốt hơn sự phát triển của Thủ đô cũng như nhu cầu.
Các lĩnh vực đang được Hà Nội hợp tác khá hiệu quả với các tỉnh, thành là: Quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị; công nghiệp - thương mại - dịch vụ; nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Không chỉ phát triển kinh tế, các tỉnh, thành trong vùng còn mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác cùng phát triển về văn hóa - xã hội.
Đặc biệt, Hà Nội đã huy động mọi nguồn lực, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải các tuyến cao tốc và giao thông liên tỉnh quan trọng như: Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội - Hòa Lạc - Hòa Bình… nhằm tăng cường giao thương, thúc đẩy kinh tế Thủ đô và các tỉnh phát triển.
Bên cạnh liên kết phát triển kinh tế - xã hội, với vị thế thuận lợi, Hà Nội rất tích cực trong việc giúp các tỉnh, thành tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư tại Thủ đô; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là ngành giáo dục, y tế; khai thác và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm sản, tổ chức triển lãm giới thiệu sản phẩm; tăng cường liên kết, khai thác tiềm năng du lịch…
Thể hiện vai trò trung tâm, liên kết trong vùng Thủ đô, hàng loạt các cuộc làm việc của đoàn công tác thành phố do các đồng chí trong Thường trực Thành ủy dẫn đầu đã tăng cường và đẩy mạnh hợp tác phát triển giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Sự lãnh đạo của Thành ủy bảo đảm cho chủ trương đẩy mạnh liên kết vùng được cả hệ thống chính trị Thủ đô quan tâm, thực hiện. Trên thực tế, các sở, ngành, thậm chí là các quận, huyện, đặc biệt là các doanh nghiệp của Hà Nội đã chủ động, thường xuyên giữ mối quan hệ hợp tác với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp các tỉnh trong vùng.
Tạo động lực cho phát triển vùng
Đánh giá lại kết quả hợp tác, phát triển với các địa phương trong giai đoạn 2015-2018, các tỉnh, thành phố đều cho rằng, sự hợp tác chia sẻ về mọi mặt giữa các địa phương đã mang lại nhiều cơ hội, thúc đẩy sự phát triển của nhiều tỉnh, thành.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang chia sẻ, những kết quả phát triển nổi bật của tỉnh thời gian qua, ngoài nỗ lực của tỉnh, còn nhờ sự hợp tác chia sẻ mọi mặt của các địa phương trong cả nước, đặc biệt là thành phố Hà Nội.
Từ năm 2015 đến nay, thành phố Hà Nội đã giới thiệu 87 doanh nghiệp về đầu tư tại Hà Nam, với tổng vốn đăng ký 10.900 tỷ đồng. Ngành công thương hai địa phương đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc nhằm mở rộng nguồn cung gia công bán thành phẩm, tận dụng và phát huy lợi thế sẵn có về nguyên liệu, mặt bằng, nhân công. Ngành nông nghiệp hai địa phương tăng cường trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, cùng hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ về công nghệp...
Bày tỏ ấn tượng về sự phát triển mọi mặt của thành phố Hà Nội trong những năm gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh, sự phát triển đó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển chung của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Hưng Yên. Trong những năm qua, Hà Nội và Hưng Yên đã triển khai hiệu quả nhiều nội dung hợp tác trên các lĩnh vực: Quy hoạch, xúc tiến đầu tư, liên kết phát triển vùng, kết nối giao thông, phát triển công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, thủy sản…
Cụ thể, hai tỉnh, thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội, tạo dựng mối liên kết với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, giúp giảm chi phí sản xuất và góp phần phát triển kinh tế - xã hội 2 địa phương. Cùng với đó, Hà Nội và Hưng Yên thường xuyên trao đổi thông tin thương mại, đặc biệt là các hoạt động xúc tiến và quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Hai địa phương cũng đã ký kết Chương trình hợp tác về phát triển du lịch giai đoạn 2018-2020, trên cơ sở đó, đã xây dựng các chương trình, tuyến, điểm du lịch hấp dẫn để kết nối Hưng Yên - Hà Nội…
Là “cửa ngõ” của Hà Nội, với sự năng động, sáng tạo, 20 năm qua, từ một tỉnh nghèo thuần nông, Vĩnh Phúc đã trở thành trung tâm công nghiệp của vùng và cả nước, quy mô nền kinh tế đã đạt trên 100.000 tỷ đồng. Ở khu vực phía Bắc, tỉnh chỉ đứng sau Thủ đô Hà Nội về thu nội địa. Từ năm 2014, tỉnh đã tự cân đối thu chi ngân sách và có đóng góp cho Trung ương….
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan chia sẻ, có được kết quả đó là do tỉnh chọn được mục tiêu, phương thức phát triển và tạo được sự liên kết giữa các địa phương với nhau, trong đó việc ở gần Thủ đô là lợi thế lớn đối với tỉnh. Giai đoạn 2015-2018, tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác để phát triển; tăng cường phối hợp quảng bá các tiềm năng, thế mạnh về du lịch; tăng cường trao đổi học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại, phát triển hoạt động thương mại theo hướng gắn kết thị trường Vĩnh Phúc với thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Mục tiêu của Vĩnh Phúc trong nhiệm kỳ này và các nhiệm kỳ tiếp theo là trở thành tỉnh công nghiệp, du lịch và dịch vụ của vùng và cả nước, trong đó công nghiệp là nền tảng và động lực. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Vĩnh Phúc xác định, một trong các giải pháp quan trọng là phải tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô và trên cả nước, đặc biệt là với thành phố Hà Nội.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Hà Nội nhận thức rõ trách nhiệm là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ... của cả nước. Chính vì thế, trong những năm qua, Hà Nội luôn phát huy tinh thần vì cả nước và cả nước vì Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá, những kết quả hợp tác giữa các địa phương trong thời gian qua rất tích cực nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Do vậy, cùng với việc đẩy mạnh hơn nữa những nội dung đã được thống nhất hợp tác trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng các địa phương cần chú trọng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực kết nối và quy hoạch. Đây sẽ là nội dung quan trọng tạo ra động lực, lan tỏa cho sự phát triển vùng. Cùng với đó, các địa phương cũng cần tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng, quốc phòng an ninh… đảm bảo sự phát triển đồng bộ, toàn diện và bền vững trên mọi mặt…