Phòng các dịch bệnh truyền nhiễm mùa mưa bão ngập lụt
Phòng dịch sốt xuất huyết do ảnh hưởng mưa bão
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 30/8 đến ngày 6/9), toàn thành phố ghi nhận 190 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, giảm 75 trường hợp so với tuần trước.
Số ca mắc sốt xuất huyết phân bố tại 28 quận, huyện. Trong đó, quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc như Hà Đông (35), Đan Phượng (26), Nam Từ Liêm (12), Phúc Thọ (10) và Cầu Giấy (10). Cộng dồn năm 2024 là 2.737 ca, không có ca tử vong.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại ổ dịch sốt xuất huyết |
Về ổ dịch, trong tuần ghi nhận 10 ổ dịch sốt xuất huyết tại các quận, huyện: Hà Đông và Nam Từ Liêm mỗi nơi 2 ổ dịch; Đông Anh, Chương Mỹ, Quốc Oai, Tây Hồ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm mỗi nơi 1 ổ dịch. Số ổ dịch giảm 6 ổ so với tuần trước (16 ổ dịch). Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 131 ổ dịch, còn 29 ổ dịch đang hoạt động.
Bệnh tay chân miệng, trong tuần thành phố ghi nhận 30 trường hợp mắc, 0 ca tử vong, giảm 4 trường hợp so với tuần trước (34/0). Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay là 1.909 trường hợp, 0 tử vong.Trong tuần không ghi nhận ổ dịch. Cộng dồn năm 2024 là 41 ổ dịch đã kết thúc hoạt động.
Bệnh sởi trong tuần ghi nhận 1 trường hợp mắc tại huyện Mỹ Đức, không có ca tử vong. Bệnh nhân nam, 34 tuổi, tiền sử tiêm vắc xin phòng sởi chưa rõ. Khởi phát bệnh ngày 29/8 với triệu chứng sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi; đến ngày 31/8 xuất hiện ban từ đầu mặt lan xuống thân người; nhập Bệnh viện đa khoa Hà Đông điều trị ngày 4/9; kết quả xét nghiệm sởi dương tính. Công dồn năm 2024 đến nay thành phố có 3 ca mắc sởi, không có ca tử vong.
Bệnh ho gà ghi nhận 1 ca mắc trong tuần, không có ca tử vong, giảm 1 trường hợp so với tuần trước.
Cộng dồn năm 2024 là 225 trường hợp mắc tại 29 quận, huyện, thị xã, 0 tử vong. Phân bố theo nhóm tuổi có 139 trường hợp trẻ dưới 2 tháng tuổi (61,7%); 42 trường hợp từ 3-12 tháng tuổi (18,7%); 19 trường hợp 13-24 tháng (8,4%); 16 trường hợp 25-60 tháng (7,1%); 9 trường hợp trên 60 tháng tuổi (4%).
Bệnh uốn ván ghi nhận 1 trường hợp mắc (nam 47 tuổi, công nhân môi trường) tại huyện Gia Lâm, không có ca tử vong. Công dồn năm 2024 đến nay có 13 trường hợp mắc, 1 tử vong. Dịch, bệnh khác như rubella, não mô cầu, viêm não Nhật Bản không ghi nhận trong tuần.
Tăng cường phòng chống dịch bệnh trong và sau mùa mưa bão
Trong và sau mùa mưa bão, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải… hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, thiếu nước sạch, khi đó mầm bệnh từ các vùng nước ngập đọng, từ xác súc vật chết bị thối rữa tiếp tục lây lan nên có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh.
Do đó, tại các khu vực xảy ra ngập lụt dễ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các dịch bệnh sau mưa bão, dịch bệnh về đường tiêu hóa và các dịch bệnh khác như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, tả, lỵ, đau mắt đỏ, các bệnh về da… gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường |
CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch như thực hiện giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch.
Với điều kiện thời tiết nắng nóng kèm theo mưa nhiều như hiện nay dễ phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới.
Ngoài ra, các đơn vị tiến hành theo dõi sát và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh kịp thời, thực hiện thống kê báo cáo theo quy định.
Trong tuần tới, CDC Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động, khu vực nguy cơ như tại La Khê (Hà Đông), Đại Mỗ (Nam Từ Liêm), Đông Phương Yên (Chương Mỹ), Phú Thượng (Tây Hồ), Hồng Minh (Phú Xuyên).
Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức điều tra dịch tễ, xử lý kịp thời, triệt để các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận, không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng.
Các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Ngành Y tế phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức giám sát phát hiện trẻ mắc bệnh, triển khai các hoạt động xử lý dịch, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các trường học khi có bệnh nhân, ổ dịch.
Ngoài ra, các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như: sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, ho gà, viêm não Nhật Bản…
Với các bệnh có vắc xin, khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.