Phẫu thuật cho cụ bà 81 tuổi bị bướu giáp kéo dài 30 năm
Bệnh nhân nữ Đ.T.K (81 tuổi, trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vì ăn uống khó nuốt, vướng nghẹn, nằm ngủ khó thở kéo dài. Bà K cho biết, 30 năm nay bà bị tuyến giáp đa nhân hai thuỳ, tuy nhiên không đi khám định kỳ cũng như điều trị.
Các bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng cho bệnh nhân. Kết quả chọc hút tế bào cho thấy, hình ảnh bướu giáp keo lành tính.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau phẫu thuật. |
Tuy nhiên trên hình ảnh chụp MRI và soi phế quản kích thước hai thuỳ tuyến giáp rất lớn mỗi bên 15cm, kèm theo tuyến giáp thòng xuống trung thất khó tiếp cận, chèn ép gây hẹp 70% khí quản.
Theo các bác sĩ đánh giá đây là ca phẫu thuật rất khó, đòi hỏi phối hợp nhiều chuyên khoa: Gây mê hồi sức, hồi sức tích cực, hô hấp và bệnh phổi, đặc biệt là phẫu thuật viên thực hiện phải giàu kinh nghiệm và có trình độ cao.
Các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa, thống nhất và chỉ định cắt toàn bộ u hai thùy tuyến giáp cho bệnh nhân. Đây là ca phẫu thuật có độ khó cao vì khối u kích thước lớn, tăng sinh mạch máu nhiều, nguy cơ chảy máu cao.
Sau 2 giờ phẫu thuật, kíp phẫu thuật BSCKII Nguyễn Quang Phú, Trưởng khoa Ngoại thần kinh lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã bóc tách thành công khối u nặng 1kg, kích thước 9x14 cm, với trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm lâu năm đã bảo tồn khí quản, thanh quản và các mạch máu, dây thần kinh vùng cổ cho bệnh nhân.
Bác sĩ Phú cho biết: “Do khối u rất lớn làm biến đổi kiến trúc giải phẫu và có nhiều mạch máu tăng sinh nên ưu tiên đường mổ rộng, kiểm soát động mạch giáp trên hai bên tốt để hạn chế chảy máu cho người bệnh.
Quá trình bóc tách khối u, phẫu thuật viên phải rất cẩn trọng, tỉ mỉ để dây thanh quản quặt ngược hai bên, các tuyến cận giáp nhằm tránh các biến chứng sau mổ như khàn tiếng, tê tay…Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định và được xuất viện sau 7 ngày phẫu thuật".