Phiên dịch viên tình nguyện trên đất nước Triệu Voi
![]() |
"Dù ngắn ngủi nhưng thời gian được tham gia hoạt động cùng những bạn trẻ năng động, nhiệt huyết là những trải nghiệm xúc động không thể nào quên của tôi và các tình nguyện viên Lào", anh Vũ Quang Huy (sinh viên ngành Ngôn ngữ, trường Đại học Quốc gia Lào) chia sẻ.
![]() |
Tình nguyện viên của Thủ đô Viêng Chăn hỗ trợ đoàn tình nguyện trong công việc trang trí lại trường học.
Cuộc điện thoại bất ngờ...
Vừa hoàn thành những môn thi cuối cùng của kì thi tốt nghiệp đại học vào ngày 14/7, anh Vũ Quang Huy nhận được cuộc điện thoại của một người chị đang công tác tại Thành ủy Viêng Chăn. Trao đổi qua điện thoại, anh được biết, 2 ngày tới sẽ có một đoàn tình nguyện từ Thủ đô Hà Nội đến tham gia các hoạt động tình nguyện tại huyện Xaythany (Thủ đô Viêng Chăn, Lào). "Chị ấy nhờ tôi giúp đoàn thanh niên Thành ủy Viêng Chăn trong công việc phiên dịch. Tôi nhận lời ngay không một chút đắn đo", anh Huy kể.
Gác mọi công việc riêng còn đang dang dở, "lôi kéo" người vợ trẻ vừa từ Việt Nam sang thăm chồng cùng tham gia, hai anh chị hòa vào đoàn tình nguyện với những ngày sinh hoạt và làm việc bộn bề vất vả, thiếu thốn ở bản Thong Măng (huyện Xaythany).
Anh Huy chia sẻ: "Bản thân tôi rất yêu thích các hoạt động xã hội và vì thế nên càng hiểu hơn những khó khăn trong việc tổ chức hoạt động, nhất là khi giữa hai phía không hiểu ngôn ngữ của nhau. Chính vì thế, tôi muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé để giúp những người đồng hương của mình và cũng là cách để tri ân quê hương thứ hai - Thủ đô Viêng Chăn - nơi đã cưu mang, đùm bọc, cho tôi tình thương suốt 6 năm học tập xa nhà..."
Cũng chung suy nghĩ ấy, hai cô sinh viên trẻ Kiều Thùy Linh và Lê Thị Phương Thảo ( sinh viên năm thứ hai, ngành Ngôn ngữ, trường Đại học Quốc gia Lào) hăm hở tham gia vào đội tình nguyện viên thay vì trở về quê nghỉ hè như bao bạn bè khác. Thảo nói: "Lần đầu tiên tham gia hoạt động tình nguyện nên ban đầu mình không tránh khỏi có chút bỡ ngỡ, hồi hộp. Vốn ngôn ngữ của chúng mình chưa được đa dạng nên cũng lo lắng sẽ không hoàn thành nhiệm vụ...".
Hơn 2 ngày tham gia hoạt động cùng đoàn, hơn 20 tình nguyện viên trẻ gặp không ít khó khăn. Có những thời điểm hàng trăm người dân cùng đến khám bệnh một lúc, các bạn tình nguyện viên phải căng mình với nhiệm vụ phiên dịch nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các y, bác sĩ trong việc tìm hiểu các triệu chứng, tiền sử mắc bệnh của người bệnh để chẩn đoán, kê thuốc.
![]() |
Đoàn tình nguyện của tuổi trẻ Thủ đô chụp ảnh lưu niệm cùng tình nguyện viên Lào trước khi chia tay.
...và những trải nghiệm khó quên
Đến với đoàn, còn có rất nhiều tình nguyện viên trẻ không biết tiếng Việt nhưng cũng không quản ngại khó khăn, vất vả tham gia hỗ trợ các nội dung công việc như chuẩn bị cơ sở vật chất, tham gia công tác hậu cần, đón tiếp người dân đến khám, chữa bệnh...
Cách trở về ngôn ngữ, khi không có phiên dịch, tình nguyện viên Việt - Lào chỉ còn cách giao tiếp với nhau bằng cử chỉ, hành động, bằng ánh mắt, nụ cười mà công việc vẫn cứ hoàn thành một cách trôi chảy, nhịp nhàng. Sau hơn 3 ngày tham gia cùng đoàn, Phet (tình nguyện viên người Lào) chia sẻ bằng những câu tiếng Việt lơ lớ: "Mình rất vui, rất thích và rất yêu những người bạn Việt Nam thân thiện. Mong sẽ gặp lại mọi người..."
Là du học sinh Lào có 6 năm học tập tại trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Lee Khang (hiện đang làm việc tại Thủ đô Viêng Chăn) cũng đã có những trải nghiệm khó quên cùng đoàn tình nguyện những ngày này. Lee Khang chia sẻ: "Những ngày được tham gia hoạt động cùng đoàn là những ngày vô cùng ý nghĩa, cho mình những trải nghiệm thú vị. Cảm ơn những người bạn Hà Nội thân thiện, nhiệt tình đã vượt quãng đường xa xôi để đến với đất nước của chúng mình, chia sẻ với bà con nhân dân có hoàn cảnh khó khăn của Xaythany".
Vượt qua tất cả những khó khăn về ngôn ngữ, thời tiết bất lợi khi liên tiếp có những trận mưa lớn cùng điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, gần 60 tình nguyện viên Việt Nam - Lào đã có những ngày hoạt động ý nghĩa, hiệu quả khi vượt mọi chỉ tiêu mà đoàn tình nguyện đã đặt ra từ ban đầu. Bác sĩ Trần Thị Hồng Vân (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba) chia sẻ: "Dù thời gian gặp gỡ ngắn ngủi nhưng những kỉ niệm về những người bạn Lào thân thiện, nhiệt tình sẽ khiến tôi ghi nhớ mãi trong lòng. Chính các bạn là cầu nối để làm nên một hành trình tình nguyện ý nghĩa..."
Viêng Chăn tạm biệt những tình nguyện viên trẻ Việt Nam bằng cơn mưa rào tầm tã. Tiếng mưa hòa với tiếng nhạc thiết tha của bài hát "Hà Nội - Viêng Chăn", hòa cùng giọt nước mắt lưu luyến của kẻ ở - người về, của những cái ôm siết chặt như chưa lỡ chia xa. Họ nhìn nhau đầy lưu luyến và hẹn một ngày tái ngộ không xa. Những trái tim vẽ vội trên cánh cửa ô tô trong đêm tối làm ấm lòng người trở về trong đêm mưa rét. Tình yêu không biên giới, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tấm lòng thiện lương ấy chính là nguồn sống để vun đắp cho tình hữu nghị truyền thống xanh tươi cùng thời gian, bền vững cùng năm tháng.
Thu Ngà
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Cơ hội cho giới trẻ và nền kinh tế sáng tạo

Bạn trẻ học kỹ năng cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ cộng đồng

Hơn 200 tình nguyện viên được trang bị kỹ năng cứu nạn, cứu hộ

Tháng Ba, xây nhà, dựng sân chơi tặng thanh thiếu nhi

Bảo Thanh cùng các bạn trẻ cam kết đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn an toàn

An toàn giao thông, vui đón tết Ất Tỵ

Dấu ấn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi quận Đống Đa

Xuân yêu thương - Tết sẻ chia: Tỏa sáng tình người trong gian khó

Quận Đống Đa chung tay vì môi trường xanh, sạch của Thủ đô
