Phát huy yếu tố con người trong việc cảnh báo, dự báo thiên tai
Các dự báo viên không ngừng trau dồi năng lực chuyên môn phục vụ công tác dự báo
Tại Việt Nam, hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo ba cấp đã được hình thành từ khoảng 20 năm nay và được xác định là mô hình chính của Hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo Luật Khí tượng Thủy văn. Tuy nhiên, trách nhiệm của mỗi cấp sẽ được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao theo hướng chi tiết hơn về thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đối với các khu vực và vai trò của các cấp khu vực, tỉnh sẽ được chú trọng đặc biệt.
Trong điều kiện hạn chế về mặt công nghệ, các dự báo viên và nhân viên quan trắc của ngành Khí tượng Thủy văn đã phải nỗ lực hết mình để bù đắp các khoảng trống về hệ thống quan trắc, công nghệ, thông tin phục vụ dự báo.
Hiện nay, các phương pháp, công nghệ chính trong quá trình dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn ở Việt Nam báo gồm: Phương pháp truyền thống (phân tích synốp, thống kê,…); Phương pháp số trị, mô phỏng số; Phương pháp tổ hợp, thống kê sau mô hình; Ứng dụng công nghệ viễn thám (rađa, vệ tinh). Tuy nhiên sản phẩm khoa học công nghệ của các phương pháp nêu trên chỉ để tham khảo và kết quả cuối cùng đưa vào bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phụ thuộc vào quyết định chủ quan của dự báo viên được phân công, chịu trách nhiệm xây dựng bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo phân cấp có thể là dự báo viên, Lãnh đạo Phòng dự báo hoặc Lãnh đạo Đài, Lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương tùy theo loại hình bản tin.
Trước thực trạng trên, để nâng cao tính chính xác, độ tin cậy của các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian tới, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có lộ trình xây dựng các hệ thống quan trắc hiện đại, hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường công nghệ dự báo, năng lực chuyên môn, đặc biệt là xây dựng và đưa vào dự báo nghiệp vụ mô hình dự báo bão, mưa lớn của Việt Nam.
Cụ thể, trong giai đoạn tiếp theo, ngành Khí tượng Thủy văn sẽ gia tăng mật độ mạng lưới trạm khí tượng bề mặt và đo mưa đã được tự động hóa, đảm bảo khoảng cách giữa các trạm đo mưa trung bình dưới 40km, vùng trọng điểm dưới 20km, khoảng cách giữa các trạm khí tượng trung bình 60km, trong vùng trọng điểm dưới 30km với khả năng truyền tự động số liệu thời gian thực từ các trạm về Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.
Để có được những bản tin dự báo kịp thời, chính xác nhất, công nghệ điều hành, xử lý thông tin của tất cả rađa trên mạng lưới phải đồng bộ, hiện đại, tạo cơ sở tổ hợp số liệu thời gian thực toàn bộ mạng lưới rađa thời tiết. Hệ thống quản lý, điều khiển, tổ hợp ảnh rađa thời tiết đạt trình độ hiện đại phổ biến trên thế giới. Bên cạnh đó, ngành Khí tượng Thủy văn cũng cần nâng cao tốc độ và mở rộng băng thông của hệ thống thông tin truyền dẫn số liệu, bảo đảm thu thập dung lượng số liệu thời gian thực đáp ứng yêu cầu phục vụ dự báo và trao đổi số liệu trong và ngoài ngành.
Ngoài ra, các dự báo viên cần tăng cường năng lực phân tích, tính toán, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các mô hình khí tượng thủy văn hiện có, đưa vào sử dụng trong dự báo nghiệp vụ các sản phẩm ảnh mây vệ tinh và rađa thời tiết, đã được xử lý làm giàu thông tin, gia tăng giá trị sử dụng. Các kỹ thuật viên của ngành Khí tượng Thủy văn phải thiết lập hệ thống máy tính đủ mạnh, đảm bảo tốc độ chạy các mô hình có độ phân giải cao, mô hình dự báo hải văn, các mô hình dự báo cực ngắn cho sản phẩm 4 lần/ngày, dự báo từng giờ, tính toán úng ngập đô thị thời gian thực.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ dự báo Khí tượng Thủy văn cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn hiện đại nhằm lưu trữ, quản lý và khai thác hiệu quả dữ liệu khí tượng thủy văn, đáp ứng các yêu cầu của công tác dự báo và phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Quan trọng nhất chính là ngành Khí thượng Thủy văn phải thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật chủ chốt đáp ứng các yêu cầu hiện đại hóa ngành.