Phẫu thuật lấy hàng trăm viên sỏi túi mật cho bệnh nhân người Brazil
Bệnh nhân được chỉ định siêu âm ổ bụng, nhưng túi mật không chứa dịch mật như thông thường mà thay vào đó là rất nhiều sỏi, làm kích thước túi mật lớn hơn bình thường.
Trước hình ảnh bất thường đó, mặc dù tiếp nhận siêu âm ca bệnh trong đêm nhưng ThS.BS Phạm Như Ánh, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec nhanh chóng kết nối hội chẩn cùng BSCKII Nguyễn Văn Thưởng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Medlatec và tư vấn bệnh nhân chụp cộng hưởng từ (MRI) gan mật có tiêm thuốc đối quang từ.
Hàng trăm viên sỏi túi mật và túi mật được ê-kíp bác sĩ lấy ra an toàn cho bệnh nhân |
BSCKII Nguyễn Văn Thưởng cho biết: Chụp MRI sỏi mật có giá trị để đánh giá đường mật trong và ngoài gan giãn hay không, có sỏi túi mật hay không, đánh giá cổ túi mật có thuận lợi không, xung quanh túi mật có viêm dính không để tiên lượng cuộc mổ là thuận lợi hay khó khăn.
Kết quả chụp MRI của bệnh nhân có sỏi túi mật nhiều viên đúc đầy túi mật, không thấy dấu hiệu viêm túi mật. Ngay sau đó, bệnh nhân được BS Thưởng cùng ê-kíp y bác sĩ chuyên khoa Ngoại thực hiện mổ cắt túi mật chủ động qua nội soi.
Chia sẻ quá trình phẫu thuật ca bệnh, BS Thưởng cho hay: “Ca bệnh này may mắn, khi phẫu thuật vào túi mật bị viêm mạn tính, không có tình trạng viêm cấp nên việc phẫu thuật cổ túi mật và sườn túi mật khá thuận lợi. Tuy nhiên, kích thước của túi mật to, sỏi túi mật lấp đầy, nên quá trình lấy sỏi ra khó khăn hơn bình thường.
Sau 30 phút phối hợp nhịp nhàng cùng tinh thần trách nhiệm cao nhất, ê-kíp đã gắp toàn bộ sỏi, tương đương hàng trăm viên sỏi bé xíu được lấy ra an toàn khỏi túi mật của bệnh nhân. Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và được xuất viện".
Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS Trần Công Hoan, Chuyên gia Chẩn đoán hình ảnh, Hệ thống Y tế Medlatec, nguyên Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện E, cho biết: Hiện nay có nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ để trả lời được câu hỏi có sỏi hay không có sỏi, có biến chứng hay không có biến chứng để lựa chọn phương pháp điều trị.
Trường hợp có sỏi túi mật hoại tử bắt buộc phải mổ cấp cứu, ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện điều trị bằng nội khoa, phẫu thuật cho người bệnh.
Chuyên gia lưu ý, người Việt Nam có đặc điểm cơ địa người nhỏ nên đại đa số chỉ cần siêu âm là đủ điều kiện để chẩn đoán có sỏi túi mật hay không. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân người Brazil có thể trạng béo phì (BMI=34,4 kg/m2), bị viêm túi mật mạn tính, toàn bộ túi mật lấp đầy sỏi, vì vậy, bác sĩ phải có nhiều kinh nghiệm mới đọc được kết quả đây là sỏi túi mật.