Phát triển hệ thống phục hồi chức năng chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển hệ thống phục hồi chức năng và phát triển chuyên môn kỹ thuật phục hồi chức năng, nâng cao năng lực của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội.
Thành phố cũng tăng cường chỉ đạo tuyến và hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới; mở rộng triển khai danh mục kỹ thuật phục hồi chức năng trong các cơ sở khám chữa bệnh phù hợp với mô hình cung cấp dịch vụ theo phân tuyến chuyên môn; chú trọng phát triển các kỹ thuật phục hồi chức năng đa ngành, chuyên sâu đảm bảo cung cấp dịch vụ toàn diện.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, ngành Y tế Thủ đô duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển các trung tâm, khoa phục hồi chức năng của các cơ sở y tế, khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng ngoài công lập.
Các đơn vị phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường ứng dụng phương pháp mới, kỹ thuật mới, chuyên sâu và phối hợp điều trị, chuyển tuyến trong lĩnh vực phục hồi chức năng; thực hiện các chương trình, đề án, dự án. Trong đó, ngành chú trọng phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật; củng cố và phát triển trạm y tế xã, phường đảm bảo cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và dựa vào cộng đồng.
Đồng thời, các đơn vị triển khai các hoạt động dự phòng, phát hiện sớm khuyết tật, quản lý, điều trị và chăm sóc người khuyết tật, người bệnh; thực hiện đề án mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 của UBND thành phố; khám phát hiện để can thiệp phục hồi chức năng sớm: Thực hiện sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và can thiệp sớm các dạng khuyết tật cho trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng, phòng ngừa khuyết tật, lập hồ sơ quản lý sức khỏe người khuyết tật theo quy định; triển khai các biện pháp sàng lọc, tư vấn sinh sản phù hợp, hiệu quả để tăng cường phát hiện sớm các dạng khuyết tật trước và sau sinh; tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh về phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp và hòa nhập cộng đồng; điều chỉnh, cải thiện điều kiện tiếp cận môi trường sống phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Các cơ sở phối hợp giữa chuyên khoa phục hồi chức năng với các chuyên khoa khác; giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với cá nhân, gia đình, cộng đồng và cơ quan, tổ chức khác; thực hiện phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Cùng với đó, các đơn vị đánh giá nhu cầu sử dụng các biện pháp can thiệp phục hồi chức năng trong quá trình khám, điều trị cho người bệnh.
Các biện pháp can thiệp phải được thực hiện liên tục, toàn diện theo giai đoạn tiến triển của bệnh tật; sử dụng kỹ thuật vận động trị liệu, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu, chỉnh hình, thiết bị y tế, dụng cụ phục hồi chức năng và các biện pháp can thiệp khác.
Các đơn vị xây dựng, ban hành các hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho công tác phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng và quản lý sức khỏe người khuyết tật, các đối tượng cần trợ giúp xã hội phù hợp với chức năng nhiệm vụ và phân tuyến kỹ thuật của các cơ sở y tế; hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra giám sát hoạt động phát hiện sớm, điều trị, phục hồi chức năng, quản lý sức khỏe người khuyết tật tại trạm y tế và cộng đồng.
Ngoài ra, thành phố sẽ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người khuyết tật ít nhất 1 lần/năm; phối hợp, lồng ghép khám phát hiện sớm khuyết tật trong các hoạt động quản lý thai, khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe tại các trường học, cơ quan, xí nghiệp.
Song song với đó, các đơn vị tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thưc của cộng đồng về phòng ngừa khuyết tật, phục hồi chức năng để mọi người biết cách chủ động phát hiện, phòng ngừa khuyết tật và những người khuyết tật được hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý chuyên môn phục hồi chức năng, giám định bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử, hội chẩn; hoàn thiện các phần mềm quản lý bệnh viện và hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn, an ninh mạng, đảm bảo bí mật thông tin người bệnh; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kết nối giữa các tuyến để hỗ trợ chăm sóc, phục hồi chức năng theo dõi liên tục và lâu dài.
Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội là đơn vị chuyên khoa đầu ngành về phục hồi chức năng, tham mưu Sở Y tế triển khai thực hiện các chỉ tiêu, hoạt động của chuyên khoa đầu ngành về phục hồi chức năng trên địa bàn thành phố nhằm đạt các chỉ tiêu, tiến độ đề ra.