Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa
Mục tiêu của Chiến lược nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt (phòng chống mù lòa), giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa có thể phòng chống được, phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân, đặc biệt hàng triệu người mù quyền được nhìn như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về mục tiêu thị giác 2020.
Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa...
Chiến lược phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,5 người trên 1.000 dân; tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 2,5 người trên 1.000 dân; tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 45%.
Đến năm 2030, tỷ lệ mù lòa giảm xuống dưới 4,0 người trên 1.000 dân; tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 3,5 người trên 1.000 dân; tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 75%; tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ đạt trên 95%.
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược sẽ thực hiện nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân về công tác phòng chống mù lòa và ảnh hưởng của mù lòa đối với sức khỏe, đối với khả năng lao động và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước; xây dựng, hoàn thiện chính sách phòng chống mù lòa; kiểm soát các nguyên nhân chính gây mù lòa; củng cố và kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt, bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng giữa các đối tượng (trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật)...